Cập nhật:  GMT+7

Khát vọng thoát nghèo

Triển khai kịp thời, đồng bộ các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, trúng mục tiêu với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mỗi năm Phú Thọ có hàng nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo. Mục tiêu giảm nghèo bền vững đã và đang đạt nhiều thành tích khả quan nhờ sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền và khát vọng, nỗ lực vươn lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn...

Khát vọng thoát nghèo

Nông dân xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hoà thu hái chè.

Nỗ lực vươn lên

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Đệ (khu Phú Yên, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê) là một trong những hộ điển hình của xã về nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Vào lúc chiều muộn, tiếng lửa réo sau bếp, nồi bánh chưng sôi sình sịch, rót chén nước chè xanh sóng sánh mời khách, ông Đệ vui miệng kể cho chúng tôi nghe ngày tháng cơ hàn, nghèo khó đã qua. Khoảng chục năm về trước, khi bốn người con đang tuổi ăn tuổi học, nhà chỉ có hai sào ruộng, vợ chồng ông đầu tắt mặt tối làm thuê đủ việc để trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học. Cuộc sống eo hẹp thiếu trước hụt sau, trong suốt thời gian dài, gia đình ông luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.

Quyết chí thoát nghèo, vợ chồng ông Đệ đã bàn tính rồi vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cẩm Khê 100 triệu đồng theo chương trình thoát nghèo để mua bò giống sinh sản về chăn nuôi. Sau nhiều năm chăm sóc, ban đầu chỉ có hai bò cái, giờ ông bà đã có trong tay đàn bò năm con. Không những thế, họ còn tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn, làm bánh chưng, cấy lúa. Trên khoảng sân rộng của ngôi nhà cấp bốn mới cất được vài năm trước đang xếp chồng hơn chục bao tải thóc của vụ Mùa nhường chỗ cho những đon lúa vừa gặt ngoài ruộng mang về.

Vừa sảy những hạt lúa lép ra khỏi nong, bà Phương - vợ ông Đệ tươi cười nói: “Ba người con lớn đã lập gia đình, con út cũng đi làm xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng nhưng chúng tôi mượn thêm ruộng của bà con bỏ không, cấy đến bảy sào ruộng. Ngoài làm ruộng, chăn nuôi ngày nào tôi cũng gói 15 đến 20kg gạo nấu bánh chưng. Thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang và bắt đầu có của ăn, của để...”. Năm 2018, lần đầu tiên ông bà vui mừng, tự hào khi gia đình chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo của xã.

Khát vọng thoát nghèo

Nỗ lực vượt khó vươn lên, gia đình ông Nguyễn Văn Đệ ở khu Phú Yên, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.

Những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được các cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết, trong đó tập trung phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của từng hộ, xác định rõ chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp phù hợp.

Bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, tỉnh cũng thực hiện tốt việc huy động, phân bổ nguồn lực chương trình giảm nghèo, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Đồng thời đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Qua đó, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đều đạt và cơ bản đạt; đời sống người dân được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ nét. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5,19% (giảm 0,69%), hộ cận nghèo còn 4,18% (giảm 0,49%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 1,38%; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70,7%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%; tỷ lệ dân cư đô thị dùng nước sạch đạt 93,5% và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,3%. Đến nay, toàn tỉnh có 163 xã đạt tiêu chí về nghèo đa chiều (chiếm 83,2%), có 154 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư (chiếm 78,6%), tăng 15 xã so với năm 2020...

Tập trung huy động nguồn lực

Ngay từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026-2030, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phải xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó, phấn đấu giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo phải được đặt làm mục tiêu hàng đầu, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đến nay, Phú Thọ đã triển khai thực hiện 5/7 dự án gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Hai dự án còn lại là Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH cho huyện nghèo và Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo áp dụng cho các tỉnh có huyện nghèo, tỉnh Phú Thọ không có nên không thực hiện.

Khát vọng thoát nghèo

Anh Hà Văn Nước ở khu Sinh Trên, xã Thượng Cửu (huyệnThanh Sơn) được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình.

Các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đều đạt và cơ bản đạt; đời sống người dân được cải thiện; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ nét. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao có bước phát triển mạnh, các chính sách an sinh xã hội được kịp thời thực hiện, người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản; thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm tỷ lệ khá tăng; tình hình chính trị, an ninh trật tự tại các địa phương được giữ vững; lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các cấp được ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện của địa phương; đã phân cấp tạo điều kiện cho cấp huyện, xã chủ động triển khai, lồng ghép các nguồn lực để huy động sự tham gia của người dân; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, cùng với những thành tích khả quan đã đạt được, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn cao. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thấp, việc hoàn thành chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch vốn chưa đồng bộ, chưa có kế hoạch vốn sự nghiệp trung hạn giai đoạn 2021- 2025; vốn giao kế hoạch thời kỳ đầu thực hiện chương trình chậm ảnh hưởng đến việc cân đối, bố trí, giao nhiệm vụ cho các cấp ngân sách, trong khi các huyện, thị hưởng chưa cân đối được ngân sách hàng năm...

Mục tiêu từ nay đến năm 2025 được xác định: Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2%; 17 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 35 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5%. Toàn tỉnh có bảy đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 70,9% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 18,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Hồ Đại Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ cùng sự chung tay góp sức của cả cộng đồng kết hợp với nỗ lực vượt khó vươn lên của mỗi gia đình sẽ là động lực, là nền tảng vững chắc để Phú Thọ sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân trên địa bàn.

Thúy Hằng


Thúy Hằng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Nỗ lực hoạt động hiệu quả

Nỗ lực hoạt động hiệu quả
2023-10-06 15:18:00

baophutho.vn Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao được thành lập năm 1996, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, cung ứng dịch vụ...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long