Cập nhật:  GMT+7

Lặng thầm cho những tuyến phố sạch đẹp

Vệ sinh môi trường là công việc vất vả bởi ngoài chuyện đi khuya về muộn, những người công nhân còn thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm rình rập, mầm bệnh phát sinh trong quá trình thu gom rác thải. Nhọc nhằn là thế, nhưng vẫn có không ít nữ lao công thuộc Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì không quản ngại khó khăn, ngày đêm lặng thầm cần mẫn quét dọn, góp phần xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024), phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với chị Phạm Thị Tuyết Mai và chị Đoàn Thị Hồng Thanh thuộc tổ 3, Xí nghiệp Môi trường 2 để hiểu thêm về công việc của những nữ lao công.

Lặng thầm cho những tuyến phố sạch đẹp

Chị Phạm Thị Tuyết Mai.

Phóng viên: Đặc thù công việc vệ sinh môi trường đô thị vốn vất vả, quanh năm phải đối mặt với rác thải, bụi bẩn, thời gian làm việc thì từ nửa đêm đến lúc gà gáy... Vậy, động lực nào khiến các chị lại quyết định lựa chọn công việc này?

Chị Phạm Thị Tuyết Mai: Trong số 245 nữ công nhân vệ sinh môi trường của Công ty hiện nay thì mình là một trong những người gắn bó lâu năm nhất, với gần 20 năm theo nghề. Quyết định lựa chọn công việc mà nhiều người vẫn bảo phải dẻo dai, sức khỏe tốt mới có thể đảm đương được, nhưng mình nhớ khi mới vào nghề cân nặng chưa đầy 40kg, cũng chân yếu tay mềm lắm. Thế mà thấm thoắt thời gian trôi qua đến nay đã được cánh chị em trong Công ty xếp vào hàng ngũ “lão làng” rồi. Mình chỉ nghĩ đơn giản nghề nào cũng có cái vất vả và niềm vui riêng. Ngày ngày đóng góp công sức dọn dẹp sạch sẽ các tuyến phố để sáng sớm mai khi mọi người thức dậy đi làm, các cháu đến trường... trên con đường sạch đẹp với mình là vui rồi. Tất cả cũng chỉ vì tâm huyết, tình yêu nghề đã giúp mình vượt qua khó khăn, quyết tâm gắn bó đến khi đủ tuổi về hưu.

Chị Đoàn Thị Hồng Thanh: Mình đến với nghề này cũng khá tình cờ. Đầu năm 2022, mình phải viết đơn xin thôi việc ở một doanh nghiệp may sau 13 năm gắn bó do không có đơn hàng, thu nhập của công nhân bấp bênh. Đúng lúc đó, mình thấy Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì cần tuyển dụng công nhân vệ sinh với chế độ lương đảm bảo, nên mình đã quyết định rẽ ngang. Những ngày đầu mới vào nghề, mình cũng bỡ ngỡ lắm, chưa thuộc tên đường, tên phố, các ngõ nhỏ. Nhờ được các chị em đi trước hướng dẫn, kèm cặp nên mình cũng sớm hoà nhập và quen việc, quen đường. Giờ đây, mình đã quen với bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh, quen với tiếng chổi cọ và những mùi hôi nồng khó chịu từ rác như một phần không thể thiếu trong nhịp sống hằng ngày.

Phóng viên: Là Tổ trưởng, hằng ngày chị Mai phải đảm đương những phần việc gì để giúp các thành viên trong tổ hoàn thành công việc tốt nhất?

