Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, nhìn lại một năm qua, lĩnh vực thông tin điện tử đã có những đóng góp tích cực cho ngành thông tin và truyền thông nói riêng cũng như cho đời sống xã hội nói chung. Trong đó, các nền tảng trong nước đang có những tín hiệu phát triển tích cực khi dần thu hút được đông đảo người sử dụng tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến 30/6/2024, Zalo có 76,5 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, vượt qua cả 3 nền tảng xuyên biên giới phổ biến nhất bao gồm Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu).
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 do VNG công bố cho biết Zalo hiện có khoảng 77,6 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. So sánh với khoảng 110 triệu tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước, Zalo chiếm tới gần 70% thị trường.
Trước đó vào quý 3/2024, Zalo cũng đã được ghi nhận là nền tảng nhắn tin số 1 tại Việt Nam về tỷ lệ sử dụng và mức độ yêu thích theo Báo cáo “The Connected Consumer” của Decision Lab. Đây là báo cáo nghiên cứu hàng quý uy tín, tập trung vào thói quen trực tuyến và những xu hướng mới của người tiêu dùng. Theo đó, tại hạng mục Nền tảng nhắn tin (Messaging Platforms), Zalo dẫn đầu về tỷ lệ sử dụng (penetration rate) với 85%, vượt xa các nền tảng Facebook với 59% và Messenger với 52%.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu. |
Zalo cũng dẫn đầu về tỷ lệ yêu thích của người dùng với 57%. Đây là quý thứ 16 liên tiếp Zalo đạt thứ hạng nền tảng nhắn tin được yêu thích nhất kể từ năm 2020, cột mốc đánh dấu bước chuyển mình của nền tảng này khi vượt qua Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin số 1 Việt Nam.
Tại Hội nghị, về hoạt động thông tin điện tử năm 2024 và định hướng năm 2025, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Năm 2024, đã có thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép.
Tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 tài khoản.
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 23 Giấy phép trò chơi điện tử G1, 30 Giấy chứng nhận trò chơi điện tử G2, G3, G4. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp 13 Giấy xác nhận thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Theo ước tính của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2024 doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023. Số lượng lao động ngành game năm 2024 ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023.
Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng,
Các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật (20 trường hợp biểu hiện “báo hóa”), rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm (buộc thu hồi 2 tên miền).
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả là Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỷ lệ 93%).
Theo Nhandan.vn