“Chìa khóa” đưa nông sản ra thị trường thế giới
Kỳ II: Những “rào cản” cần tháo gỡ
Đẩy mạnh thực hiện cấp MSVT xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là quá trình lâu dài, trải qua nhiều công đoạn, từ vùng nguyên liệu đầu vào đến quy trình sơ chế, bảo quản, quảng bá hình ảnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh thương hiệu sản phẩm bền vững cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tích cực hỗ trợ, tiếp sức cho Hợp tác xã (HTX), người dân.

Thực hiện chặt chẽ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn vệ sinh thực phẩm là những yêu cầu để đủ điều kiện được cấp MSVT, phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
Yêu cầu từ thực tiễn
Theo ông Hà Hải Long - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng, các sản phẩm hàng hóa đặc trưng có lợi thế của tỉnh sau khi được cấp giấy chứng nhận MSVT đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân trong vùng sản xuất. Các HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất, người dân đã có ý thức trong việc thực hiện các quy trình sản xuất; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy trình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng giá trị, tham gia vào đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm đã mở rộng được quy mô sản xuất, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một trong những yếu tố quan trọng cần hướng tới trong xuất khẩu nông sản là chất lượng, hiệu quả, ổn định, xây dựng được thương hiệu uy tín, kể cả hoạt động theo quy mô nhỏ. Hiện nay, việc cấp MSVT, chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng nông sản xuất khẩu đóng vai trò hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn.
Để đủ điều kiện xuất khẩu, tất cả các loại nông sản đều phải áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Toàn bộ diện tích nông sản phục vụ xuất khẩu khi đã được cấp MSVT đều được ghi nhật ký, nhật trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và định vị vị trí trồng, được dán tem, truy xuất nguồn gốc…
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông nhận định: “Trên địa bàn tỉnh còn thiếu doanh nghiệp trực tiếp đứng ra hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn phải liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để thực hiện quy trình xuất khẩu nên giá trị không cao. Cùng với đó, một số sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng của sản phẩm chưa đạt yêu cầu về xuất khẩu. Việc sản xuất chưa thu hút được doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực đầu tư liên kết sản xuất sản phẩm chất lượng, hướng tới xuất khẩu còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phần lớn quy mô hộ nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa ít, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Nguyên nhân này khiến số sản phẩm được cấp MSVT còn ít”.
Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác như cấp mã số cơ sở đóng gói chưa được thực hiện; mẫu mã, bao bì của các sản phẩm còn đơn điệu, thiếu thông tin nên chưa thu hút được khách hàng quốc tế; thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm nông sản trên các website thương mại điện tử quốc tế chưa đầy đủ, không cập nhật thường xuyên hoặc không có ngôn ngữ tiếng Anh cũng là hạn chế trong việc quảng bá, giới thiệu nông sản Phú Thọ ra thị trường thế giới. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, căn cơ, kịp thời khắc phục, tháo gỡ những “rào cản”.

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được hai MSVT cho sản phẩm chè phục vụ tiêu thụ nội địa với gần 140ha, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu, phát triển các sản phẩm chè của tỉnh.
Các giải pháp đồng bộ
Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, giá cả ổn định, mang tính cạnh tranh. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường. Do vậy, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm cần nghĩ ngay tới việc được cấp MSVT cho các sản phẩm bản địa, đặc hữu, có danh tiếng, đậm tính đặc thù, chuyên biệt cho một khu vực địa lý. Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhất để xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục thực hiện thẩm định, cấp mã số cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đồng thời giám sát, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo các yêu cầu quy định của nước nhập khẩu. Mục tiêu đến hết năm 2023, toàn tỉnh thiết lập, cấp khoảng 201 MSVT với tổng diện tích trên 3.500ha, trong đó chè 60 mã số, diện tích gần 2.000ha; bưởi 70 mã số, diện tích 970ha; chuối 23 mã số, diện tích 310ha; rau 48 mã số, diện tích 290ha. Cắm 201 biển cho từng vùng trồng đã được cấp mã số để kiểm soát, theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời để tuyên truyền đến người dân ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản trong trồng trọt.
Để đẩy mạnh công tác thiết lập, quản lý MSVT, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và cấp, quản lý MSVT lĩnh vực trồng trọt, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch thiết lập, quản lý, giám sát MSVT, cơ sở đóng gói xuất khẩu; cấp, quản lý MSVT lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra thường xuyên, kịp thời thực hiện giám sát MSVT, cơ sở đóng gói xuất khẩu theo quy định. Kiểm tra định kỳ một lần/năm hoặc đột xuất theo yêu cầu; thực hiện đình chỉ sử dụng mã số nếu vùng trồng không thực hiện ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc, không đáp ứng yêu cầu theo quy định hoặc hủy mã số nếu vùng trồng không có biện pháp khắc phục lỗi, chuyển đổi loại cây trồng khác, chuyển mục đích sử dụng,... Giám sát định kỳ sáu tháng/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu; phối hợp, rà soát, báo cáo tình hình sử dụng MSVT đã được cấp.
Theo ông Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay ngành Nông nghiệp đang khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các HTX, THT nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất quá trình sản xuất nông sản, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản của tỉnh; tiếp tục phối kết hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch quản lý, cấp chứng nhận MSVT, vùng nuôi đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; lựa chọn đối tượng, quy mô để cấp mã số sản xuất. Xây dựng bản đồ số nhằm đánh giá được vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ công nghệ mã hóa vùng trồng theo đúng quy chuẩn quốc gia.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tạo điều kiện, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn cùng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, đặc biệt là tiêu thụ chế biến nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ giá trị sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng hỗ trợ nông dân xây dựng MSVT, tạo thuận lợi xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của tỉnh.
Nhóm PV kinh tế