Cập nhật:  GMT+7

Cây bưởi Đoan Hùng trước hầm Đại tướng

Trong không khí cả nước hướng về Kỷ niệm 70 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp về thăm lại Mường Phăng, nơi có khu rừng Phiêng Nặm, đặt trụ sở Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa để được nghe câu chuyện về ba cây bưởi trước hầm Đại tướng.

Cây bưởi Đoan Hùng trước hầm Đại tướng

Thuyết minh viên Lò Thị Hà giới thiệu với du khách về cây bưởi trước lán ở và làm việc của Đại tướng.

Dẫn chúng tôi thăm khu rừng Phiêng Nặm, dừng chân bên gốc bưởi, thuyết minh viên Lò Thị Hà thông tin: Sau khi chuyển phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã rời từ hang Thẩm Púa (Tuần Giáo) về đóng tại khu rừng Phiêng Nặm trên núi Phăng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) vào ngày 31/1/1954. Khi đó vào dịp Tết Giáp Ngọ, Đại tướng cho ba quân ăn Tết trong rừng sâu. Biết tin, tỉnh Phú Thọ đã cử một đoàn đại biểu lên đây để thăm hỏi và tặng quà động viên các chiến sĩ, dân công đang chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Điện Biên. Đoàn đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gửi tặng Đại tướng ba quả bưởi Đoan Hùng - sản vật của quê hương Đất Tổ. Đại tướng bổ bưởi cho anh em trong Bộ Chỉ huy cùng ăn, ai cũng khen bưởi thơm, ngọt. Đại tướng gọi ông Đỗ Hải- Đại đội trưởng cảnh vệ, bảo vệ Sở Chỉ huy đến, giao cho nắm hạt bưởi và bảo: “Đồng chí đem những hạt bưởi này gieo xuống chỗ đất tốt, để các thế hệ sau được ăn quả”. Đại đội trưởng Đỗ Hải đã chọn những hạt to, mẩy, gieo xuống trước lán ở của Đại tướng. Chẳng bao lâu có ba cây bưởi con mọc lên, ông Đỗ Hải ra sức chăm bón và trồng ba cây bưởi theo thế “kiềng ba chân”. Đến tháng 5 năm 1954, quân ta đại thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch rút về chiến khu Việt Bắc. Ông Đỗ Hải nhớ lúc đó ba cây bưởi đã lên đến đầu gối, lá xanh tốt.

Cây bưởi Đoan Hùng trước hầm Đại tướng

Đoàn cựu chiến binh thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mãi đến năm 1973, có dịp quay lại hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đỗ Hải mới thăm lại ba cây bưởi trước hầm Đại tướng năm nào. Lúc này ba cây bưởi đã xanh tốt, và trên cành có rất nhiều quả nhỏ. Tháng 12 năm 2003, ông Đỗ Hải được mời quay lại Điện Biên Phủ để đóng góp cho việc tôn tạo di tích lịch sử Điện Biên. Trở lại chiến trường xưa, trong ông trỗi dậy bao tình cảm của những ngày gian khổ, đói khát. Ông đã lặng đi khi thấy ba cây bưởi năm xưa nay chỉ còn một cây. Điều an ủi là cây bưởi còn lại cành lá xum xuê, đường kính gốc đến 20cm, cao khoảng 8 mét. Bên cạnh cây bưởi này có một cây bưởi con đang vươn lên. Ông đã đề nghị Ban Quản lí dự án di tích Điện Biên Phủ phải giữ gìn, bảo vệ cây bưởi này như một “di tích lịch sử” trong khu Sở Chỉ huy chiến dịch, thể hiện tấm lòng của Đại tướng với thế hệ sau.

Trong dịp 50 năm trở lại cánh rừng Mường Phăng sau chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghẹn ngào rơi nước mắt trong vòng tay của đồng bào và các đồng đội cũ. Trước cây bưởi còn lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò “Cần chăm sóc và giữ gìn cây bưởi còn lại bởi cây bưởi đó là dấu ấn tình cảm sâu đậm một thời”.

Cây bưởi Đoan Hùng trước hầm Đại tướng

Du khách nghe thuyết minh trong Nhà tác chiến - nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chứng kiến cây bưởi Đoan Hùng xanh tốt, sừng sững toả bóng mát một góc hiên lán ở và làm việc xưa của Đại tướng, chúng tôi, những người con Đất Tổ không khỏi xúc động. Cây bưởi như minh chứng cho tình cảm của Phú Thọ nói riêng và người dân cả nước nói chung hướng về Điện Biên trong những ngày khói lửa.

Ông Đinh Trọng Tấn - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết: “Khu di tích lịch sử Mường Phăng và cụ thể trước hầm Đại tướng hiện có 2 cây bưởi, 1 cây do đồng chí Đỗ Hải trồng năm xưa, và một cây con đã lớn lên xanh tốt. Hàng ngày, cán bộ, nhân viên Khu di tích, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại điểm di tích thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa, vun tưới, đảm bảo cây phát triển bền vững và đơm hoa kết trái như lời căn dặn của Đại tướng, để phục vụ các đoàn khách tham quan cũng như phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ sau này về những di sản Đại tướng đã để lại”.

Cây bưởi Đoan Hùng trước hầm Đại tướng

Du khách thăm bếp Hoàng Cầm, loại bếp không khói giúp đảm bảo an toàn cho căn cứ.

Những ngày tháng Tư này, khi cả nước đang hướng về Điện Biên, dù lượng du khách đến Mường Phăng rất đông nhưng không vì thế mà không khí trang nghiêm trong khu “rừng thiêng” bị phá vỡ. Tán rừng cổ thụ bao bọc quân đội ta trước đây và giờ là những di tích lịch sử vẫn luôn được bảo vệ và giữ gìn. Lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến... mỗi công trình là một ký ức lịch sử còn mãi với năm tháng, với các thế hệ người dân Việt Nam.

Tạm biệt Mường Phăng, chúng tôi trở về Đất Tổ, mang theo nhiều xúc cảm, trong đó có câu chuyện về cây bưởi trước hầm Đại tướng. Nếu có dịp, hãy ít nhất một lần về với Điện Biên, ngồi trước hầm Đại tướng, dưới bóng cây bưởi xanh mát, bình yên của hôm nay để nghe kể về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, về những ngày tháng hào hùng của dân tộc đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hiếu Nghĩa


Hiếu Nghĩa

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long