Trong ngày làm việc, học tập đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hàng nghìn nữ công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị; các em học sinh từ lớp 9 trở lên thuộc các trường học trên địa bàn huyện Lạc Sơn (tỉnh Hoà Bình) đã hưởng ứng mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường với sắc màu áo váy hoa văn thổ cẩm, tạo hình ảnh đẹp, dấu ấn về tinh thần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong nhân dân.
Đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Trang phục truyền thống dân tộc là một biểu trưng văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Với tổng dân số trên 15,7 vạn người, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 92%. Ngày 22/1/2025, UBND huyện có văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, trường học, UBND các xã, thị trấn về việc triển khai mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường vào dịp lễ, Tết, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thông qua việc mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
![Giữ gìn, phát huy vẻ đẹp trang phục truyền thống dân tộc Mường](//c.baophutho.vn/desktop/news/2506/189d1101915t2104l1-img-6204.jpg)
Phụ nữ các xã, thị trấn trong trang phục dân tộc Mường trình diễn dân vũ thể thao chào năm mới 2025 tại sân vận động huyện Lạc Sơn.
Trước đó, hình ảnh 1.050 phụ nữ mặc trang phục váy Mường đến từ các xã, thị trấn tham gia trình diễn dân vũ thể thao chào năm mới 2025 tại sân vận động huyện để lại ấn tượng sâu đậm trong du khách và nhân dân. Chị Bùi Thị Thùy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Lập chia sẻ: Là một trong những đội có đông hội viên tham gia trình diễn, chúng tôi rất phấn khởi được thể hiện những tiết mục vui khỏe, sôi động. Tại sân chơi ý nghĩa này, chúng tôi tự hào khi được giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp trang phục dân tộc Mường, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình trong thời đại mới, có sức khỏe để thực hiện tốt trách nhiệm bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh.
Thời gian qua, đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạnhiện nay” trên địa bàn tỉnh được chính quyền địa phương triển khai tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích mặc trang phục truyền thống được quan tâm, đẩy mạnh, đồng thời việc lựa chọn mặc trang phục truyền thống đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được huyện thực hiện với nhiều nội dung phong phú, hiệu quả, như: tổ chức tập huấn và thi đấu thực nghiệm môn đánh mảng dân tộc Mường; thi hát thường rang, bộ mẹng, hát đúp giao duyên, hát lẩy truyện thơ dân gian Mường; thi trình diễn sắc bùa chiêng Mường. Gắn với các nội dung, việc mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường là một trong những quy định bắt buộc về hình thức tổ chức.
Trong tháng Giêng, tại nhiều địa phương trong huyện triển khai các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng năm mới, tiêu biểu như các xã: Quyết Thắng, Tân Lập, Nhân Nghĩa, thị trấn Vụ Bản... Đặc biệt, hoạt động lễ hội truyền thống nô nức diễn ra, như các lễ hội: xuống đồng - xã Yên Phú, đình Khói - xã Ân Nghĩa, đình Cổi - xã Vũ Bình, đình Khênh - xã Văn Sơn, đền Cây Đa - thị trấn Vụ Bản... Cùng với công tác tuyên truyền, phát động phong trào trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, trường học, việc mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần khơi dậy, tôn vinh di sản văn hóa trang phục truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa ở các địa phương.
Bùi Minh/Báo Hòa Bình