Chị Phạm Thị Tuyết Mai: Tổ 3 của mình gồm 20 nữ lao công có nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường: Hùng Vương, Quang Trung, Châu Phong, Hà Liễu, Lê Quý Đôn... và toàn bộ khu vực phường Gia Cẩm, Minh Nông với tổng chiều dài các tuyến khoảng 100km, trung bình mỗi người đảm nhiệm vệ sinh 4-5km đường mỗi buổi. Với các tuyến đường B vào sâu trong ngõ, xa địa điểm tập kết rác, các chị em thường phải bắt đầu quét dọn vệ sinh từ lúc 1 giờ sáng và làm việc liên tục đến 5 giờ mới đảm bảo hoàn thành công việc. Còn ca ngày chia làm 2 quãng thời gian: Từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa và từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối. Dù trời mưa, trời lạnh hay nắng nóng thì cứ đúng giờ là các chị em lại tỏa đi khắp hướng để làm nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành công việc mỗi buổi, mình thường đi rà soát, kiểm tra các tuyến để kịp thời hỗ trợ chị em ở khu vực nào gặp sự cố hay lượng rác quá nhiều, giúp mọi người hoàn thành công việc tốt nhất.

Phóng viên: Giữa dòng người ngược, xuôi tấp nập, có khi nào các chị cảm thấy chạnh lòng vì hằng ngày phải đối diện với rác thải, trong khi những phụ nữ khác họ được an nhàn, áo quần là lượt hơn mình không?

Chị Phạm Thị Tuyết Mai: Các chị em làm lao công chúng mình vẫn đùa với nhau rằng, nghề của mình cái gì cũng dở dang: “Ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”. Khác với những công việc khác, chị em người ta được ăn mặc đẹp, quần áo sạch sẽ, trang điểm xinh tươi, còn chúng mình lúc nào cũng khoác trên người bộ đồng phục bảo hộ lao động, khuôn mặt bịt kín mít chỉ hở đôi mắt. Không chạnh lòng sao được nhất là vào những đêm 30 Tết khi mọi người được quây quần bên gia đình thì những nữ công nhân vệ sinh môi trường như mình lại vắng nhà. Ngày 20/10 hay 8/3 các chị em được diện áo dài đi chụp ảnh đó đây, còn chúng mình thì vẫn cần mẫn với công việc thường ngày.

Chị Đoàn Thị Hồng Thanh: Với mình thì cũng có buồn đấy, nhưng vẫn phải vững vàng, vượt qua để rồi lại vui với niềm vui của công việc khi ngắm nhìn những đoạn đường vừa được dọn sạch, thoáng đãng hè phố. Nghề nào cũng có cái hay của nó. Nghề của chúng mình cũng vậy. Có lẽ đa phần cùng hoàn cảnh nên cánh chị em lao công chúng mình rất thân và thường xuyên giúp đỡ, bảo vệ nhau. Chồng, các con và ngay cả bố mẹ chồng mình cũng rất quan tâm, động viên và chia sẻ với công việc vất vả này của mình. Đó chính là sự an ủi lớn nhất để mình tiếp tục gắn bó với nghề.

Lặng thầm cho những tuyến phố sạch đẹp

Chị Đoàn Thị Hồng Thanh.

Phóng viên: Các chị có thể chia sẻ cho độc giả biết về những kỷ niệm ấn tượng khiến các chị nhớ nhất trong quãng thời gian gắn bó với công việc này không?

Chị Đoàn Thị Hồng Thanh: Mình nhớ nhất cảm giác lạ lẫm những ngày đầu làm quen với chiếc xe rác đẩy tay và vật dụng bất ly thân là chiếc chổi, xẻng để hót rác. Những ngày đầu vào nghề, mình được các chị trong tổ cho đi làm cùng để quen với việc gom rác, chất rác lên xe như thế nào cho gọn gàng. Sau đó, chỉ có một mình trên cả đoạn đường dài hun hút lúc 1-2 giờ sáng thanh vắng thì cảm thấy sợ và vất vả quá, vì mình chưa đi đâu một mình vào nửa đêm như thế bao giờ. Phải mất cả tháng để vượt qua chính mình, vừa học việc, vừa làm quen với các tuyến đường, thuộc được từng vị trí người dân thường hay đổ rác. Có lần mình vừa đẩy chiếc xe thu gom rác qua được vài bước thì người dân đứng từ trên tầng 3 ném xuống túi rác ngay sau lưng. Nhìn đống rác bị vứt xuống đường vung vãi, mình thực sự “choáng”, vừa giận lại vừa buồn. Nhưng rồi mình vẫn phải quay lại quét dọn sạch sẽ bởi đó là công việc của người lao công mà.

