Cập nhật:  GMT+7

Chung tay bảo tồn, tôn vinh văn hóa truyền thống

Bằng những cách làm hay, sáng tạo, thời gian qua không ít giá trị văn hóa truyền thống từng có nguy cơ mai một đang từng bước được khôi phục, bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Đây là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực gìn giữ và phát triển văn hóa đất nước, với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, nhất là sự vào cuộc ngày càng đông đảo của giới trẻ.

Chung tay bảo tồn, tôn vinh văn hóa truyền thống

Lễ khai trương dự án Đế đô khảo cổ ký tại Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng ta cũng hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa dân tộc, thực hiện theo phương châm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Trên cơ sở đó, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị xác định đường hướng phát triển văn hóa phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cụ thể.

Tiêu biểu có thể kể đến Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Mới đây, ngày 30/12/2024, phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian là cực kỳ quan trọng bởi văn hóa dân tộc là bản sắc, văn hóa dân gian là truyền thống”.

Những chủ trương, quyết sách đúng đắn thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước đã nhanh chóng lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.

Đáng mừng là ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống. Xuất phát từ tình yêu và niềm tự hào với quá khứ hào hùng của đất nước, không ít bạn trẻ đã thể hiện ý thức, trách nhiệm của bản thân qua việc đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ của mình vào việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc với những cách làm hay, sáng tạo.

Nổi bật là việc các bạn trẻ đã biết tận dụng những ưu thế của khoa học, công nghệ cùng các nền tảng mạng xã hội để tư liệu hóa, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống...

Tiêu biểu trong số này là chuỗi dự án Ethnicity Vietnam (ra đời từ năm 2018) với các thành viên đều còn rất trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có chung khát vọng bảo tồn và đưa nét đẹp văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hoa văn dệt thổ cẩm đến gần hơn với cộng đồng bằng hình thức số hóa, trong đó có nhiều mẫu hoa văn tưởng như đã thất truyền.

Đến nay Ethnicity Vietnam đã tích cực kết nối được một cộng đồng rộng lớn các thành viên, cộng tác viên của 53 dân tộc thiểu số để cùng thực hiện mục tiêu bảo tồn nghề dệt truyền thống ở nhiều vùng, miền trên cả nước.

Bên cạnh đó, một số cách tân, thể nghiệm ra đời từ sự hợp tác, đồng sáng tạo giữa các nhà nghiên cứu, nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ đã góp phần thổi hồn, đem lại sức sống mới cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Thí dụ như vở tuồng Sơn hậu vốn kén người xem nhưng đã được nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh (sinh năm 1990) và các cộng sự trong nhóm Lên ngàn “tái sinh” với diện mạo mới ấn tượng bằng hai phiên bản Sơn hậu-Beyond the Mountain và Cõi thinh.

Hai vở diễn này không chỉ được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật mà còn thành công trong việc tiếp cận khán giả trẻ, từ đây mở ra hướng đi mới cho tuồng Việt Nam nói riêng và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung trên con đường chinh phục công chúng trong nước và quốc tế.

Quan sát các hoạt động văn hóa nghệ thuật thời gian qua có thể thấy, nhiều sản phẩm giải trí lấy cảm hứng hoặc khai thác chất liệu văn hóa truyền thống và lịch sử của dân tộc nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, như các bộ truyện tranh Long Thần Tướng, Việt Sử diễn họa Dệt nên triều đại,... của Công ty cổ phần Comicola; hay hàng loạt phim chiếu mạng, đồ chơi công nghệ, bộ sưu tập thời trang do các bạn trẻ thực hiện dựa trên chất liệu dân gian truyền thống đã kể lại những câu chuyện lịch sử một cách sống động, hào hùng, đồng thời tái hiện trang phục, kiến trúc, phong tục, văn hóa của người Việt Nam ở từng thời kỳ đã tạo được sức hút với nhiều người xem.

