Cập nhật:  GMT+7

Đặc sắc lễ rước kiệu về Đền Hùng

Như một lời hẹn ước thiêng liêng, tháng Ba về, triệu triệu trái tim người dân đất Việt lại cùng hướng về non thiêng Nghĩa Lĩnh, về với Đất Tổ cội nguồn dân tộc để tỏ lòng thành kính, thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ công đức tiên tổ. Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn, trong đó không thể thiếu lễ rước kiệu về Đền Hùng của các địa phương vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự thành kính tôn nghiêm của dân tộc.

Đặc sắc lễ rước kiệu về Đền Hùng

Đoàn rước kiệu của các địa phương lần lượt vào sân trung tâm lễ hội.

Đã thành thông lệ, hằng năm sẽ có 7 đội rước kiệu gồm các xã Hy Cương, Hùng Lô, Kim Đức, Chu Hóa và phường Vân Phú - thành phố Việt Trì; xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn - huyện Lâm Thao; là các địa phương dưới chân núi Nghĩa Lĩnh được rước kiệu về Đền Hùng. Đội hình rước kiệu sắp xếp theo trình tự: Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội; đội chiêng, trống; đội bát âm và múa sinh tiền; đội rước cờ thần; đội rước bát bửu, tàn, lọng; kiệu bát cống; chủ tế và quan viên sau đó là lãnh đạo xã, phường, thị trấn, các cụ cao tuổi của địa phương mặc áo the, khăn xếp cùng nhân dân tham gia rước kiệu. Lễ vật gồm có hương, hoa, quả, bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương...

Đặc sắc lễ rước kiệu về Đền Hùng

Kiệu bát cống được đặt lễ vật gồm hoa, quả, bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương.

Lễ rước kiệu được bắt đầu từ cổng lớn, qua sân Trung tâm lễ hội, các đoàn rước kiệu dừng chân tại cổng chính, đặt kiệu theo hướng vọng lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh - nơi thờ tự các Vua Hùng, đội múa lân sư rồng và đội múa sư tử của các đoàn kiệu sẽ biểu diễn cho đồng bào xem, sau đó đoàn kiệu tiếp tục rước về ngã 5 đền Giếng, dưới chân bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong, tại đây đội múa lân sẽ biểu diễn phục vụ đồng bào và du khách và kết thúc buổi rước kiệu.Là địa phương có nhiều di tích gắn liền với thời đại Hùng Vương, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) trước ngày hội mở hàng năm đều chuẩn bị chu đáo đội hình tham gia rước kiệu. Đồng chí Nguyễn Đắc Giang - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Thị trấn Hùng Sơn là địa phương có nhiều làng có di tích gắn liền với thời đại Hùng Vương, được người dân trông nom, hương khói rất chu đáo, vì thế mỗi năm thị trấn sẽ chọn một làng tham gia rước kiệu. Các thành viên tham gia đều được lựa chọn kỹ lưỡng và tập luyện từ nhiều ngày trước khi vào ngày rước chính.

Đặc sắc lễ rước kiệu về Đền Hùng

Đội rước bát bửu, cờ, lọng.

Với vai trò là “con trưởng tạo lệ”, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì cuối tháng 2 âm lịch lại tất bật chuẩn bị đội hình tham gia rước kiệu, bao sái kiệu, cờ, lọng tại đình Cổ Tích để chuẩn bị chu đáo cho lễ rước kiệu với tấm lòng thành kính nhất. Nơi đây cũng là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu của người dân xã Hy Cương. Ông Triệu Văn Tiến - người đã 5 lần làm chủ tế đoàn rước kiệu chia sẻ: “Được làm chủ tế rước kiệu về Đền Hùng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Để được chọn làm chủ tế thường phải có những tiêu chuẩn như: Gia đình vợ chồng hòa thuận, phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện tốt hương ước của làng, xã và gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tôi cũng như các thành viên trong đoàn rước kiệu đều cố gắng hết mình làm tròn trách nhiệm với sự thành kính thiêng liêng nhất”.

Đặc sắc lễ rước kiệu về Đền Hùng

Đội rước kiệu làng Hy Sơn, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao.

Du khách về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ được hoà mình trong không gian thành kính trang trọng của lễ rước kiệu, mà còn được hiểu thêm về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, từ đó nhân lên tình yêu quê hương, niềm tự hào về nòi giống “Con Rồng cháu Tiên”.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đó có nghi thức rước kiệu của các địa phương là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện rõ tính cố kết cộng đồng, niềm tự hào nguồn cội, tự tôn dân tộc, tạo nên khối đại đoàn kết, sức mạnh tinh thần trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời là điểm tựa tâm linh, sợi dây kết nối bền chặt để cả nước hướng về Đền Hùng và từ Đền Hùng nhìn ra cả nước.

Thu Hương


Thu Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Về miền di sản cội nguồn dân tộc

Về miền di sản cội nguồn dân tộc
2024-04-11 06:40:00

baophutho.vn Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang- Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng...

Dấu xưa trong lễ hội vùng Đất Tổ

Dấu xưa trong lễ hội vùng Đất Tổ
2024-04-11 06:40:00

baophutho.vn Lễ hội lịch sử liên quan tới thời đại Hùng Vương được đánh giá là có quy mô quốc gia rộng lớn vì nó gắn với gần 1.500 di tích xuất hiện ở nhiều...

Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội
2024-04-10 08:03:00

baophutho.vn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long