Chị Phạm Thị Tuyết Mai: Do đặc thù công việc đi sớm về muộn, chị em thường gặp phải đủ hạng người trong xã hội như: Nghiện ngập, say rượu... chúng hay trêu ghẹo hoặc xin tiền. Mình nhớ không quên đêm hôm ấy khi mới vào nghề được chừng một năm, vừa đẩy chiếc xe rác xuống đoạn dốc khu vực cổng Trường THPT Việt Trì, có thanh niên đi xe máy trêu ghẹo khiến mình sợ mất vía, tay run luống cuống đâm cả chiếc xe gom chở rác vào ô tô của gia đình để ở vỉa hè. Mình hoảng sợ không biết phải làm sao, sợ bị chủ nhà bắt đền tiền thì lấy đâu ra và sợ bị Công ty phê bình. Sự việc xảy ra đêm hôm đó khiến vài ngày sau mình mới hoàn hồn. Rất may chủ nhân chiếc ô tô họ rất cảm thông và bỏ qua không truy cứu trách nhiệm gì. Kể từ đó, mình cẩn trọng hơn trong công việc và cảm thấy được an ủi phần nào.

Lặng thầm cho những tuyến phố sạch đẹp

Những nữ công nhân Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì ngày đêm cần mẫn thu gom rác, góp phần giữ gìn cảnh quan phố phường luôn sạch - đẹp.

Phóng viên: Thành phố Việt Trì ngày càng phát triển kéo theo lượng rác thải sinh hoạt không ngừng tăng. Vậy các chị mong muốn điều gì để công việc của mình bớt phần vất vả?

Chị Phạm Thị Tuyết Mai và chị Đoàn Thị Hồng Thanh: Thực tế là còn nhiều người dân thiếu ý thức trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác, kể cả chấp hành giờ đổ rác. Điều đó gây ảnh hưởng đến cường độ làm việc của công nhân vệ sinh môi trường. Trước kia nhiều người thường tỏ thái độ với những công nhân như chúng mình, nhưng giờ thỉnh thoảng mới có hộ dân có thái độ hành vi chưa chuẩn, mình chỉ cần nhắc nhở là họ đã xin lỗi và thay đổi thói quen xả rác hằng ngày rồi. Chúng mình cũng chỉ mong mỗi người có ý thức hơn với rác, với hành động vứt rác để sau ca làm đêm của công nhân đô thị, những con phố, tuyến đường lại được trả lại dáng vẻ sạch sẽ, đón chờ một ngày mới. Từ đó, góp phần xây dựng một thành phố Việt Trì ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các chị về cuộc trò chuyện và xin chúc các chị luôn mạnh khỏe, thêm yêu nghề để góp phần xây dựng một thành phố Việt Trì ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Hồng Nhung (thực hiện)


Hồng Nhung (thực hiện)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Điểm tựa giúp người nghèo vượt khó

Điểm tựa giúp người nghèo vượt khó
2024-11-15 09:43:00

baophutho.vn Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm quan, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn thành phố Việt Trì đã tích cực kêu...

Những “bông hoa” làm đẹp phố phường

Những “bông hoa” làm đẹp phố phường
2024-10-19 07:28:00

baophutho.vn Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Việt Trì có 334 lao động nữ (chiếm 65,2% tổng số cán bộ, công nhân lao động của Công ty). Trong đó có...

Xuất khẩu lao động mở hướng thoát nghèo

Xuất khẩu lao động mở hướng thoát nghèo
2024-10-17 13:54:00

baophutho.vn Nhằm tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng đi...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long