Hoặc một số dự án như trò chơi Mật mã từ cổ vật tại Bảo tàng Hùng Vương, Đế đô khảo cổ ký tại Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng phần nào cho thấy tinh thần sáng tạo của người trẻ khi kết hợp khéo léo yếu tố truyền thống với các lĩnh vực dịch vụ du lịch, sản xuất trò chơi và công nghệ số.

Hiện nay, trào lưu người trẻ làm văn hóa đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, xu hướng thịnh hành này chính là chất xúc tác quan trọng, thúc đẩy sự vươn mình của ngành công nghiệp văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp với dòng chảy tiến bộ của nhân loại.

Quan trọng hơn, chúng cũng là một trong những thành tố quyết định đến sự trường tồn của văn hóa truyền thống khi tạo ra các giải pháp bảo tồn, phục hồi di sản hiệu quả và bền vững. Mặc dù vậy, để truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống vào đời sống hôm nay không phải là công việc dễ dàng.

Những ưu thế về mặt khoa học, công nghệ và tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo cần phải được kết hợp với quá trình học hỏi, nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng. Thực tế, những thành công của một số đơn vị như nhóm Lên ngàn, Ethnicity Vietnam, Công ty cổ phần Comicola... thời gian qua đều là kết quả từ những nỗ lực tìm tòi không ngừng nghỉ với thái độ cầu thị, sẵn sàng lắng nghe những phản biện, góp ý của giới nghiên cứu, học thuật và công chúng.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã được cộng đồng ghi nhận thì vẫn có không ít người trẻ tham gia trào lưu này xuất phát từ những cảm hứng, tình yêu nhất thời với văn hóa truyền thống, đôi khi có tính chất “đu trend”, ăn xổi mà thiếu tầm nhìn, hướng đi cụ thể để triển khai một cách nghiêm túc, đúng hướng.

Chính từ những cảm thức hời hợt, có phần nóng vội, một số cá nhân đã tạo ra những sản phẩm cẩu thả, kém chất lượng, sai lệch nghiêm trọng về kiến thức lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán. Xuất hiện không ít nội dung số về lịch sử, văn hóa truyền thống được nhào nặn theo cách thức cắt ghép, minh họa hình ảnh trái phép của các đơn vị khác cùng phụ đề và giọng đọc AI (trí tuệ nhân tạo) dẫn đến hệ quả, hình ảnh và nội dung không hề ăn nhập với nhau, thông tin thiếu chính xác. Đáng lo ngại là những video như vậy đang thu hút từ hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, xu hướng dung tục hóa các sự kiện lịch sử, lễ hội, phong tục văn hóa, nghệ thuật cổ truyền chỉ với mục đích thu hút người trẻ đang có chiều hướng gia tăng trên các nền tảng mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn, nhân danh nghiên cứu lịch sử, văn hóa, một vài cá nhân, hội, nhóm đang lan truyền những nội dung lệch lạc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Nổi lên là hiện tượng sáng tác các tiểu thuyết, truyện tranh, phim hoạt hình mang chủ đề khiêu dâm, lệch lạc tình dục gắn với các nhân vật lịch sử, phong tục tập quán tại một số địa phương. Thậm chí, xuất hiện một số nội dung có biểu hiện phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, kích động hận thù. Đáng buồn là do không nắm được bản chất vấn đề, một số trang thông tin điện tử đã vội vã tung hô những nhân vật và sản phẩm kém chất lượng này.

