Cập nhật:  GMT+7

Tạo bước chuyển về “tam nông”

Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ 19). NQ tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” trong lĩnh vực “tam nông” với mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Tạo bước chuyển về “tam nông”

Công ty CP thảo dược Thiên Hương, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật nghiên cứu nhân giống các sản phẩm nông nghiệp, trong đó nấm Đông trùng Hạ thảo được công nhận sản phẩm OCOP hạng ba sao.

Sự lan tỏa của Nghị quyết

Kế tiếp những thành tựu đạt được của Nghị quyết số 26, ngày 5/8/2008, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NQ “tam nông”), NQ 19 định hướng phát triển “tam nông” theo hướng bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ngay sau khi NQ 19 được ban hành, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động, cụ thể hóa các mục tiêu của NQ vào cuộc sống. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch quán triệt, học tập, đồng thời sớm ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phù hợp với xu thế, thực tiễn địa phương để triển khai thực hiện.

Với đặc thù địa bàn miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng hạn chế nhưng bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quá trình triển khai thực hiện NQ 19 ở Tân Sơn đạt được kết quả quan trọng. Ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: “Nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bước đầu hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cho một số sản phẩm. Kinh tế của huyện phát triển đa dạng, sản xuất nông nghiệp theo đúng kế hoạch tái cơ cấu; giá trị sản phẩm được nâng cao, đạt 112 triệu đồng/ha/năm; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, huyện đã có một xã và 36 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới”.

Cùng với Tân Sơn, huyện Tam Nông cũng đã và đang tích cực triển khai NQ 19, hiệu quả đem lại được thể hiện rõ rệt sau một năm thực hiện. Hiện nay, giá trị bình quân trên cùng diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 126,5 triệu đồng/ha/năm. Địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt 53,3 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,34%, cơ sở hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, NQ 19 đã thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, khẳng định là một chủ trương đúng đắn, toàn diện của Đảng đối với “tam nông”, tạo bước chuyển lớn, làm “thay da, đổi thịt” bộ mặt nông thôn không chỉ ở Tân Sơn, Tam Nông mà ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tạo bước chuyển về “tam nông”

Xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa tích cực huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thuận lợi trong đi lại và giao thương cho người dân.

“Tam nông” khởi sắc

Để “tam nông” khởi sắc, tỉnh đã huy động nguồn lực lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt các nguồn lực huy động từ chính cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của tỉnh phát triển khá toàn diện và có bước tăng trưởng, tạo dựng được nhiều chuỗi giá trị. Hiện cả tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng được 22 dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng 93 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; có 63 hợp tác xã, 82 trang trại quy mô lớn tham gia hoạt động liên kết, khoảng 80 cơ sở chăn nuôi hợp tác liên kết với các công ty đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị... Từ đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm từ 15-20% so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp được triển khai tích cực. Đã phát triển được nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; triển khai mô hình phần mềm chuyển đổi số trong nông nghiệp “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số”; nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý toàn cầu (GIS) trong quản lý trồng trọt, bảo vệ thực vật; xây dựng trang Fanpage, Youtube, Zalo Nông nghiệp Phú Thọ để tuyên truyền, giới thiệu quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP, trao đổi tiến bộ kỹ thuật...

Do đó, hiệu quả sản xuất tiếp tục được nâng cao, giá trị sản phẩm bình quân một ha đất trồng trọt ước đạt 120 triệu đồng, thủy sản đạt 170 triệu đồng; năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính đạt khá; đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định; hoạt động lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được xác định là nền tảng quan trọng, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các công trình liên vùng, liên huyện; hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt gắn với xây dựng NTM. Chương trình xây dựng NTM được tỉnh quan tâm chỉ đạo gắn với đô thị hoá, nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu. Trong năm 2023, toàn tỉnh có thêm hai huyện cơ bản hoàn thành xây dựng NTM, tám xã đạt chuẩn NTM, tám xã NTM nâng cao, 105 khu dân cư NTM, 55 khu NTM kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 48,6 triệu đồng/năm, gấp 1,4 lần so với năm 2020.

Nâng tầm “tam nông”

Có thể thấy, NQ 19 về “tam nông” đã kế thừa và phát huy hiệu quả những giá trị vốn có, tạo sự thay đổi về tư duy trong nếp nghĩ, cách làm của hầu hết nông dân. Nông dân đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, biến tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành nền tảng để phát triển sản xuất nông hộ, mang lại thu nhập cao.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để tiếp tục thực hiện NQ “tam nông” hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực cho “tam nông”; tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh. Đồng thời chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, môi trường xanh, sạch, đẹp; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Quy hoạch phát triển KT-XH nông thôn đảm bảo hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện NQ 19, tạo sự lan toả trong cộng đồng cùng chung tay thực hiện.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đồng thời phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM.

Phương Thảo


Phương Thảo

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Khai trương Chi nhánh SHB Phú Thọ

Khai trương Chi nhánh SHB Phú Thọ
2023-12-20 12:35:00

baophutho.vn Ngày 20/12, Ngân hàng Sài Gòn- Hà Nội (SHB) tổ chức lễ khai trương và đưa vào hoạt động chi nhánh SHB Phú Thọ tại Trung tâm thương mại Happy...

“Chìa khóa” nâng tầm nông sản thời 4.0

“Chìa khóa” nâng tầm nông sản thời 4.0
2023-12-19 07:29:00

baophutho.vn Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp theo...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long