{title}
{publish}
{head}
Như thường lệ, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm và hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ hàng hóa, đa dạng mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu ngành bán lẻ.
Công ty TNHH chế biến và sản xuất hương vị hoa quả Việt, xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng tập trung sản xuất, đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đơn vị phân phối.
Nguồn cung đảm bảo
Theo đánh giá của ngành Công thương, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình thị trường trong nước, trong tỉnh tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Giá cả hàng hoá thiết yếu không có biến động bất thường.
Dự báo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao từ 15-20% so với những tháng trước đó. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, một số nguyên, vật liệu đầu vào có xu hướng tăng, tạo áp lực cho sản xuất, kinh doanh nên dự báo giá hàng hóa tiêu dùng có thể tăng lên song không nhiều. Người dân cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm tập trung vào các mặt hàng thực sự thiết yếu.
Theo nhu cầu của người tiêu dùng, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bên cạnh chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, các đơn vị còn cam kết nguồn cung luôn dồi dào, giá bán các mặt hàng thiết yếu ổn định cho dù sức mua có tăng cao.
Đơn cử như tại Siêu thị Go! Việt Trì, hòa cùng không khí nhộp nhịp của thị trường mua sắm cuối năm và chuẩn bị chào đón Xuân Giáp Thìn 2024 sắp đến, Siêu thị đã lên kế hoạch, đặt hàng các sản phẩm bánh, kẹo, mứt... để phục vụ Tết, trong đó các mặt hàng Việt là chủ đạo, chiếm trên 95% với các hãng nổi tiếng như: Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hải Hà, Richy... Mỗi nhà cung cấp đều có các sản phẩm đặc trưng, trọng lượng hàng phong phú nên rất dễ lựa chọn.
Chị Lê Thị Thu Trang - Giám đốc Siêu thị Go! Việt Trì cho biết: “Tuy có những khó khăn, thách thức của nền kinh tế nói chung song sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024, của người dân dự báo vẫn sẽ tăng, do đó chúng tôi đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, năm nay Siêu thị đã đưa nhiều sản phẩm OCOP vào phân phối trong hệ thống bán lẻ và có khu trưng bày riêng nên khách hàng dễ dàng lựa chọn, điều này cũng góp phần giới thiệu, quảng bá, kích cầu tiêu dùng các mặt hàng Việt”.
Không chỉ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lớn mà thời điểm này, các cửa hàng, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở các chợ truyền thống hay các hộ kinh doanh thời vụ Tết cũng đang tích cực nhập hàng, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú, giá cả ổn định, cạnh tranh trong dịp mua sắm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Các đơn vị, hộ kinh doanh chú trọng làm tốt việc kết nối, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ nhu cầu thị trường, không để đứt hàng, khan hiếm hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Công ty TNHH chế biến và sản xuất hương vị hoa quả Việt, xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng bắt đầu từ tháng 10 (âm lịch) đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất, chế biến các sản phẩm mứt, chè, ô mai, củ, quả ngâm... đảm bảo kịp thời cung ứng ra thị trường dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Thúy An - Giám đốc Công ty cho rằng, hiện nay, dịp Tết người dân ngày càng ưa chuộng sử dụng các sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm sấy khô, do vậy Công ty đã liên kết với các hộ trồng nguyên liệu trên địa bàn huyện và một số đơn vị cung cấp nông sản để đảm bảo nguồn hàng cung ứng liên tục, kịp thời chế biến, giao cho đơn vị phân phối đã đặt hàng để cung ứng ra thị trường những sản phẩm giữ trọn được hương vị tự nhiên, thơm ngon, mang đặc trưng của vùng Đất Tổ. Thời điểm này, hơn 50 công nhân lao động của Công ty phải làm việc tăng ca, thậm chí phải thuê thêm lao động thời vụ mới kịp tiến độ giao hàng.
Cùng với dự trữ hàng hóa phục vụ người dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm, sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, ngoài ra các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng cũng được triển khai nhiều hơn.
