Cập nhật:  GMT+7

Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao chói lọi là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên cả nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa Xuân 1975, không những đã thể hiện sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam mà còn ghi dấu ấn với những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam - Nghệ thuật chiến tranh Nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh (tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN

Đầu năm 1975, sau khi hoàn thành chuẩn bị về chiến lược cả thế và lực ở cả hai miền Nam, Bắc, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng trận đánh điểm huyệt Buôn Ma Thuột giải phóng Tây Nguyên là một thành công xuất sắc của việc chọn hướng tiến công chiến lược chọn đúng điểm đột phá tổ chức nghi binh, dùng mưu lừa địch, dùng kế điều địch bí mật bất ngờ, đánh giỏi thẳng lớn tạo ra sự đột biến trong cục diện chiến tranh làm cho kẻ địch choáng váng dẫn đến sai lầm chiến lược. Nhạy bén nắm bắt thời cơ, chủ động tạo thời cơ, thúc đẩy thời cơ Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã liên tục bổ sung quyết tâm chiến lược, bắt kịp sự thay đổi cực nhanh của chiến trường, tạo yếu tố bí mật bất ngờ, thay đổi quyết sách từ kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam trong vòng 2 đến 3 năm lúc đầu chuyển sang kế hoạch thời cơ rút xuống còn 1 năm. Nối tiếp chiến dịch Tây Nguyên là các chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng, đây là sự phát triển tiến công và nổi dậy kịp thời, táo bạo, đầy sáng tạo với hiệu quả lớn, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân ngụy ở các tỉnh đồng bằng ven biển không cho địch co cụm về Sài Gòn; giải phóng miền Trung và quần đảo Trường Sa tạo thế mới, lực mới. Bộ thống soái tối cao đã nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm cuối cùng giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trở thành mệnh lệnh, lời động viên toàn quân ta tiến về Sài Gòn với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Đòn chiến lược cuối cùng quyết định để đánh bại quân ngụy Sài Gòn. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 15 sư đoàn, các Trung đoàn, bộ đội đặc công, biệt động, dân quân tự vệ, các quân binh chủng hùng mạnh, hình thành thế trận bao vây chia cắt Sài Gòn và các khu vực. Theo dõi cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nhiều nhà bình luận phương Tây cho đó là một “thế trận kỳ lạ”.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

17h00 ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, 5 cánh quân từ 5 hướng hình thành các mũi tiến công bao vây tiêu diệt địch ở vòng ngoài đồng thời tổ chức đội hình thọc sâu binh chủng hợp thành nhanh chóng áp sát để tiêu diệt 5 mục tiêu chủ yếu. Trong khi đó lực lượng vũ trang nội thành cũng đã xây dựng 5 cánh quân tại các khu vực: Ngã bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (Quận 3); Xóm Chiếu, Khánh Hội (Quận 4); Ngã tư Phú Nhuận (Quận Phú Nhuận); Cầu Bông, Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh); Tân Phú, Tân Sơn, Bà Điểm (Quận Tân Bình). Đây là lực lượng tại chỗ gồm tự vệ quần chúng Nhân dân, sinh viên, học sinh, trí thức... do thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh phát động và lãnh đạo quần chúng nổi dậy để phối hợp với quân giải phóng thực hiện đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy trên toàn thành phố, đây là nét đặc sắc nhất về nghệ thuật chiến dịch chỉ có thể diễn ra trong thế trận chiến tranh Nhân dân Việt Nam đã được hình thành suốt 30 năm chiến tranh giải phóng và được phát huy cao độ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhanh chóng đè bẹp sự phản kháng cuối cùng của địch. Cụ thể: Trên hướng Bắc, Quân đoàn 1 sau khi tổ chức cuộc hành quân thần tốc dài 1.700km đã nhanh chóng bước vào tham gia chiến dịch. Đến 8h30 phút ngày 30/4/1975 một cảnh quân đã vượt cầu Bình Triệu theo đường Võ Tánh phối hợp với đơn vị bạn đánh vào Bộ tổng tham mưu quân đội ngụy Sài Gòn đến 10h30 phút ngày 30/4/1975 cờ giải phóng tung bay trên nóc trụ sở Bộ tổng tham mưu ngụy trong tiếng hò reo chiến thắng.

Từ hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 đã đột phá đánh chiếm cầu Bông, cầu Xáng và sau 1 ngày tiến công quyết liệt, đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở hướng Tây Bắc Sài Gòn với chiều dài khoảng 40km. Lúc 10 giờ 35 phút ngày 30/4 đã làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất, lá cờ chiến thắng được kéo lên cột cờ của Bộ Tư Lệnh không quân Ngụy, tiếp theo phối hợp với đơn vị bạn đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH.

Trên hướng Đông Bắc, Quân đoàn 4 tiến đánh khu vực Biên Hòa - Hố Nai tiến về Sài Gòn đánh chiếm các Quận 1, Quận 3, Quận 10, Quận Gò Vấp đồng thời tổ chức lực lượng thọc sâu, hợp quân cùng các hướng khác tại trung tâm Sài Gòn. Trên hướng Tây Nam, đoàn 232 được thành lập vào tháng 2 năm 1975 đã liên tục tiến công tiêu diệt địch chia cắt đường số 4 phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương cô lập Sài Gòn với đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời dũng mãnh thọc sâu đánh chiếm biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. Ảnh: TTXVN

Từ hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 tổ chức đột phá vào tuyến phòng ngự của địch, đến chiều 29/4 tất cả các mục tiêu ở vòng ngoài đều bị tiêu diệt. Sáng 30/4, đội hình thọc sâu bằng xe tăng bọc thép nhanh chóng tiến vào Dinh Độc Lập bắt toàn bộ nội các của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đây là một chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường nước ta, vượt lên tất cả các chiến dịch trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Trong chiến dịch này nghệ thuật chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng được phát triển cao với sự tập trung lực lượng lớn chưa từng có với cả lực lượng quân sự và chính trị, chủ lực và địa phương, trong đó nổi lên vai trò nòng cốt quyết định đi trước một bước của các binh đoàn cơ động chiến lược. Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975, đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Sau 55 ngày đêm liên tục chiến đấu thần tốc (Từ 4/3/1975 đến 30/4/1975) với ý chí quyết chiến quyết thắng, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự chính trị của quân và dân ta bằng 3 đòn chiến lược then chốt và cuộc tấn công nổi dậy ở đồng bằng Sông Cửu Long, hơn 1 triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan. Cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30/4/1975 là bản anh hùng ca bất diệt, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người Việt Nam. 50 năm đã trôi qua, nhưng giá trị của chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn, là nguồn sức mạnh to lớn để dân tộc ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Những bài học kinh nghiệm từ đại thắng mùa Xuân 1975 luôn có ý nghĩa sâu sắc để vận dụng sáng tạo và phát huy trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước - kỷ nguyên vươn mình vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa

Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Kỳ I: Ký ức thời hoa lửa

Kỳ I: Ký ức thời hoa lửa
2025-04-28 07:40:00

baophutho.vn Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ của...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long