{title}
{publish}
{head}
Người S’tiêng quan niệm có hai thế giới tồn tại. Thế giới thứ nhất là cuộc sống của con người, là vạn vật mà họ cảm nhận được. Thế giới thứ hai là của lực lượng siêu nhiên, ma quỷ, các vị thần... Họ cũng cho rằng tất cả vạn vật đều có linh hồn, thuộc thế giới thần linh và có khả năng tác động đến đời sống con người, nhưng ta không nhìn thấy. Thế giới thứ hai mới thật sự thiêng liêng và quyết định cuộc sống của con người. Đó chính là nguyên nhân có các kiêng kỵ và thực hành lễ cúng tế.
Nghi lễ của người S’tiêng Bù Đêh
Trong tâm thức người S’tiêng Bù Đêh xưa, thầy cúng, bà bóng là những người có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh. Họ là người mang ước nguyện của mọi người đến thần linh, là người thay mặt gia chủ thực hiện các nghi thức lễ bái, dâng lễ vật cho các “yang” - thần và ông bà, tổ tiên ở thế giới thứ hai. Họ có khả năng sai âm binh, trừ ác quỷ, làm phép tăng sức cho người bệnh; có thể làm thuốc trị bệnh cho người... Trên thực tế, thầy cúng hay bà bóng trị bệnh chủ yếu bằng những lời khẩn cầu, dâng lễ vật để các thần nhận, vui lòng buông tha cho người bệnh khỏi bệnh, mang bình an, điều tốt đẹp đến với gia chủ. Người S’tiêng Bù Đêh gọi thầy cúng, bà bóng là “Mê prah” hay “Gru”. Và cũng giống như bà bóng trong “Bóng rỗi” của người Việt ở Nam Bộ, bà bóng của người S’tiêng Bù Đêh chỉ là người thay mặt gia chủ (người muốn dâng lễ) để giao tiếp với thần linh, mang những lời khấn nguyện đến các vị thần. Bà bóng không “nhập thần” - “thoát xác”, không là thân xác để thần linh nhập vào và đưa ra những lời phán bảo...
Múa bà bóng tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh - Ảnh: Điểu Lành
Thầy cúng đôi khi là già làng, hoặc ông “thầy” được mời đến những đám cúng ở các gia đình hoặc của poh hay sóc... Trong các lễ cúng cầu mưa, cúng trỉa lúa, cúng rẫy, mừng lúa mới... thầy cúng mở đầu cuộc lễ, khấn nguyện để cầu xin có mưa cho ruộng rẫy, cây lúa tốt tươi hoặc tạ ơn thần lúa, mừng vụ mùa và lúa mới về kho... Thầy cúng không múa mà đôi khi tham gia đánh trống, cồng hoặc đánh chập chõa, thổi sáo pi... trong dàn nhạc lễ hoặc tham gia đội goong - tấu nhạc cho múa. Còn bà bóng trong lễ cúng sẽ thực hiện các động tác hoặc múa khi khấn nguyện và sau khi khấn nguyện thì sẽ có những động tác nhảy múa cùng người khác.
Múa trong các lễ cúng của người S’tiêng Bù Đêh
Đồng hành với nghi lễ là âm nhạc và múa. Người S’tiêng Bù Đêh thường nói: Có cúng là có đánh cồng, là có múa! Trong lễ cúng của bà bóng, khi bà bóng vừa múa vừa khấn nguyện... nhiều phụ nữ khác sẽ cùng tham gia nhảy múa, hình thành một vòng tròn múa quanh nơi đặt lễ cúng, quay quanh bà bóng. Trước đây, ở lễ cúng khi tiếng goong vang lên, những người phụ nữ trong sóc, thôn đến dự lễ sẽ tự động tham gia vào nhóm múa. Ngày nay, số người biết múa không nhiều nên đôi khi để giữ gìn và giới thiệu múa của người S’tiêng trong những lễ hội do chính quyền địa phương tổ chức, nhiều nơi đã tập múa cho các nữ thanh niên.
Múa cồng chiêng tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản - Ảnh: Điểu Lành
Trong thực hành nghi lễ ở các địa điểm khác nhau, hình thức trình diễn múa khá đa dạng và có nhiều khác biệt: vùng Lộc Hòa, Lộc Thuận, Lộc An, Lộc Thiện... thuộc huyện Lộc Ninh, bà bóng chỉ múa trong lễ cúng cầu an, tạ ơn hoặc cầu khấn cho người bệnh, gia đình, tuyệt nhiên không múa trong lễ mừng cơm mới hay lễ cầu mưa... Tuy nhiên, ở các xã Thanh An, An Khương, thị trấn Tân Khai... huyện Hớn Quản; ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, bà bóng cũng là người thực hiện các lễ cúng mừng cơm mới, cầu mưa... và cũng cúng trừ bùa ngải, trị bệnh... nếu được các gia đình mời. Trong thực hành các lễ cúng, hình thức thể hiện, một số động tác múa không hoàn toàn giống nhau.
