Cập nhật:  GMT+7

Triển vọng ASEAN và Nhật Bản định hình tương lai về khử carbon

Chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) Tetsuya Watanabe bày tỏ mong muốn hai bên cùng nhau định hình tương lai về các vấn đề như khử carbon và công nghệ kỹ thuật số.

Triển vọng ASEAN và Nhật Bản định hình tương lai về khử carbon

Chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) Tetsuya Watanabe bày tỏ hy vọng rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản sẽ cùng nhau giải quyết các thách thức chính với tư cách là những đối tác thực sự.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trao đổi với báo giới trước thềm Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản, ông Watanabe bày tỏ mong muốn hai bên cùng nhau định hình tương lai về các vấn đề như khử carbon và công nghệ kỹ thuật số.

Người đứng đầu viện nghiên cứu hàng đầu khu vực này nhắc lại rằng ASEAN hiện có khoảng 700 triệu người. Nền kinh tế ASEAN đạt mức tăng trưởng khoảng 5%/năm và một số ước tính cho thấy ASEAN sẽ vượt quy mô của Nhật Bản vào năm 2030. Độ tuổi trung bình của ASEAN khá thấp, chỉ 29 tuổi ở Indonesia và 27 tuổi ở Philippines.

Chủ tịch ERIA cho biết: “ASEAN cũng có thể sở hữu một tầng lớp trung lưu lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển. Nhiều công ty khởi nghiệp đang ra mắt. Những khoảng trống về cơ sở hạ tầng và thể chế đã cho phép các công nghệ kỹ thuật số được triển khai nhanh chóng, từ đó thu hút đầu tư và dẫn đến một chu kỳ tích cực.”

Trong khi đó, Nhật Bản đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn và dân số giảm sút ngay cả khi nước này vẫn giữ vị trí dẫn đầu về công nghệ tiên tiến.

Trên cơ sở đó, ông Watanabe cho rằng cần kết hợp tiềm năng tăng trưởng và năng lượng trẻ, sáng tạo của ASEAN với kinh nghiệm và khả năng xây dựng thể chế của Nhật Bản nhằm mang lại sự thịnh vượng và tăng trưởng cho Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chủ tịch ERIA lo ngại rằng một số ý kiến ở Nhật Bản vẫn coi Đông Nam Á chủ yếu là một khu vực cần được giúp đỡ, do Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia này trong những thập kỷ qua.

Ông nói: “Các công ty Nhật Bản cần nhìn nhận bản chất thực sự của ASEAN. Tôi muốn họ đón nhận ASEAN như một đối tác thực sự, thay vì tạo ra mối quan hệ cố vấn - người được cố vấn và mở rộng vòng tay với mọi người.”

Ông Watanabe coi ASEAN là “chỗ đứng” của Nhật Bản trong chính sách “Phía Nam toàn cầu”, bao trùm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ông khẳng định: “Nhật Bản sẽ gặp rắc rối lớn trong 10 năm nữa nếu không thiết lập được chỗ đứng ở ASEAN,” cho rằng thách thức đối với các công ty Nhật Bản là khả năng đưa ra các quyết định nhanh chóng liên quan đến khu vực này.

Tháng 9 vừa qua, các thành viên ASEAN đã bắt đầu đàm phán về Thỏa thuận khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN, trong đó sẽ đặt ra các tiêu chuẩn khu vực trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo ông Watanabe, ERIA đang giúp thúc đẩy các cuộc thảo luận bằng cách kết nối các chuyên gia AI, công ty khởi nghiệp và những người khác với các nhà đàm phán ASEAN.

Ông Watanabe cũng đề cập đến Cộng đồng không phát thải châu Á, một đề xuất nhằm thúc đẩy quá trình khử carbon trên khắp châu lục này theo cách phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.

Ông cho rằng những thách thức trong tương lai sẽ bao gồm việc tạo ra một siêu lưới điện kết nối các lưới điện trên khắp ASEAN và các cơ chế giao dịch carbon trong khu vực.

(Nguồn TTXVN/Vietnam+)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long