{title}
{publish}
{head}
Món quà đặc biệt nhất đối với bất kỳ ai từng đến Trường Sa là được mang về từ biển một lá cờ Tổ quốc.
Kỷ vật thiêng liêng đó dù có bạc màu vì sóng gió nhưng đó là bóng hình đất nước, là vị mặn mòi của biển, đảo Việt Nam, là hồn thiêng của những anh hùng liệt sĩ đã hòa trong sóng nước Trường Sa, vun đắp vững chãi cột mốc chủ quyền.
Tổ quốc giữa trùng khơi
Hú những hồi còi dài chào cảng, chào đất liền, chào đồng chí, đồng đội, tàu KN 491 rẽ sóng, đưa đoàn công tác số 2 năm 2024 hướng về huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Trên đỉnh tháp tàu, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong nắng mai.
Suốt dọc dài hải trình, một trong những hình ảnh tôi thích ngắm nhìn nhất là lá cờ Tổ quốc. Giữa mênh mông biển cả, giữa cao xanh trời biển hay trong hoàng hôn chiều tà, lá cờ như ngọn lửa rực trên cột cờ những con tàu vận tải, tàu đánh cá; trên đỉnh tháp tàu hải quân, tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển; trên đuôi những chiếc xuồng vận chuyển giữa tàu và đảo. Trên cột cờ của các đảo, nhà giàn, trên ngực áo bộ đội, trên những cột mốc chủ quyền và trên vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ mãi mãi nằm sâu trong lòng biển để bảo vệ từng tấc đất quê hương, những lá cờ ở nhiều sắc độ, kích thước khác nhau, lúc reo vui trong nắng gió, khi phần phật dữ dội, lúc yên ả trên vòng hoa dập dềnh trên mặt biển... Tất cả đều gợi lên một tình cảm thân thương đến lạ kỳ. Đó là niềm tự hào và vững tin bởi quốc kỳ ở đâu là Tổ quốc ở đó.
Ở Trường Sa, những lá cờ treo nơi đầu sóng ngọn gió, trong điều kiện gió muối, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, thường xuyên có gió giật nên chỉ một tuần là bị bạc màu hoặc sờn rách. Khi lá cờ không còn nguyên vẹn, người lính đảo hạ cờ xuống, thay mới. Những lá cờ đã từng hiên ngang giữa đất trời Trường Sa được chỉ huy đảo cẩn thận ký, đóng dấu lên và gìn giữ như một kỷ vật. Đó sẽ là món quà thiêng liêng của Trường Sa dành tặng những đoàn công tác ra thăm đảo.
Trong chuyến công tác lần này, Đại úy QNCN Nguyễn Thu Liên, cán bộ Cục Khoa học Quân sự ấp ủ việc xin một lá cờ Trường Sa. Phấn khởi cầm lá cờ kỷ niệm của đảo Cô Lin, Thu Liên khoe với tôi: “Vậy là nguyện vọng của em đã đạt được! Đối với em lá cờ ở đảo nào cũng rất trân quý. Đó là những lá cờ đã “thẩm thấu” gió sương và vị mặn mòi của biển, đảo quê hương, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Với em, lá cờ ở đảo Cô Lin còn có một ý nghĩa đặc biệt vì đây là khu vực gần nhất với nơi 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma của Việt Nam”. Thu Liên cho hay, khi về nhà sẽ đặt lá cờ vào một chiếc hộp bằng mika và trưng bày ở vị trí trang trọng trong phòng khách của gia đình.
Lá cờ ở Trường Sa trong tiết học của cô trò Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội
Cờ xin không nhanh là hết, bởi vậy mãi đến khi vào đảo Núi Le, phóng viên Phạm Đức Minh, Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội và Thiếu tá QNCN Nguyễn Phương Thảo, cán bộ Cục Dân quân tự vệ mới xin được cờ. Trong ráng chiều tuyệt đẹp, hình ảnh Đại úy Lê Thanh Cảnh, Chỉ huy trưởng đảo Núi Le đang ký trên lá quốc kỳ được Thảo và Minh nâng niu trên tay, ngay bên cầu tàu trước khi rời đảo, khiến lòng người xốn xang. Phương Thảo nói: “Đến với Trường Sa là hành trình ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người. Bao nhiêu câu chuyện về sự hy sinh lẫm liệt, về những máu xương ngã xuống bên sắc cờ Tổ quốc giữa trùng khơi nhưng phải phút giây này, chuyền tay nhau ôm lá cờ đã thấm đẫm những kiên cường của Trường Sa vào lòng, tôi càng thấu hiểu lá cờ là hiện hữu của quê hương, của Tổ quốc giữa trùng khơi”.
