“Rừng che bộ đội”
Dưới thời Pháp thuộc, xã Định Biên thuộc tổng Định Biên Thượng, gồm: Yên Thượng, Bảo Biên, Quế Linh. Sau Cách mạng Tháng Tám và trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập và đổi tên, từ năm 1967 đến nay, xã có tên Định Biên.
Phần lớn người dân trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, có tinh thần yêu nước, đùm bọc cán bộ cách mạng. Vì vậy, từ năm 1938, đồng chí Vũ Hưng (thành viên Tổ cách mạng huyện Định Hóa) đã thâm nhập về Định Biên để hoạt động, tuyên truyền giác ngộ quần chúng nhân dân và tập hợp được một số thanh niên của địa phương có tinh thần yêu nước cùng tham gia. Đến năm 1939, Tổ tuyên truyền cách mạng xã Định Biên được thành lập.
Từ năm 1941, phong trào cách mạng ở Định Biên có sự phát triển mạnh mẽ, quần chúng ở các thôn bản liên kết được với nhau hoạt động mở rộng ra toàn xã. Trong thời gian này, quần chúng nhân dân còn cùng với tổ cách mạng chống lại cuộc càn quét kéo dài 10 ngày của địch.
Cùng với tinh thần yêu nước, đùm bọc của quần chúng nhân dân, địa hình rừng núi bao quanh, là địa điểm an toàn nên Định Biên có nhiều cơ quan, đơn vị Trung ương đóng quân để hoạt động cách mạng và chiến đấu chống thực dân Pháp, như: Tổng Cục Chính trị ở xóm Thâm Tắng; Bộ Tổng Tham mưu ở xóm Đồng Đau; Cục Quân y ở xóm Đồng Rằm; Tổng Cục Cung cấp ở xóm Nà To.
Đặc biệt, khi nói đến các di tích lịch sử ở Định Biên thì không thể không nhắc tới đình Làng Quặng. Tại đây, vào sáng 15/5/1945, các đoàn quân tiến về Làng Quặng, hội quân tại cánh rừng Thàn Mát, sau đó hành quân xuống đám ruộng Nà Nhậu, trước cửa đình Làng Quặng để hành lễ hợp nhất với sự tham gia của hơn 1.000 nghìn người.
Kết thúc buổi lễ, trưởng các đội quân đã họp kín ngay tại Đình Làng Quặng và quyết định cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, đồng chí Trần Đăng Ninh làm Phó Tư lệnh, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chính ủy. Ngay sau khi thành lập, Việt Nam Giải phóng quân đã đánh tan cuộc càn quét lớn của hàng nghìn quân Nhật vào khu giải phóng.
Gìn giữ và bảo tồn
Với những đóng góp của nhân dân địa phương và những dấu ấn lịch sử, đình Làng Quặng, xã Định Biên được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Đây cũng là một trong 13 điểm di tích được Ban Quản lý Di tích lịch sử - sinh thái ATK quản lý, với diện tích hơn 800m2.
Từ khi được công nhận di tích lịch sử Quốc gia, từ các nguồn ngân sách của tỉnh, đình Làng Quặng được phục dựng, xây dựng hàng rào, đường đi dạo xung quanh và cảnh quan, trồng cây xanh. Vào mồng một và ngày rằm, bà con trong xóm Làng Quặng đều đến thắp hương, dọn dẹp để cầu bình an, mưa thuận gió hòa, ghi nhớ công lao của các thế hệ tiền nhân, kể cho con cháu nghe về trang sử hào hùng của dân tộc và tinh thần yêu nước của nhân dân xã Định Biên.
Đầu năm 2024, các cơ sở đoàn của Huyện đoàn Định Hóa và Đoàn xã Định Biên thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công trình thanh niên, tổng hợp dữ liệu về di tích Đình Làng Quặng để du khách có thể tra cứu thông tin qua mã QR. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Di tích lịch sử - sinh thái ATK cũng bố trí người thường xuyên dọn dẹp, chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp để gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của di tích.
Nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp
Năm 2000, xã Định Biên được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phát huy truyền thống đó, bà con nhân dân xã Định Biên nói chung, xóm Làng Quặng nói riêng ra đang sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đồng chí Trần Thị Hồng Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Định Biên, chia sẻ: Trước đây, đời sống của bà con trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn, do hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu. Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã đã đóng góp cùng Nhà nước cứng hóa 100% đường giao thông; cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang.
Bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng đất nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng thương phẩm. Toàn xã có 210ha lúa, phần lớn đã được người dân đưa những giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao (như Bao thai, J02) vào sản xuất; chuyển 100% diện tích chè trung du sang chè cành. Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động được thực hiện có hiệu quả, với hàng trăm lượt người được giới thiệu đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Năm 2022, xã Định Biên được công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm... |
Chúng tôi rời Đình Làng Quặng với lòng bồi hồi, xúc động, những dấu tích về thời kỳ dù khó khăn, vất vả nhưng bà con nhân dân Định Biên vẫn một lòng che chở, đùm bọc cán bộ, hỗ trợ các đơn vị quân đội trong thời kỳ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp. Càng tự hào hơn, đây chính là nơi diễn ra Lễ hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu Quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân, đánh dấu sự lớn mạnh trong hành trình 80 xây dựng và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
TK (Theo baothainguyen.vn)