Từ đây vô hình trung đã cổ xúy cho những sự sáng tạo lệch lạc, thiếu lành mạnh. Kiểm nghiệm thực tế cho thấy sau những dự án truyền thông rầm rộ thì những dự án kém chất lượng này đã sớm bị chìm vào quên lãng hoặc chỉ được nhắc đến như một minh chứng cho sự thất bại vì thiếu cẩn trọng trong cách tân, làm mới văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Cần khẳng định rằng sự quan tâm của giới trẻ đến lịch sử, văn hóa truyền thống thời gian qua là tín hiệu đáng mừng cho thấy người trẻ hiện nay không còn thờ ơ với những tinh hoa dân tộc. Không chỉ vậy, họ luôn sẵn sàng tham gia để tiếp thêm động lực nhằm duy trì và phát triển sức sống văn hóa truyền thống trong dòng chảy giao lưu văn hóa của 54 dân tộc anh em, thúc đẩy giao lưu giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên để tận dụng sức mạnh nội tại này, các cơ quan chức năng và giới nghiên cứu cần tìm ra những giải pháp hiệu quả, trao cơ hội để người trẻ cống hiến, phát huy khả năng sáng tạo của mình góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc.

Trong đó, những kinh nghiệm hay về mô hình đồng sáng tạo, hợp tác giữa nhóm Lên ngàn và Nhà hát Tuồng Việt Nam, Công ty cổ phần Comicola với Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế nên được nghiên cứu, ứng dụng với các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống khác trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, cần xây dựng, thành lập thêm những quỹ, giải thưởng nhằm tôn vinh, hỗ trợ, bảo trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống.

Mục tiêu hướng đến của các giải thưởng, quỹ này không chỉ là tôn vinh các cá nhân, tập thể có đóng góp cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa truyền thống mà còn phải có tác dụng kết nối, tạo nền tảng cho sự phối hợp giữa người sáng tạo và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng với những dự án văn hóa lớn mang tầm vóc quốc gia, dân tộc trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Song song với các giải pháp này, chúng ta cũng cần phải nghiêm khắc lên án, chấn chỉnh các hành vi nhân danh sáng tạo, cách tân để làm sai lệch văn hóa, lịch sử. Các cơ quan chức năng cần xem xét, làm việc với các nền tảng mạng xã hội để tìm ra những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn sự phổ biến các nội dung sai lịch sử, phản văn hóa gây tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Theo nhandan.vn


Theo nhandan.vn

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Nuôi lợn đất - nét đẹp đầu Xuân

Nuôi lợn đất - nét đẹp đầu Xuân
2025-01-29 10:34:00

baophutho.vn Những chú lợn đất xinh xắn, đầy màu sắc không chỉ là người bạn thân thiết với tuổi thơ mà còn là niềm ao ước của trẻ em khi Tết đến, Xuân về....

Lưu giữ khoảnh khắc Xuân

Lưu giữ khoảnh khắc Xuân
2025-01-29 10:30:00

baophutho.vn Mùa Xuân - thời gian chuyển giao của đất trời và vạn vật với muôn hoa bung sắc trên khắp các nẻo đường, với thiên nhiên, con người, những lễ...

Áo dài đón Xuân

Áo dài đón Xuân
2025-01-29 10:16:00

baophutho.vn Xuống phố du Xuân những ngày đầu năm mới, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị và cả những em bé diện áo dài. Tà áo dài thướt tha,...

Hình tượng con rắn trong văn hóa Việt

Hình tượng con rắn trong văn hóa Việt
2025-01-29 09:54:00

baophutho.vn Với người Việt, con rắn hiện diện trong kho tàng văn hóa dân gian lại được sáng tạo một cách đa dạng, sinh động với những biến thể khác nhau,...

“Kho báu” Dị Nậu

“Kho báu” Dị Nậu
2025-01-29 09:53:00

baophutho.vn Huyện Tam Nông có làng Dị Nậu xưa gọi là Kẻ Núc thuộc trung tâm bộ lạc Văn Lang thời đại Hùng Vương. Vốn là làng Việt cổ, nên từ xa xưa, các...

Nghề vàng mã giữa dòng chảy hiện đại

Nghề vàng mã giữa dòng chảy hiện đại
2025-01-28 11:26:00

baophutho.vn Làng nghề sản xuất đồ thờ cúng Hiền Đa (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) từng có thời kỳ hưng thịnh, nổi tiếng khắp tỉnh với những sản phẩm vàng mã...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long