{title}
{publish}
{head}
Những ngày cuối năm, đất trời khẽ chuyển mình đón những cơn gió lạnh tràn về hòa với khí Xuân dịu ngọt, quyện vào những cánh mận rừng bung nở trắng xoá tô điểm thêm cho bản làng vùng cao càng thêm tươi mới, căng tràn sức sống...
Cùng với nhiều hộ dân trong bản, gia đình trưởng khu Lý Văn Lưu đã thoát khỏi hộ nghèo và từng bước ổn định cuộc sống.
Là một trong hai bản xa của xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, bản Xóm Mới nằm nép mình dưới chân Đồi Đuông, hiện có 56 hộ dân với 284 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao. Mấy năm mới có dịp trở lại, Xóm Mới thay đổi đến ngỡ ngàng. Đường mòn xuyên rừng ngược núi vào bản từng là nỗi kinh hoàng của khách lạ, trở ngại lớn trong việc đi lại, giao thương hàng hoá của người dân giờ được thay bằng con đường bê tông bằng phẳng, uốn lượn men theo những quả đồi xanh ngát. Những nếp nhà lụp xụp, mái lá bạc phếch được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, bề thế... Trên đường vào bản, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những chiếc xe tải đỗ dưới chân đồi chờ người dân thu hoạch nông, lâm sản vận chuyển về xuôi. Đường điện hạ thế đang được kéo đến bản sẽ xua đi cái tĩnh mịch, hoang vu khi màn đêm buông xuống nơi vùng cao...
Trong ngôi nhà cấp bốn ba gian hai trái vẫn thơm mùi sơn mới, anh Lý Văn Lưu- trưởng bản Xóm Mới chia sẻ: “Từ ngày đường được mở, lưới điện quốc gia kéo về với đồng bào không chỉ rút ngắn khoảng cách, thắp sáng bản làng mà còn giúp người dân chúng tôi thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất; thấy được những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các địa phương khác qua sóng truyền hình, đài, báo để làm theo”.
Rót chén nước chè xanh hãm với lá quế sau vườn, anh Lưu kể cho chúng tôi nghe chuyện thoát nghèo của người dân trong bản. Dân Xóm Mới chủ yếu sống bằng nghề nông và làm rừng; thế nhưng đất nông nghiệp ít, toàn khu có 6ha diện tích trồng lúa, chia bình quân mỗi hộ khoảng ba sào ruộng cấy hai vụ, sản lượng lúa chiêm vừa qua đạt 250kg/sào, đảm bảo lương thực và chăn nuôi.
Vài năm trở lại đây, người dân trong độ tuổi lao động của bản bắt đầu rủ nhau đi làm ăn xa với những việc thủ công, cần sức khoẻ như: Phụ hồ, thợ sơn, làm mộc... ai thuê gì làm nấy, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Công việc nặng nhọc, phải xa nhà nhưng thu nhập cao hơn hẳn. Đợt dịch COVID-19 vừa qua vì không có việc, họ kéo nhau đem tiền về quê xây nhà. Chỉ trong thời gian ngắn, mấy chục ngôi nhà được xây mới, diện mạo bản làng thay đổi hẳn.
Như nhà anh Lưu đây, hai vợ chồng cũng đi làm ăn xa. Hàng tháng vợ chồng anh Lưu dành một phần gửi về cho bố mẹ và hai đứa con nhỏ ở nhà chi tiêu, còn lại dành dụm trong mấy năm cũng cất được ngôi nhà với tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng. Anh Lưu bảo cuối năm là dịp “sốt” lao động nên anh chị lại khăn gói lên đường, giờ còn sức khỏe thì còn làm để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Xóm Mới nằm nép mình dưới chân Đồi Đuông.
Chia tay anh Lưu, chúng tôi ghé sang nhà bà Đặng Thị Yên, năm nay 64 tuổi. Vừa tãi những bắp ngô mới bẻ trên nương về để phơi cho được nắng cất vào bồ, bà Yên vừa khoe với chúng tôi: “Ngô, lúa, sắn năm nay được mùa nên chúng tôi phấn khởi lắm”. Nhà bà Yên có sáu khẩu với ba sào ruộng cấy lúa. Nước để phục vụ sản xuất phụ thuộc vào trời, vụ lúa vừa rồi nhà bà gặt được 1,5 tạ thóc đủ ăn; ngô đủ chăn nuôi, sắn năm nay được mùa bán với giá 12 nghìn đồng/kg. Vụ sắn vừa rồi nhà bà cũng bán được một xe ô tô tải chất đầy thùng.
