Cập nhật:  GMT+7

Trăn trở cùng xóm Động

Xóm Động, khu Đèo Mương 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, cách xa trung tâm xã cả chục cây số, đường quanh co, một bên là núi đá dựng, một bên vực sâu hun hút. Từ trên nhìn xuống, làng bản chỉ là một thung lũng nhỏ dưới chân núi. Đường vào xóm Động đã được cứng hóa, rộng thênh thang, thế nhưng người dân nơi đây vẫn mang đầy tâm tư, trăn trở về nỗi niềm điện lưới.

Đường vào xóm Động, vắt vẻo ven đường là những dây điện chằng chịt, chỗ võng, chỗ cao, chỗ lại là là ngang tầm mắt, được mắc vào những chiếc cột bằng bương, tre hay vắt ngang qua thân cây, nhiều cột phải gia cố thêm bằng một thân cây khác để đề phòng gãy đổ.

Chưa cần chúng tôi phải “thắc mắc”, người dân sống tại đây đã vội: "Hôm vừa rồi vợ chồng ông trưởng khu đi xe máy qua, bị dây điện võng xuống ngang người, may đường dây điện không hở chứ không giờ này..."

Trăn trở cùng xóm Động

Cột điện đổ nghiêng ngả, dây điện trũng thấp gây mất an toàn.

Không màng đến bữa cơm trưa, những người dân nơi đây vẫn ngồi lại tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. 15 năm qua, vì chưa được đầu tư hệ thống điện đến xóm Động nên hơn 20 hộ dân nơi đây đã phải bỏ tiền mua dây, tự kéo về nhà phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhà nào khoảng cách gần thì chi phí mất 5-7 triệu tiền dây, nhà xa mất cả chục triệu, bán một con trâu to cũng chỉ đủ tiền mua được dây điện. Mặc dù đã nhiều lần đề nghị, phản ánh qua các cuộc họp, những buổi tiếp xúc cử tri nhưng bà con vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể và lý do vì sao.

Mặc dù, người dân biết mức độ rủi ro, nguy hiểm, mất an toàn khi sử dụng điện tự kéo, tuy nhiên “méo mó có hơn không”, để có điện phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày thì không có sự lựa chọn nào khác.

Theo người dân ở đây, mùa mưa bão nhiều cột đổ, nhiều cái ngả nghiêng, dây điện võng cả xuống con suối và lề đường nhưng đổ thì bà con gọi nhau đi dựng lại, cái nào bị dập hoặc mục ruỗng thì gia cố hoặc thay thế. Vẫn biết là cột tre, gỗ không bằng cột xi măng nhưng đời sống của bà con nơi đây còn khó khăn, với họ, có tiền mua dây điện đã là cả một sự cố gắng.

Do đường dây điện phải nối từ công tơ điện đến nhà dân cách khoảng 2km nên điện yếu, gây nhiều bất tiện trong quá trình sử dụng, đa số chỉ phục vụ nhu cầu thắp sáng. Cả xóm không có máy xát gạo, mỗi lần muốn có gạo ăn phải chở lúa ra tận trung tâm xã để xát. Ngay cả các gia đình có nhu cầu muốn mua các thiết bị như ti vi, tủ lạnh, máy giặt cũng đều phải cân nhắc vì dòng điện không ổn định, thiết bị không sử dụng được hoặc có sử dụng cũng thường xuyên hư hỏng.

Trăn trở cùng xóm Động

Thứ duy nhất dùng điện trong nhà ông Sự là chiếc bóng đèn.

Trong căn nhà sàn của ông Phùng Văn Sự nay đã ngoài 60 tuổi, dây điện quấn rối tung, nhưng thứ duy nhất chạy bằng điện chỉ là chiếc bóng đèn treo chính giữa. Cắm dây điện, ông Sự lấy tay lắc lắc bóng đèn một lát mới thấy ánh sáng phát ra lờ mờ, đôi lúc lại sụt.

Ông Sự kể: “Sống quẩn quanh ở vùng núi này bao nhiêu năm đã không biết đèn điện là gì, khi biết có điện lưới Quốc gia về đến Đèo Mương chúng tôi vui lắm, nghĩ rằng sống nửa đời người rồi cũng được biết đến cái bóng đèn, cái quạt mát, rồi bảo con cái cố làm lụng mua cái tivi để xem thời sự, xem bà con ở các nơi khác họ làm kinh tế thế nào, họ ăn ở, sinh sống ra làm sao. Ấy thế mà chẳng nghĩ điện chỉ về đến trung tâm nhà văn hóa khu, còn từ đấy đến xóm Động của chúng tôi là cả 15 mùa rẫy mòn mỏi, ngóng chờ”.