Đến mùa thu hoạch lúa, người S’tiêng cúng mừng lúa mới, tạ ơn thần lúa, các yang (thần và trời đất) đã cho mưa thuận gió hòa, một mùa lúa chín đầy kho. Nhà nào thu hoạch xong, lúa nhiều, họ sẽ cúng mừng lúa mới ngay trước sân nhà và mời bà con trong poh hoặc sóc đến chung vui. Đến nhà khác cúng mừng lúa mới, họ lại mời ngược lại. Cứ như vậy, trước đây, cúng mừng lúa mới ở nhà này rồi đến nhà khác, kéo dài từ cuối tháng 11 âm lịch đến trước tết Nguyên đán của người Việt. Người S’tiêng coi như đã ăn tết, họ không ăn tết Nguyên đán của người Việt.
Múa Mừng lúa mới tại nhà bà Thị Chanh, xã An Khương, huyện Hớn Quản - Ảnh: Điểu Lành
Lễ cúng mừng lúa mới và trình diễn múa của bà bóng được thực hiện quanh một cây nêu đặt trong nhà hoặc giữa sân trước nhà. Vật phẩm dâng cúng của các lễ cúng tùy nơi, tùy điều kiện kinh tế của các gia đình nhưng khá tương đồng: cây nêu, cơm lam, rượu cần, thịt heo, gà luộc. Đôi khi trong những lễ cúng lớn, cúng mừng nhà mới, mừng lúa mới... người S’tiêng Bù Đêh cúng trâu (và heo, gà) nên có nghi thức đâm trâu. Sau lễ cúng, chủ nhà mời bà con trong sóc cùng uống rượu, ăn thịt và đánh cồng chiêng, múa hát.
Trình thức của lễ cúng khá giống nhau: người trong poh, sóc (hoặc trong gia đình cùng những người hàng xóm sang giúp đỡ) dậy từ sớm để giết heo, gà chuẩn bị cho mâm cúng. Nếu có cúng trâu (đâm trâu), người ta vẫn chuẩn bị thêm heo, gà cho mâm cúng...
Trong lễ cúng mừng lúa mới (cơm mới) ở xã An Khương, huyện Hớn Quản mà chúng tôi thu thập vào tháng 1-2021 do xã tổ chức và tháng 12-2021 của gia đình tổ chức đều có diễn trình khá tương đồng. Bà bóng sẽ là người dâng lễ cúng ngay trong khi nhóm múa thực hiện động tác múa. Thời gian múa cũng không hạn định, diễn tiến kéo dài theo diễn trình lễ cúng bà bóng. Mỗi lần bà bóng làm lễ cúng kéo dài khoảng 20-30 phút và phần biểu diễn múa phục vụ lễ cũng chừng đó thời gian. Những động tác dâng lễ vật của bà bóng đều kết hợp với các động tác múa, miệng hát những câu khấn nguyện... kết hợp với nhóm múa và đội hình vòng tròn bên ngoài.
Trong lễ cúng cầu an, cầu xin cho người bệnh khỏi bệnh... ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, vật cúng đơn giản chỉ gồm con gà luộc, đĩa cơm nếp, chục ống cơm lam, trái cây, nhang, 4 ly rượu... Bắt đầu hành lễ, thầy cúng thắp nhang khấn nguyện. Sau khi cúng và khấn vái, thầy cúng lấy ly rượu rưới lên các goong, trống, chập chà để các thần goong, chập chà, trống... cùng phối hưởng. Việc này cũng được người đánh trống trong dàn nhạc thực hiện lần nữa: khấn vái, rót rượu vào ly và sau lần khấn vái thì rưới rượu lên các nhạc khí. Lễ cúng hoàn tất, những người trong nhóm múa bước ra, đứng đối diện bàn để đồ cúng, người trong dàn nhạc bắt đầu cầm goong, trống, chập chà... Và, khi âm nhạc vang lên thì người đứng đầu nhóm múa cũng bắt đầu những động tác đầu tiên, họ đi vòng tròn theo chiều ngược kim đồng hồ, lấy bàn để đồ cúng làm tâm, mặt hướng vào tâm...
