Cập nhật:  GMT+7

Đồng hành với thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Không chọn ly hương, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) Đất Tổ đã tự tin bám trụ, quyết tâm nuôi ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương vốn còn nhiều gian khó. Dù quá trình khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) luôn lấy đó làm động lực để vượt qua bằng sức trẻ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đổi mới.

Đồng hành với thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Những tấm gương ĐVTN DTTS khởi nghiệp thành công được Tỉnh đoàn tuyên dương tại Ngày hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch địa phương.

Những điển hình vượt khó

Qua lời giới thiệu của đồng chí Bí thư Huyện đoàn Yên Lập, chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Thoại ở khu Tâm Bưởi, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập. Trang trại rộng hơn 6ha xanh mướt mát với vườn cây thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam, mít Thái, có ao nuôi ốc nhồi và cá thương phẩm là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự cần cù, chịu khó của chàng trai xứ Mường.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Hùng Vương, anh Thoại đã trở về quê hương để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất mà anh đã ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Số vốn 50 triệu đồng dưới sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên xã Đồng Thịnh, vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện là động lực để anh bắt đầu xây dựng mô hình từ những cây giống đầu tiên.

Khởi đầu với 200 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, 100 gốc thanh long ruột đỏ, trồng xen canh hơn 200 cây mít Thái và cam, 4ha cây keo để tăng thu nhập, đến năm 2017, anh Thoại bắt tay vào cải tạo khu đầm lầy để nuôi thêm gần 0,3ha ốc nhồi, 0,36ha cá thương phẩm. Với bản tính chăm chỉ, chịu khó, anh vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay trang trại của anh Thoại mang lại thu nhập ổn định cho gia đình từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Rời xã Đồng Thịnh, chúng tôi đến thăm mô hình kinh doanh thời trang của chị Đinh Hồng Nhung, ở khu Vường 1, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn. Chị Nhung là một trong những thanh niên DTTS “gen Z” khởi nghiệp thành công, đồng thời cũng là một Bí thư Chi đoàn năng động, nhiệt huyết, có nhiều đóng góp cho hoạt động Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi trên địa bàn huyện. Nhận thấy nhu cầu về thời trang, làm đẹp của người dân ngày càng tăng, năm 2019, chị Nhung bắt tay vào nhập hàng và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook với số vốn ban đầu 50 triệu đồng vay tại Ngân hàng CSXH huyện thông qua sự hỗ trợ của Đoàn xã Lai Đồng.

Đến năm 2022, khi đã đủ nguồn vốn và kinh nghiệm, chị Nhung thuê mặt bằng, mở cửa hàng tại xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn với nguồn hàng đa dạng, mẫu mã được cập nhật liên tục cho đủ mọi đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến nhân viên văn phòng. Bên cạnh đó, chị vẫn duy trì bán hàng thông qua các phiên livestream trên nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt xem, nhiều mặt hàng được tiêu thụ tốt. Với chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng, cửa hàng thời trang Hồng Nhung do chị làm chủ đã có lượng khách ổn định, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

“Việc tạo điều kiện để tôi được vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện là sự “tiếp sức” thiết thực của tổ chức Đoàn khi tôi ở thời điểm mới khởi nghiệp còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường, mở rộng quy mô cửa hàng để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế” - chị Nhung cho biết.

Con đường khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương của các thanh niên DTTS như anh Thoại, chị Nhung đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của tuổi trẻ, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên, nhất là thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn.

Đồng hành với thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Thoại ở khu Tâm Bưởi, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập cho hiệu quả kinh tế cao.

Đoàn “tiếp lửa” khởi nghiệp

Anh Nguyễn Văn Thoại và chị Đinh Hồng Nhung là 2 trong số 15 thanh niên DTTS được biểu dương, khen thưởng trong chương trình “Ngày hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch địa phương và tuyên dương, khen thưởng thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công; các CLB, đội, nhóm thanh niên tình nguyện tiêu biểu năm 2024” do Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội LHTN tỉnh tổ chức. Đây đều là chủ nhân của những mô hình kinh tế hiệu quả với cách làm sáng tạo, đột phá trong phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngày hội đã trưng bày, giới thiệu 20 gian hàng sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương từ các doanh nghiệp, hợp tác xã... Trong đó, có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã do thanh niên DTTS làm chủ với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh như: Gà ủ muối Tân Sơn, chè Long Cốc, gạo nếp Gà Gáy, mật ong Tinh Nhuệ...