Trao gửi tinh thần Trường Sa
Những kỷ vật là lá cờ Tổ quốc đã từng được treo trên các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa không chỉ là món quà ý nghĩa của các chiến sĩ Trường Sa gửi đất liền mà đó còn là sự gửi gắm, trao truyền một tình yêu nối dài. Trung tá Bùi Văn Hiếu, Chính trị viên phó đảo Phan Vinh chia sẻ: “Việc xin cờ đối với các đoàn là tình cảm của đất liền dành cho cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa và cũng là tình cảm của chúng tôi gửi về đất liền thân thương. Đó là tình yêu Tổ quốc. Tất cả quốc kỳ treo trên đảo đều được lưu giữ lại, khi các đoàn tới thăm, có mong muốn được tặng cờ thì đảo sẽ tặng. Những lá cờ chỉ treo 1 tuần là rách, điều đó chứng tỏ thời tiết khắc nghiệt ở đảo và người lính đã gìn giữ lá cờ-máu thịt của quê hương như thế nào”.
Nhận món quà từ Trường Sa, cô giáo Đỗ Thị Thanh Nga, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội xúc động chia sẻ: “Từ nay lá cờ Tổ quốc thấm đẫm tinh thần của quân dân Trường Sa sẽ theo suốt cuộc đời dạy học của tôi”. Niềm vui dạy học và những câu chuyện xung quanh lá cờ nhanh chóng lan tỏa khắp các lớp học. Cô Nga kể: “Học trò đã rất bất ngờ khi tôi mở đầu tiết học bằng việc treo một lá cờ không còn nguyên vẹn lên bảng. Nhưng khi được nghe giải thích lý do vì sao lá cờ lại có hiện trạng như vậy; được nghe kể câu chuyện Trường Sa, chuyện về những người chiến sĩ hải quân, những người dân Trường Sa đang ngày đêm can trường vượt khó bảo vệ những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc... các em đã thực sự xúc động”.
“Kiến thức về biển, đảo không chỉ là hành trang giúp các em vượt qua kỳ thi cuối cấp mà còn nuôi dưỡng hành trình vào đời, khơi dậy ước mơ, mong muốn làm được điều gì đó cho cuộc sống ở Trường Sa, cho biển, đảo quê hương. Và hơn hết, các con được truyền cảm hứng vượt gian khó từ các chiến sĩ Trường Sa. Tôi mong những thầy, cô giáo dạy Lịch sử, Địa lý khắp mọi miền đất nước được đi thực tế ở Trường Sa, để trở về lan tỏa tinh thần Trường Sa tới các thế hệ học sinh và người dân”, cô Thanh Nga bộc bạch.
Nhìn thấy lá cờ đã để lại một phần hình hài ở Trường Sa, em Nguyễn Hoàng Hải, học sinh lớp 12 Sử, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cứ ngỡ lá cờ là kỷ vật từ cuộc chiến đấu nào trong quá khứ. “Khi biết lá cờ được mang về từ Trường Sa, em hiểu rằng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, thời nào cũng giống nhau, đều là những cống hiến, sẵn sàng nhận hy sinh về mình”.
Mong muốn được đóng góp cho Trường Sa, em Ngô Minh Sơn, học sinh lớp 12 Địa cho rằng: “Trước hết chúng em cần có đầy đủ những suy nghĩ, nhận thức về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Từ đó có thêm động lực để phát triển bản thân, đóng góp trí tuệ cho đất nước. Em mong muốn tìm hiểu công nghệ kỹ thuật mới hoặc những giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những bài toán, vấn đề khó khăn của người dân và bộ đội ở Trường Sa”.
Trường Sa có bao điều để nhớ, bao điều để tự hào. Dưới lá cờ mang bóng hình đất nước là tình yêu, trách nhiệm của những người lính hải quân, của ngư dân vươn khơi bám biển và là sự chung lòng của cả nước, để Trường Sa xanh mãi niềm tin, vững vàng giữa bốn bề sóng vỗ.
Thu Hà (Báo Hải quân)
Với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo khu vực miền Trung, những năm qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân luôn đoàn kết, gắn bó, đề cao...
baophutho.vn Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận phản ánh của khách hàng sử điện về việc xuất hiện văn bản giả mạo thương hiệu, con dấu của Tập đoàn Điện...
Với những ai được đặt chân đến các đảo, điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, ấn tượng đầu tiên là màu xanh của cây cối giữa nắng gió khắc nghiệt. Thực hiện chương trình “Xanh...
Đồn Biên phòng Hiền Kiệt đứng chân trên địa bàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ 3,796km đường biên giới và 3 mốc quốc giới tiếp giáp với nước...
baophutho.vn SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG, BAN HÀNH LUẬT
baophutho.vn Sự cần thiết xây dựng Dự án Luật
Tàu Kỳ hạm Cảnh sát biển 8004, thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) Vùng 1, với lượng giãn nước 2.400 tấn băng băng rẽ sóng, luôn thể hiện sức mạnh vượt trội trên sóng nước...
baophutho.vn Ngày 13/5, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống bộ đội...
baophutho.vn Thời gian qua, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy nhằm mục tiêu không để hình thành các...
baophutho.vn SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
baophutho.vn Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phú Thọ có trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến tham gia...
baophutho.vn SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT