Cập nhật:  GMT+7

Hành trình khôi phục lại giống chè cổ búp tím

Dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, đó là Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, nữ giám đốc đã thành công trong việc khôi phục lại giống chè cổ búp tím trên quê hương Thanh Ba, đưa thương hiệu giống chè đặc biệt này đến với nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Vừa qua, dự án “Sản xuất, chế biến chè búp tím Thanh Ba” của chị đã đạt giải Ba toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Hành trình khôi phục lại giống chè cổ búp tím

Chị Lê Thị Hồng Phương (thứ hai từ bên trái sang) giới thiệu sản phẩm chè búp tím đề nghị chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao

Xuất thân trong một gia đình nông thôn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, trong những năm ngồi trên ghế nhà trường Phương luôn quyết tâm vượt khó vươn lên trong học tập và đạt được nhiều thành tích đáng nể. Tốt nghiệp loại giỏi khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, tự học thêm ngoại ngữ, rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh. Nhờ đó, Phương có nhiều cơ hội “săn” được học bổng của các công ty, tập đoàn quốc tế ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường và đàm phán thành công với các đối tác nước ngoài nhiều hợp đồng lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu sau này. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, Phương đầu quân cho Công ty Chè Hiệp Thành; chính tại môi trường này đã giúp cho Phương thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT ngày nay.

Với vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, năm 2016 chị mạnh dạn khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT tại Hà Nội với sản phẩm chủ lực là chè xanh với nguồn vốn ban đầu vô cùng ít ỏi 300 triệu đồng. Sau hơn một năm khởi nghiệp với đầy khó khăn, vừa làm giám đốc, vừa làm công nhân, tự tìm nguồn hàng và thị trường đầu ra, sản phẩm chè xanh của công ty bước đầu được khách hàng biết đến. Tình yêu quê hương đã thôi thúc Phương trở về lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Năm 2017, Phương quyết định chuyển công ty về quê nhà xã Đỗ Sơn. Bao khó khăn trước mắt nhưng không thể làm chùn bước cô gái trẻ, một mình Phương lại tiếp tục thuê đất, xây dựng nhà xưởng, mua thêm máy móc, trực tiếp tuyển dụng và đào tạo công nhân với phương pháp “Cầm tay chỉ việc”. Phương tự mầy mò, tìm công thức chế biến cho mỗi loại chè, cứ mỗi mẻ chè cho vào chế biến, Phương đều trực tiếp đứng ra đong đếm, chia trộn kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn, định mức để thành phẩm chè sản xuất ra đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn vệ sinh, chuẩn thương hiệu... Sau hơn hai năm hoạt động, Công ty dần đi vào ổn định đã có chỗ đứng trên nhiều thị trường trong nước và các nước như Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Đài Loan, Dubai, Đức, Ả Rập. Mỗi năm doanh thu của Công ty đạt trên 40 tỉ đồng, tạo công việc ổn định cho 25 công nhân.

Hành trình khôi phục lại giống chè cổ búp tím

Chị Lê Thị Hồng Phương trình bày bài dự thi tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Với phương châm không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo sự đột phá khác biệt để thành công. Năm 2020, Phương quyết định xây dựng thêm cơ sở chế biến chè tại xã Vân Lĩnh Thanh Ba với tổng diện tích 800m2 với mong muốn khôi phục giống chè búp tím đặc sản và quý hiếm của quê hương. Chị mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng đầu tư thị trường xuất khẩu, lên ý tưởng sản xuất, chế biến chè búp tím. Đây là giống chè cổ quý hiếm có chất lượng, hương thơm, vị đượm đặc trưng, giàu chất antoxian, tác dụng chống ô-xy hóa, nhiều dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe.

Chị bắt đầu từ vài ha rồi mở rộng vùng nguyên liệu với 17ha. Xác định vùng nguyên liệu chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu chè búp tím, chị đã khảo sát thổ nhưỡng, vận động, liên kết với 20 hộ dân có đất, đầu tư giống, phân sinh học, hướng dẫn người dân về quy trình trồng chè búp tím bằng phương pháp hữu cơ, người dân nơi đây rất phấn khởi vì được trồng chè tím theo phương pháp mới, chất lượng an toàn, sản lượng tăng, giá thành chè búp thu mua cao gấp nhiều lần so với chè xanh và được công ty bao tiêu đầu ra ổn định lâu dài.

Ngoài ra, quy trình trồng chè búp tím đã làm thay đổi được nhận thức của người dân về phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo không chỉ ngon, có tính y học đặc biệt mà còn an toàn, lưu giữ và phát huy hết công dụng của sản phẩm. Hiện nay, 100% diện tích chè búp tím được chăm sóc, thu hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thu hái đúng tiêu chuẩn một tôm hai lá non. Cùng với đó, việc thu hoạch phục vụ chế biến được theo dõi từng ngày, từng lô riêng biệt đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không bị lỗi. Với 17ha áp dụng quy trình sản xuất mới, sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt khoảng 25 tấn chè búp tím tươi. Dự kiến doanh thu của công ty năm 2023 đối với chè đen, chè xanh khoảng 60 tỉ đồng, riêng chè búp tím đạt 3 tỉ đồng, gấp năm lần so với năm 2022.

Nhờ những nỗ lực trong đổi mới canh tác và chế biến, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao; loại chè búp tím túi lọc và loại gói quà tặng sang trọng đang đề nghị chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Đồng thời, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp Hội phụ nữ, dự án “Sản xuất, chế biến chè búp tím Thanh Ba” của Phương đã xuất sắc vượt qua nhiều vòng chấm giải và đạt giải Ba toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Hành trình khôi phục lại giống chè cổ búp tím

Chị Phương hiện đang nhận nuôi hai cháu nhỏ mồ côi tại xã Vân Lĩnh và xã Võ Lao đến khi các cháu 18 tuổi.

Điều đặc biệt, Phương không chỉ là một nữ giám đốc tài năng mà còn là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, chị luôn quan tâm đến các công tác nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội. Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do các cấp Hội phụ nữ phát động, chị đã nhận nuôi hai cháu nhỏ mồ côi tại xã Vân Lĩnh và xã Võ Lao đến khi các cháu 18 tuổi với tổng tiền cam kết hỗ trợ là 150 triệu đồng; ủng hộ Quỹ học bổng “Học sinh nghèo vượt khó” 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra chị tích cực đóng góp ủng hộ kinh phí cho các trường học, các khu dân cư, mái ấm tình thương, các phong trào, các cuộc vận động trong và ngoài huyện với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Không lùi bước trước khó khăn, đổi mới, sáng tạo cùng tình yêu với cây Chè, nữ giám đốc trẻ đã thành công trong hành trình khôi phục lại giống chè Búp tím và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chị đã lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng với thông điệp “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.

Bích Hương


Bích Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
2023-10-18 08:29:00

baophutho.vn Với đặc thù là xã ven đô thị, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì đã thực hiện các giải pháp đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long