Giống như người Kinh, nhiều đứa trẻ khi mới sinh ra khó nuôi, hay ốm yếu, một số gia đình đã gửi con ở đền, chùa thì với người Tày, Nùng, họ gửi con cho thầy Tào. Bởi trong cuộc sống tinh thần của người Tày, Nùng, thầy Tào ở đẳng cấp cao nhất. Họ là những người có khả năng liên thông với thế giới thần thánh, từ đó thay mặt cho gia đình cầu xin thần thánh ban phước lành cho đứa trẻ.
Thầy Tào thực hành nghi lễ cúng.
Theo phong tục, những đứa trẻ sinh ra mà ốm yếu, không chịu ăn, quấy khóc,... bố mẹ chúng sẽ liên hệ với thầy Tào để thầy nhận làm con nuôi. Thủ tục nhận con nuôi rất đơn giản, chỉ cần bố mẹ đưa đứa trẻ hoặc ngày tháng năm sinh cho thầy Tào, sau đó thầy Tào làm lễ xin phép thần linh và thông báo cho thế lực xấu rằng từ nay sẽ nhận đứa trẻ này làm con nuôi, xin được thần linh phù hộ và các thế lực xấu không được lại gần. Sau khi làm lễ xong thầy Tào sẽ thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay, cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với đứa trẻ; từ nay đứa trẻ sẽ được thần linh phù hộ, các thế lực xấu sẽ không dám lại gần, tránh được mọi tai ương.
Hàng năm, vào dịp lễ, tết, gia đình có con gửi nuôi đều đến thăm, chúc tết thầy Tào. Sau khi dâng lễ (tuỳ tâm), thầy sẽ làm phép buộc chỉ cổ tay, thay cho chỉ cũ đã buộc từ năm ngoái. Những thành viên trong gia đình đều có thể xin sợi chỉ đỏ buộc cổ tay với mong muốn những điều may mắn, tốt lành.
Một số vật dụng chuẩn bị trong lễ cúng gửi con nhà thầy Tào.
Việc gửi con không phải là bắt buộc mà do bố mẹ đứa trẻ đến tận nhà thầy Tào để xin thầy nhận đứa trẻ làm con nuôi. Trước khi đứa trẻ này lập gia đình thì phải làm lễ chuộc lại con từ thầy Tào. Thầy sẽ chọn ngày lành, tháng tốt, hợp mệnh hợp tuổi để làm lễ bởi ngày này cũng chính là ngày sinh nhật mới của đứa trẻ, thay cho ngày sinh cũ.
Gia chủ sẽ chuẩn bị mâm lễ để thầy Tào thông báo với thần linh rằng, từ đây đứa trẻ đã lớn, đủ lông đủ cánh, có thể lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái không cần đến sự che chở của thầy Tào nữa mà sẽ tự mình vượt qua tất cả sóng gió của cuộc đời. Tuy nhiên, nếu sau lễ chuộc con, người này vẫn hay ốm đau, bệnh tật hoặc cuộc sống vẫn gặp nhiều trắc trở có thể tiếp tục làm lễ để đổi ngày sinh nhật mới.
Sách cổ được sử dụng trong lễ cúng.
Hiện nay, tục gửi con nhà thầy Tào vẫn được duy trì trong đời sống đồng bào Tày, Nùng với những nghi lễ đầy tính nhân văn, thể hiện niềm tin, sự lạc quan của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hoàng Anh (Báo Tuyên Quang)