Gắn bó với nghề
Từ TP. Nha Trang, chỉ hơn 1 giờ chạy xe, làng trầm hương Vạn Thắng đón chào những người thích du lịch trải nghiệm bằng mùi hương thân thuộc, đặc trưng của xứ trầm. Vào trong làng, 2 bên đường nơi chúng tôi đi qua, bên từng mái nhà đã ngả màu thời gian, những người trẻ, người già tất bật mài mài, giũa giũa. Hầu như gia đình nào trong làng cũng dành riêng không gian để chế tác trầm. Trong khi những người lớn tuổi tỉ mẩn đẽo gọt khúc dó bầu để loại bỏ đi phần giác, chỉ giữ lại phần có trầm; thì những người trẻ tuổi hơn nghiền trầm hương thành bột mịn, rồi đúc thành từng vòng nhang trầm, nụ trầm... Cạnh đó là những chiếc máy nhỏ, mài giũa các thanh trầm thành những vật dụng trang trí xinh xắn, vòng trang sức bằng trầm.
Sản phẩm trầm hương Vạn Thắng tham gia quảng bá tại Nha Trang. |
Ông Dương Ngọc Thời đã có 40 năm gắn bó với nghề chế tác trầm. Ông Thời cho biết, thuở còn trai trẻ, ông đã cùng thanh niên trong làng ngậm ngải tìm trầm trên những ngọn núi cao, rừng sâu ở vùng đất xứ Vạn. Đứng tuổi hơn một chút, ông chế tác trầm. Chế tác trầm được hiểu nôm na là loại bỏ đi những phần không có trầm để giữ lại những phần có trầm trên một thân cây. Đây là công việc đòi hỏi không chỉ kiến thức về trầm, mà còn sự tỉ mỉ, tinh tế và cẩn trọng, khéo léo của đôi bàn tay của những nghệ nhân chế tác trầm.
Trong ngôi nhà thơm nức mùi trầm hương, cô gái Huỳnh Yến Nhi - thành viên của Công ty TNHH Trầm Thiên Hương Vanagar đang trưng bày những sản phẩm đặc sắc nhất của mình lên kệ. Yến Nhi cho biết, sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Hội 1, được mẹ và các ông bà truyền dạy cho nghề làm trầm, cô biết ơn làng nghề đã dung dưỡng bao thế hệ gia đình dân cư nơi đây. Trầm hương là biểu tượng vô cùng linh thiêng về văn hóa, tâm linh và niềm tự hào của người dân Khánh Hòa nói chung và làng nghề xoi trầm hương Phú Hội 1 nói riêng. Do vậy, sau nhiều năm xa quê học tập, cô trở về để lập nghiệp tại xứ trầm của mình. Những gì cô học được, cùng sự chỉ dạy của đấng sinh thành, các thế hệ đi trước và sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương đã tiếp thêm sức mạnh trên con đường khởi nghiệp, gây dựng thương hiệu Trầm Thiên Hương Vanagar.
Cô Huỳnh Yến Nhi giới thiệu trầm hương Vanagar cho Hội đồng OCOP tỉnh. |
Với ông Trần Xuân Phê, một người gần như đã gắn bó cả đời mình với nghề làm trầm, đến nay thương hiệu trầm hương Giới Đức Hương mà ông gây dựng đang tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Không chỉ sản phẩm có phẩm chất cao cấp, mỗi nén trầm của Giới Đức Hương còn áp dụng công nghệ lọc nước plasma (công nghệ hiện đại nhất hiện nay) nhằm giúp làm sạch khói trầm, không gây cảm giác cay mắt cho người sử dụng.
Ông Huỳnh Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, nghề xoi trầm hương ở thôn Phú Hội 1 là nghề cha truyền con nối, thế hệ trước chỉ dạy cho thế hệ sau và duy trì, phát triển trong hàng trăm năm nay. Làng trầm hương ở thôn Phú Hội 1 có khoảng 400 hộ dân, trong đó có hơn 700 nhân khẩu gắn bó với nghề xoi trầm với kinh nghiệm và tín ngưỡng đặc sắc về trầm. Theo thời gian, các nghệ nhân trong làng đã không ngừng phát triển ngành nghề, sản xuất, chế tác trầm để cung cấp cho thị trường các sản phẩm về trầm cảnh mỹ nghệ, vòng đeo tay, các loại nhang trầm (có tăm, không tăm, trầm nụ)... Cùng với kiến thức, kỹ năng lành nghề, người làm nghề đã mạnh dạn áp dụng máy móc, khoa học công nghệ để cho ra thị trường nhiều sản phẩm tinh xảo, chất lượng, đẳng cấp.
Địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Với nét đặc sắc của mình, làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề vào năm 2016. Ngày 20-12-2024, UBND huyện Vạn Ninh tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Làng nghề xoi trầm hương xã Vạn Thắng là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. UBND xã Vạn Thắng cũng đã thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng làng nghề xoi trầm hương xã Vạn Thắng với 31 thành viên. Việc được công nhận là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp làng nghề thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Nơi đây đã hình thành Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng nhằm tập hợp các thành viên cùng phát triển nghề chế tác trầm của địa phương. Chưa kể nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trầm được thành lập, các con em, thế hệ trẻ trong làng khởi nghiệp bằng nghề truyền thống của quê hương mình, tạo nên làng nghề có sự kế thừa, đan xen giữa kỹ năng, kinh nghiệm lâu đời và khoa học công nghệ vào quá trình chế tác, đóng gói, phân phối sản phẩm ra thị trường.
Ra mắt Ban Quản lý du lịch cộng đồng làng nghề xoi trầm hương xã Vạn Thắng. |
Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng chia sẻ: "Trầm hương không chỉ là sản phẩm kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa, tâm linh và niềm tự hào của người dân Khánh Hòa. Làng nghề xoi trầm hương Phú Hội 1 góp phần bảo tồn di sản quý giá, tạo ra các sản phẩm trầm hương tinh xảo, giữ gìn và lan tỏa các giá trị truyền thống của nghề trầm hương. Chúng tôi luôn mong muốn truyền cảm hứng và động lực để thế hệ trẻ yêu nghề, gắn bó và tiếp nối di sản cha ông. Đồng thời, việc kết hợp giữa làng nghề với các hoạt động du lịch trải nghiệm cũng đang được triển khai, biến Phú Hội 1 thành điểm đến độc đáo cho du khách, nơi họ có thể tham quan, trải nghiệm quy trình xoi trầm, chế tác thủ công và cảm nhận giá trị văn hóa bản địa".
Với những ưu thế đó, những năm qua, làng nghề đã được chính quyền quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, liên kết quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... để khôi phục, duy trì và phát triển. Giờ đây, không chỉ trong mỗi nếp nhà, làng trầm hương nơi đây đã được đầu tư khu trưng bày, quảng bá và kinh doanh trầm, khu chế tác trầm, khu trải nghiệm làm nghệ nhân chế tác trầm... để phục vụ du khách có thể trải nghiệm đời sống, không khí lao động ở làng nghề, trực tiếp chế tác và mua sắm các sản phẩm từ làng nghề chế tác trầm ở Vạn Thắng.
TK (Theo Baokhanhhoa.vn)