Người thắp lửa
Người Dao đỏ ở Tân Quang vốn là dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang từ xã Trùng Khánh (Na Hang) di dân về.
Khi mới về quê mới, có những người phụ nữ mới chỉ qua tuổi đôi mươi, cũng có những người đã lên chức bà, chức mẹ. Ngày mới về, trong những chiều cuối năm mưa bay lất phất như hôm nay, nhiều người giấu tiếng thở dài và nỗi nhớ thương quê cũ vào từng đường thêu trên váy áo, như một cách hóa giải nỗi lòng khi phải rời xa mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”.
Bà Triệu Thị Lan cũng thế. Bà Lan khi ấy đã gần 40 - Cái tuổi mà người ta đã ngại đi ra ngoài tìm kiếm cơ hội việc làm nhưng cũng còn nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thời gian đầu, bà cũng như nhiều người chỉ biết ngồi bên hiên nhà. Nhưng dần dần, được Nhà nước cấp đất, rồi quen dần với nhịp sống mới, bà bảo: Lại tiếc không được di chuyển sớm hơn. Đất đai màu mỡ, nông sản làm ra đường ra chợ gần hơn. Nhất là lũ trẻ, người trẻ, cơ hội đi học, đi làm đều thuận tiện...
Những ngôi nhà gỗ cũ kỹ ngày nào di chuyển từ quê xuống, giờ sau hơn 2 chục năm đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây thơm mùi sơn, mùi vữa. Nhịp sống mới hơn 20 năm cuốn bà Lan, cũng như những người dân ở Tân Quang trôi đi... hiện đại hơn và đủ đầy, no ấm hơn.
Đến giờ, khi mọi thứ đã dần ổn định, bà Lan giật mình, khi hình ảnh những người phụ nữ ngồi thêu áo quần bên hiên nhà dần vắng bóng. “Nếu không làm gì, thì người biết thêu sẽ mang nghề đi về với tiên tổ thôi” - Nghĩ vậy, nên dẫu không tham gia Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ, cũng không tham gia công tác gì trong thôn, bà Lan vẫn đứng ra tập hợp các bà, các chị, thành lập tổ thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao.
Các thành viên trong Tổ thêu trang phục truyền thống thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai
Thanh âm mới
Mới thành lập tháng 10/2024, nhưng tổ thêu ở Tân Quang đã thu hút 17 thành viên tham gia. Các bà, các chị đều là những người biết thêu thuần thục từ năm 14, 15 tuổi.
Trong ký ức của các thành viên trong tổ, người Dao Đỏ rất giỏi thêu hoa văn trên trang phục. Ngoài những lúc đi nương rẫy, cứ là phụ nữ không chỉ người già mà các bé gái trên tay lúc nào cũng có mảnh vải nhuộm chàm cùng với cây kim, sợi chỉ cùng nhau ngồi thêu, trao đổi với nhau về các mẫu hoa văn thêu và cùng nhau sáng tạo ra các hoa văn mới.
Cái độc đáo trong thêu của người Dao Đỏ là thêu trên mặt trái của vải, nhưng họa tiết ở mặt phải hiện lên đẹp và chuẩn như một bức tranh được in chỉn chu.
Bà La Thị Viện bảo: Kỹ thuật này không biết truyền từ đời nào, chỉ biết lớn lên đã được bà, được mẹ mình dạy cho cách nhìn mặt trái của vải, để thêu những cây thông, quả trám, bông tuyết... trái mặt vải mà vẫn đều, vẫn đẹp như thêu chính diện mặt vải. Các sản phẩm thêu đặc biệt với họ vì những sản phẩm này nó thể hiện được tính sáng tạo, khéo léo và nét văn hóa đặc trưng của tộc người. Những mẫu hoa văn sử dụng trong nghề thêu được cộng đồng lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày hoặc các loại cây trồng, vật nuôi gắn với cuộc sống của họ.
Để thêu được một bộ trang phục của người Dao đỏ rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Chỉ tính riêng 2 ống quần, để thêu hoàn chỉnh cũng phải mất hơn 2 tháng.
Chẳng thế mà phụ nữ Dao Đỏ ở Tân Quang, những lúc rảnh rỗi, lại ngồi bên hiên nhà, nhanh tay thêu sao cho kịp chiếc áo, chiếc quần mới để ngày Tết có đồ diện Tết.
Giờ thành lập Tổ hợp tác, họ không chỉ thêu trang phục cho mình, mà đã biến những vuông vải đầy màu sắc của mình thành sản phẩm hàng hóa.
Bà Lan bảo: Chị em biết thêu những vuông vải nhỏ để may chiếc túi, chiếc ví, làm chiếc khăn quàng cổ... để bán. Trong tổ, có chị Triệu Thị Hải thành thục cả nghề may.
Chiếc máy may nhỏ bên cửa sổ nhà chị Triệu Thị Hải những ngày cuối năm gần như không mấy khi được ngơi nghỉ. Chị Hải cười, tiếng cười giòn tan trong gió xuân: Có tổ thêu, việc làm nghề của mình thuận hơn. Trước đây mình chị, chỉ thêu với may đo có khi cả năm mới được 1-2 bộ, giờ thì nhanh hơn rồi. Chị đặt các chị em trong tổ thêu, người thêu chiếc ống quần bên phải, người đặt chiếc ống quần bên trái. Người thêu chiếc yếm, người thêu chiếc khăn... Chẳng mấy mà một bộ quần áo hoàn chỉnh ra đời.
Có điện thoại, rồi thanh niên trong làng lập các kênh YouTube... sản phẩm thêu của người Dao Đỏ ở Tân Quang bước vào đời sống nhanh hơn, dễ dàng hơn.
“Mùa Đông đã qua, mình đón Xuân về/ Hoa cỏ nở rực rỡ, cây cũng lên chồi non/ Mình cùng nhau cấy lúa, trồng ngô/ Dân trong bản ai ai cũng phấn khởi đón niềm vui được mùa...”.
Bà Lan cất lên lời hát Páo dung bà mới học chưa được bao lâu. Ngoài nghề thêu, những người Dao đỏ ở Tân Quang cũng đang học hát Páo dung, múa chuông, múa khèn để mùa Xuân này, tiếng hát, tiếng nhạc rộn lên thanh âm mới: Thanh âm của niềm vui và hy vọng.
Trần Liên (Báo Tuyên Quang)