Các cửa hàng bán lẻ chủ động dự trữ, đảm bảo nguồn hàng phong phú, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.
Bình ổn thị trường gắn với kích cầu tiêu dùng
Căn cứ tình hình thị trường và thực tế sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa; đồng thời thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5113/KH-UBND ngày 21/12/2023 về triển khai các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong, sau Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trên cơ sở đó, ngành Công thương cũng đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có dân số khoảng 1,6 triệu người với gần 422.000 hộ dân. Dự tính, tổng nhu cầu tiêu dùng bình quân của mỗi một gia đình tháng Tết tiêu thụ thấp nhất khoảng 2,5 triệu đồng, giá trị tiêu dùng toàn tỉnh ước tính khoảng 1.054 tỉ đồng.
Để ổn định thị trường, hạn chế sự biến động về giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện, thành phố, thị xã giao kế hoạch, động viên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi, đơn vị bán hàng thực hiện dự trữ hàng hóa và tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng nguồn hàng hóa dự trữ gần 1.200 tỉ đồng.
Sở cũng đã xác định được bảy nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu cần bình ổn thị trường gồm: Gạo tẻ, dầu ăn, đường kính, sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi, thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm. Chất lượng hàng hóa được ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn sản phẩm.
Hiện nay, hệ thống cung ứng hàng hóa tập trung chủ yếu ở các kênh bán hàng truyền thống gồm bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống và trên 20.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Ngoài ra, các kênh bán hàng đa phương tiện, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội cũng ngày càng phát triển, tạo nên thị trường mua sắm đa dạng, phù hợp với nhiều khách hàng.
Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin: Từ nay tới Tết Nguyên đán, Sở tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính. Đồng thời, có phương án chủ động đối phó với các biến động thị trường bất thường; chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thuộc ngành quản lý trên địa bàn.
Trên thực tế, không chỉ nguồn hàng phục vụ dịp Tết rất dồi dào về số lượng mà còn phong phú về chủng loại. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong dịp Tết, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tích điểm, tặng quà trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng nhằm phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Hà Nhung
baophutho.vn Giả danh nhân viên điện lực gọi điện lừa đảo, giả mạo văn bản, thương hiệu, trang web giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu của Tập đoàn Điện lực Việt...
Từ 15 giờ ngày 21/11, giá xăng E5 RON92 giảm 109 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 79 đồng/lít. Cùng đó, dầu diesel giảm 64 đồng/lít; dầu hỏa giảm 67 đồng/lít, song dầu mazut tăng...
baophutho.vn Đối với mỗi người Việt chúng ta, Tết là khoảng thời gian quý báu tạm gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống để lòng người thanh thản cảm...
baophutho.vn Ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, khí thế thi đua lao động sản xuất trên các công trường, nhà máy, đồng ruộng diễn ra tưng bừng, rộn rã. Sự...
baophutho.vn Năm 2023, dần qua với không ít khó khăn, thách thức, song hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn...
baophutho.vn Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những thách thức, biến động khó lường, Ngân hàng là một trong những ngành luôn tiên...
baophutho.vn Theo dự kiến, dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái sẽ thông tuyến trong...
baophutho.vn Năm 2023, mặc dù gặp không ít khó khăn về khí hậu, thời tiết cùng những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhưng với định...
baophutho.vn Nhân dịp Tết dương lịch 2024, bà con nhân dân xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê tổ chức kéo cá đón chào năm mới tại khu đồng Trung Khê, thuộc dự án nuôi...
baophutho.vn Tối 29/12, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức chương trình gala “Chào năm mới 2024”.
baophutho.vn Hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.596 khu dân cư đạt Chuẩn khu dân cư nông thôn mới, trong đó có 72 khu dân cư được công nhận Khu dân cư nông thôn...
baophutho.vn Trong ánh nắng hanh hao của những ngày cuối năm, người dân xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống đồng thu hoạch...