Cập nhật:  GMT+7

Mở rộng mạng lưới nước sạch nông thôn

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Phú Thọ đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch đến với người dân vùng nông thôn, miền núi, từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch đối với khu vực này.

Mở rộng mạng lưới nước sạch nông thôn

Công trình cung cấp nước sạch tập trung tại xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê.

Tăng tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh

Trước đây, tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên diễn ra ở xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê, đời sống sinh hoạt và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ dân đã phải tự làm giếng khoan với hy vọng có thể sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi nguồn nước ngầm tại đây dễ bị nhiễm tạp chất, kim loại nặng do chưa có hệ thống xử lý. Với những gia đình chưa có điều kiện khoan giếng, bà con phải tìm cách tích trữ nước mưa trong các bồn chứa tự phát của gia đình. Những giải pháp này có thể tháo gỡ tình trạng khan hiếm nước tạm thời, nhưng về lâu dài lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân.

Để giải quyết nỗi lo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giao Chi cục Thuỷ lợi làm chủ đầu tư triển khai xây dựng công trình cung cấp nước sạch tập trung tại xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê với công suất thiết kế đáp ứng nước sạch cho 6.000 hộ ở bốn xã: Tam Sơn, Văn Bán, Tùng Khê, Cấp Dẫn. Tháng 10/2023, công trình hoàn thành và đi vào sử dụng. Đến nay, khoảng gần 60% số hộ dân ở bốn xã đã đấu nối sử dụng nước, số hộ dân còn lại, chính quyền các xã đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng. Ông Vũ Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Tùng Khê cho biết: “Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Nhờ đó, khi triển khai thực hiện dự án, nhân dân đã rất phấn khởi, tích cực đăng ký sử dụng nước sạch, tham gia đóng góp ngày công lao động để đào, đắp các tuyến ống dẫn nước về nhà. Đối với những hộ chưa đăng ký đấu nối sử dụng nước, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe”.

Những năm qua, Phú Thọ đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn kết hợp nguồn xã hội hóa để thực hiện các chính sách, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung về tận khu dân cư, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe; đồng thời, hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch và nước hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Nhờ đó, tỷ lệ người dân vùng nông thôn, miền núi được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh đạt cao.

Mở rộng mạng lưới nước sạch nông thôn

Công trình trạm bơm, bể lọc nước bị bỏ hoang, hư hỏng tại khu 3, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng.

Mở rộng địa bàn cung cấp nước sạch nông thôn

Cùng với Trưởng khu 3, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng Lý Cao Thái, chúng tôi đến bể nước sạch được xây dựng từ năm 2006 bằng nguồn ngân sách Chương trình 135 của Chính phủ (Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), với mục đích dẫn nước về phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân trong khu. Thế nhưng, theo thời gian, nguồn nước không ổn định, không dẫn đến được nhà dân. Theo ông Lý Cao Thái: “18 năm qua, không có nước về, bể bị bỏ hoang, các đường ống dẫn nước bị đứt gãy. Để có nước sinh hoạt, người dân phải tự đào giếng tìm nguồn nước. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng không ổn định và không đảm bảo vệ sinh đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hộ dân trong khu”. Qua tìm hiểu được biết, không chỉ ở Minh Phú mà xã Vân Đồn và Yên Kiện cũng đang tồn tại các công trình trạm bơm, bể lọc nước bị bỏ hoang, hư hỏng.

Theo tổng hợp của ngành NN-PTNT thì phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đầu tư từ lâu, chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm và nước tự chảy quy mô nhỏ, công nghệ lọc cũ, lạc hậu, đã xuống cấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư manh mún, không đồng bộ khiến cho nhiều công trình hoạt động không hiệu quả, thiếu bền vững. Không ít công trình còn bị hư hỏng do bị thiên tai, mưa lũ do thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nên đã ngừng hoạt động... Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 29 công trình hoạt động bền vững, 20 công trình hoạt động tương đối bền vững, 27 công trình hoạt động kém bền vững; 68 công trình không hoạt động.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 98,71% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 144 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đưa vào sử dụng, gồm 98 công trình cấp nước tự chảy, 46 công trình cấp nước bằng bơm dẫn; trong đó, doanh nghiệp quản lý 21 công trình, UBND xã và hợp tác xã quản lý 28 công trình và cộng đồng quản lý 95 công trình.

Bà Nguyễn Thị Bạch Kim - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ Lợi, Sở NN&PTNT cho biết: “Để tiếp tục mở rộng mạng lưới nước đảm bảo vệ sinh cho người dân, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị quản lý vận hành các công trình cấp nước kiểm tra hiện trạng các công trình cấp nước. Đặc biệt là rà soát, đánh giá, phân loại công trình, lấy đây làm cơ sở xây dựng phương án giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung lập kế hoạch cấp nước an toàn chống thất thoát, thất thu nước sạch hệ thống cấp nước được giao quản lý, đồng thời yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn để kịp thời có phương án nâng cấp, sửa chữa phù hợp”.

Phú Thọ cũng tích cực thu hút, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt; sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý, vận hành công trình. Ưu tiên của tỉnh là đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng bể trữ nước mưa và các hình thức trữ nước khác phù hợp đặc thù vùng, miền; nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình.

Thời gian tới, Phú Thọ phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99% vào năm 2028. Đến năm 2030, phấn đấu 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; đến năm 2045, có trên 80% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.

Quốc An


Quốc An

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tiền đề quản lý đất đai hiệu quả

Tiền đề quản lý đất đai hiệu quả
2024-03-11 09:12:00

baophutho.vn Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm...

Oản nghệ thuật hút khách

Oản nghệ thuật hút khách
2024-03-11 07:34:00

baophutho.vn Từ lâu, oản đường không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là vật lễ không thể thiếu trong phong tục thờ cúng của người Việt. Bằng bàn tay khéo...

Hành trình đến nông thôn mới nâng cao

Hành trình đến nông thôn mới nâng cao
2024-03-08 08:11:00

baophutho.vn Năm 2014, Đông Thành là xã đầu tiên của huyện Thanh Ba được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân ngày càng được nâng...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long