Đối diện nhà ông Sự là nhà anh Nhịp, ngôi nhà vừa xây mới và về ở vào cuối năm 2023, anh Nhịp thở dài: Tôi làm nhà cả nửa năm không xong vì điện yếu, máy cắt gạch, máy khoan ì ạch không chạy nổi, đấy là đã đầu tư loại dây điện to để dẫn điện về nhà chứ nếu loại dây bé thì không tải được. Làm nhà xong đến tivi cũng không dám mua vì điện yếu, chập chờn nhỡ cháy tivi thì tiếc đứt ruột. Cơm vẫn nấu bếp củi, tủ lạnh dùng tủ cũ có hỏng cũng đỡ phí, quạt chạy như “buồn ngủ” nên cũng không đủ mát...

Trăn trở cùng xóm Động

Những chiếc cột bằng tre mắc dây điện chằng chịt.

Bao năm qua, người dân xóm Động vẫn mong chờ một ngày được đầu tư đường điện về bản một cách quy củ, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trong khi chờ đầu tư của Nhà nước thì chính quyền địa phương và ngành điện cần phối hợp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn. Như việc dùng cột tre, nứa thì cần đảm bảo kích thước cao tối thiểu như thế nào, khoảng cách từ dây dẫn điện đến mặt đất ra sao, nên sử dụng loại dây nào cho tiết kiệm, đỡ hao tổn điện năng và đảm bảo an toàn.

Mặt khác, trong mùa mưa bão, cần nhắc nhở bà con kiểm tra, gia cố những cột điện, đoạn dây xung yếu để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn bà con cách thức phòng ngừa điện giật, hoặc xử lý sự cố khi có người, gia súc bị điện giật. Mong rằng những trăn trở của bà con nơi đây sẽ sớm được “hồi đáp”.

Thu Hương


Thu Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Người Mông dưới chân núi Củm Cò

Người Mông dưới chân núi Củm Cò
2024-11-20 11:39:00

baophutho.vn Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của đồng bào Mông tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cũng ngày càng được nâng cao. Song...

Nỗi niềm gửi con của công nhân

Nỗi niềm gửi con của công nhân
2024-07-13 08:43:00

baophutho.vn Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động những năm qua đã từng bước đi vào ổn định và ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đây là...

Độc đáo rừng lim Ba Hố

Độc đáo rừng lim Ba Hố
2024-07-07 07:55:00

baophutho.vn Trên 300 cây lim xanh, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm vẫn đương xanh tốt đã tạo nên một quần thể thực vật vô cùng độc đáo và hiếm có. Trải...

Kỳ II: Vực dậy nghề dệt

Kỳ II: Vực dậy nghề dệt
2024-06-30 08:25:00

baophutho.vn Trước “ngưỡng cửa” thất truyền, nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng có thể “hồi sinh” hay không? Câu trả lời nằm ở sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của...

Thăm “đất thép” Quảng Trị

Thăm “đất thép” Quảng Trị
2024-06-27 10:52:00

baophutho.vn Tháng 6, chúng tôi về Quảng Trị vào đúng dịp Kỷ niệm 52 năm cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6...

Hồi sinh làng dệt

Hồi sinh làng dệt
2024-06-23 15:48:00

baophutho.vn Nghề dệt là di sản quý giá, niềm tự hào, biểu tượng cho bản sắc văn hóa, truyền thống lâu đời đối với đồng bào Mường ở xã Kim Thượng, huyện Tân...

“Bóng cả” trên ngàn

“Bóng cả” trên ngàn
2024-05-25 07:18:00

baophutho.vn Kết thúc chuyến hành trình ngược miền sơn cước tuần qua, món quà ý nghĩa mà chúng tôi mang về là những câu chuyện thú vị về làng, bản và tinh...

Kỳ 3: Cần chế tài xử lý cứng rắn

Kỳ 3: Cần chế tài xử lý cứng rắn
2024-05-24 10:42:00

baophutho.vn Nắm bắt nhu cầu làm đẹp của người dân, các cơ sở cung cấp dịch vụ, đào tạo nghề tiêm filler, botox mọc lên “như nấm”. Sẽ không có gì đáng nói,...

Kỳ 1  : Nở rộ dịch vụ tiêm filler chui

Kỳ 1 : Nở rộ dịch vụ tiêm filler chui
2024-05-22 10:15:00

baophutho.vn Sưng tấy, tắc mạch, nhiễm trùng, tràn dịch, thậm chí là tử vong... là những biến chứng có thể xảy ra sau khi tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long