Bà Yên bảo: “Căn nhà này các con tôi cũng vừa cất xong, chúng đi làm ăn xa gửi tiền về tôi mua trâu để chăn thả. Đàn trâu nhà tôi lúc nhiều nhất là 20 con, tháng tám năm ngoái làm nhà hết khoảng 400 triệu, tôi bán 15 con được 300 triệu, còn lại vay mượn anh em”.
Bà con Xóm Mới phấn khởi vì năm nay sắn được giá.
Chẳng có gì vui hơn khi đời sống của bà con nơi đây từng ngày được cải thiện, năm 2022, toàn khu có 29 hộ nghèo, qua rà soát năm 2023 giảm 10 hộ. Tư duy, tập quán canh tác lạc hậu đã được thay đổi. Nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển dịch vụ, vận tải, chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo nguồn thu nhập ổn định ở mức cao.
Trải qua bao khó khăn, vất vả, từ khi sống rải rác trên những dãy núi cao, nhiều đời leo lét bên ánh đèn dầu, trĩu nặng nỗi lo thiếu đói, bản xa Xóm Mới nay đã bừng lên một sức sống mới, ấm no, sung túc. Thành quả từ sự nỗ lực của người dân, công sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đảng viên đưa chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội “bám rễ” nơi đất khó. Chia tay Đồi Đuông, những làn mưa lất phất bay rắc bụi vào những thân cành chẩu, táu, lim, đọng lại vào cành hoa mận, hoa mơ tinh khôi đua nở bên những nụ đào chúm chím dưới mưa nóng lòng đón Xuân về.
Phương Uyên
baophutho.vn Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của đồng bào Mông tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cũng ngày càng được nâng cao. Song...
baophutho.vn Không như các bác sĩ điều trị bệnh nhân bình thường, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần luôn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp dở khóc dở...
baophutho.vn Trải dài hàng nghìn năm, bãi nổi hình con rùa khổng lồ giữa sông Hồng đoạn chảy qua thị trấn Cẩm Khê từng là xóm làng trù phú với cây đa, bến...
baophutho.vn “Rau hôm nay lên giá rồi đấy?”, “Quýt hôm nay giá thế nào? - Quýt nay lên hai giá nhé”, “Bốc cho chị năm thùng quýt trở ra xe”... xen lẫn những...
baophutho.vn Cuối năm 2019, thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xã Tân Đức được sáp nhập với đơn vị hành chính liền kề, trở thành hai trong số...
baophutho.vn Sau chặng đường gần 240km từ thành phố Việt Trì, vượt qua Khau Phạ- một trong “tứ đại đỉnh đèo”, chúng tôi đến xã Ngọc Chiến, huyện Mường La,...
baophutho.vn Trong dáng chiều đang in thẫm trên mặt nước đầm Bạch Thủy, ngồi gác chân lên chiếc ghế ngựa, bắn một điếu thuốc lào váng nhà, ông Trương Xuân...
baophutho.vn Làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao nổi tiếng với giai thoại được lưu truyền đến nay nhiều người vẫn nhắc đó là tình yêu đôi lứa và hôn...
baophutho.vn Chuối tiêu đã gắn bó với đồng đất xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao từ lâu đời và ngày càng khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp...
baophutho.vn Một buổi sáng giữa tháng 9, từ cửa sổ của căn nhà nhỏ bên hồ, nhìn ra mặt nước xanh ngọc giữa bảng lảng sương thu, tôi cứ thế mà phải lòng...
baophutho.vn Phú Thọ hiện có 3 tuyến sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Lô và sông Đà cùng nhiều tuyến nhỏ... Ngoài việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho...
baophutho.vn 10 năm trước, hơn 100 hộ dân ở xã Phượng Mao (nay là xã Tu Vũ), huyện Thanh Thủy được bố trí tái định cư trên khu đồi rộng để nhường đất cho Dự...