Trước đây, lễ cúng có thể tổ chức từ 1-2 ngày. Trong các khảo sát gần đây, lễ cúng chỉ được tổ chức trong một buổi.
Nhạc khí phục vụ nghi lễ và múa phổ biến, tương đồng giữa các nhánh tộc S’tiêng là cồng chiêng, đôi khi có trống cái điểm câu và chập chà (một loại chập chõa nhỏ) làm rộn ràng không khí lễ. Người S’tiêng Bù Đêh còn có sáo pi, trống pi (loại trống một mặt hình thắt eo) và chập chà...
Nghệ thuật múa nguy cơ bị mai một
Trải qua thời gian dài với những biến động của lịch sử, xã hội, nghệ thuật múa trong các lễ cúng của bà bóng và những nghi thức trong lễ hội hiện nay đang có xu hướng giảm bớt hoặc không được tổ chức. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có quan niệm lễ cúng của bà bóng là mê tín dị đoan. Đã có một thời lễ cúng của bà bóng bị đánh giá chưa đúng nên không được tổ chức, công khai trong tín ngưỡng cộng đồng. Những người hành nghề bà bóng nay lớn tuổi, một số không còn khả năng múa hoặc đã qua đời nên số người làm bà bóng, biết múa không còn nhiều...
Hiện nay, tổ chức múa và lễ cúng của bà bóng chỉ mang hình thức trình diễn, phục dựng, tái hiện. Tính thiêng, sự thần khải - ngẫu hứng của bà bóng đã không còn như trước do không phải được thực hành từ lễ cúng, nên khó có thể bắt gặp những động tác, thể hiện hình thể xuất thần như trước kia. Hơn nữa, do những thay đổi của đời sống xã hội, điều kiện, môi trường trình diễn ngày trước như lễ cúng cơm mới, lễ cầu mưa, trỉa lúa... dần ít đi, đồng thời với hình thức tổ chức mang tính trình diễn, sự chọn lựa động tác cũng như xu hướng pha trộn với múa chuyên nghiệp trong các cuộc liên hoan văn nghệ tộc người, “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số” hoặc các hội lễ do Nhà nước tổ chức... nên loại hình nghệ thuật múa trong lễ cúng của bà bóng của người S’tiêng có nguy cơ bị biến đổi, mai một. Các điệu múa có thể chứa đựng những thông điệp, câu chuyện của quá trình lịch sử tộc người mà chúng ta chưa tìm hiểu, nhận thức được hết. Điều này rất cần định hướng, quản lý của Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng, cá nhân để bảo tồn một cách vững chắc loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Báo Bình Phước)
Con đường về Điểm trường mầm non Cá Lủng đang được mở. Đá hộc lổn nhổn. Bụi bay mịt mù. Sống đường gồ ghề, mấp mô như sóng. Người đi không quen hẳn sẽ thấy ngồi trên xe máy mà...
Trong hai ngày 12-13/11, Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum đã mở hai lớp truyền dạy dân ca, dân vũ trong cộng đồng tộc Xơ Đăng cho 60 người tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà và xã Đăk...
baophutho.vn Cùng với quá trình phát triển và đổi mới của đất nước, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam có nhiều chuyển biến, từ đây đặt ra yêu...
Làn điệu dân ca Bài chòi dù có những bước thăng trầm, song luôn được gìn giữ, lưu truyền bởi những nghệ nhân giàu đam mê, tâm huyết. Họ là những người đang ngày đêm nỗ lực duy...
Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ..., mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa...
6 tỉnh vùng Việt Bắc đã thống nhất sẽ tổ chức chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 15 - Bắc Kạn năm 2024 vào tháng 8/2024, với nhiều hoạt động đặc sắc.
Trải qua nhiều điều kiện khó khăn về đời sống kinh tế, nhưng các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người ở Lai Châu, trong đó người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường vẫn lưu giữ và...
baophutho.vn Đại Phạm là xã miền núi thuộc huyện Hạ Hòa, hiện có 1.465 hộ với 5.680 nhân khẩu, giao thông đi lại khó khăn, người dân sống chủ yếu bằng nghề...
Đan lát là một nghề thủ công truyền thống của người Chăm ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Các sản phẩm của đan lát gồm có thúng, mủng, nia, giỏ đựng chén,...
baophutho.vn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là...
Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào Khmer ở Kiên Giang không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn là hạt nhân bảo vệ nền tảng tư...
Do đặc thù về điều kiện địa hình, khí hậu và đặc điểm tự nhiên nơi sinh sống nên mỗi nhóm, ngành dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sở hữu những loại hình kiến trúc nhà...