Đồng thời, Tỉnh đoàn đã xây dựng trang fanpage “Gian hàng thanh niên Đất Tổ” nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP và các sản phẩm khởi nghiệp của ĐVTN. Dù mới đi vào hoạt động nhưng trang fanpage hiện đã có trên 1.000 lượt người theo dõi cùng nhiều lượt chia sẻ, bình luận tích cực về các sản phẩm. Việc xây dựng fanpage “Gian hàng thanh niên Đất Tổ” đã bắt kịp xu thế ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, HTX sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

6 tháng đầu năm 2024, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức truyền thông tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm cho trên 17.000 lượt ĐVTN. Triển khai có hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nguồn vốn 120), đến hết tháng 6/2024, Tỉnh đoàn Phú Thọ quản lý 34 dự án vay vốn với tổng dư nợ trên 3,2 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2024, Ngân hàng CSXH tỉnh đã ký hợp đồng với tổ chức Đoàn thanh niên các cấp nhận ủy thác vốn vay với tổng dư nợ trên 1.327 tỷ đồng cho 24.440 chủ thể vay vốn.

Từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Đoàn thanh niên, nhiều ĐVTN DTTS đã mạnh dạn xây dựng, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 ĐVTN là người DTTS được truyền thông tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm, hơn 800 chủ thể là thanh niên người DTTS được vay vốn từ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH tỉnh...

“Tiếp lửa” cho hành trình khởi nghiệp của thanh niên DTTS, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động như: Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp; phối hợp định hướng, đào tạo nghề gắn với hỗ trợ chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ; hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Trung ương Đoàn xây dựng cơ chế, chính sách linh động trong việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tăng cường hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế; tổ chức các ngày hội, cuộc thi về khởi nghiệp; tuyên dương, khen thưởng những tấm gương thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công...

Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết: Phong trào khởi nghiệp đã có sức lan tỏa trong ĐVTN, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong thanh niên người DTTS nói riêng, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy, khích lệ thanh niên ý thức lập thân, lập nghiệp, chú trọng khởi nghiệp tại quê hương, đồng thời kết nối tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vốn vay ưu đãi cho thanh niên làm kinh tế.

Hà Trang


Hà Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Hát giao duyên - Nét đẹp của dân tộc Tày, Nùng

Hát giao duyên - Nét đẹp của dân tộc Tày, Nùng
2024-10-22 10:38:00

Cao Bằng có 8 dân tộc cùng sinh sống như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Lô Lô, Sán Chỉ, Hoa... Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng rất đặc sắc tạo nên một rừng hoa đa sắc màu....

Nghệ nhân Lù Mí Thào - người giữ hồn khèn Mông

Nghệ nhân Lù Mí Thào - người giữ hồn khèn Mông
2024-10-18 08:04:00

Sáng sớm mùa Thu, tiết trời ở vùng cao Quản Bạ có chút se lạnh. Những tia nắng ban mai xuyên qua những kẽ lá, chiếu sáng các triền đồi hoà cùng hương lúa chín càng thơm ngát,...

Trắng ngà sợi tơ Trà Chẩu

Trắng ngà sợi tơ Trà Chẩu
2024-10-17 08:01:00

Mặc dù, bản sắc văn hóa truyền thống của không ít đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, nhưng cộng đồng người Dao họ tại thôn Trà Chẩu, xã Sơn Hà, huyện...

Bảo tồn, lan tỏa văn hóa Chơ Ro

Bảo tồn, lan tỏa văn hóa Chơ Ro
2024-10-16 17:00:00

Dân tộc Chơ Ro cư trú lâu đời ở vùng núi thấp thuộc tỉnh Ðồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Do sinh sống gần kề hoặc đan xen với một số dân tộc khác nên nhiều nét văn hóa...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long