{title}
{publish}
{head}
Hơn 53 năm về trước vào tháng 2/1971, Khu kinh tế Thanh niên (KKTTN) được thành lập tại địa bàn 7 xã của huyện Thanh Sơn (nay là huyện Tân Sơn), trong đó lấy xã Minh Đài làm trung tâm. KKTTN đã thu hút 600 thanh niên từ các tỉnh: Nam Hà, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú với tinh thần nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc, đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung phong ngược núi làm nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới, học tập văn hóa, rèn luyện chính trị. Trải qua chiến tranh, KKTTN đã hứng chịu nhiều mất mát, hy sinh của không ít thanh niên xung phong (TNXP). Biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống hào hùng của cha anh đã và đang tiếp thêm động lực, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay quyết tâm xây dựng quê hương Tân Sơn ngày càng giàu đẹp.
Tấm bia khắc ghi sự mất mát, đau thương ngày 20/9/1972 tại Nhà tưởng niệm thuộc Trung tâm KKTTN ở xã Minh Đài.
Trường học thực tiễn
Dù đã ở tuổi ngoài 70, nhưng ký ức về những ngày đầu rời quê hương Phủ Lý, Nam Hà (cũ) nay là tỉnh Hà Nam để tình nguyện ngược lên vùng “rừng thiêng nước độc” nhận nhiệm vụ đối với ông Bùi Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Minh Đài vẫn chưa bao giờ mờ phai. Còn nhớ đúng dịp Tết cổ truyền năm 1971, ông cùng hàng trăm TNXP hăng hái lên đường đi khai hoang, làm kinh tế khi mới 19 tuổi. Ông Nghĩa chia sẻ: “Lên Khu kinh tế, lực lượng thanh niên chúng tôi được đào tạo lý luận chính trị, luyện tập quân sự và làm kinh tế theo công thức 8+2+2 (tức 8 giờ lao động sản xuất, 2 giờ học tập lý luận, văn hóa và 2 giờ luyện tập quân sự). Với tinh thần “3 sẵn sàng”, dù với công cụ lao động, vũ khí trang bị thô sơ nhưng đã hình thành lực lượng TNXP hăng hái, tích cực sản xuất và sẵn sàng chiến đấu".
KKTTN Minh Đài được thành lập trong bối cảnh hết sức đặc biệt của những năm đầu thập kỷ 70 - Thế kỷ XX. Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 214-NQ/TW khẳng định quyết tâm của cả dân tộc: Kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ra sức khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân. Trong thời kỳ này, bên cạnh các phong trào chiến đấu chống Đế quốc Mỹ và phát triển kinh tế của Nhân dân cả nước, Bộ Chính trị thực hiện chủ trương đưa dân miền xuôi lên khai hoang, xây dựng kinh tế ở miền núi, giúp tăng cường sức mạnh kinh tế, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc ít người, giữ vững an ninh trật tự và lãnh thổ quốc gia. Ngày 23/2/1971, đơn vị KKTTN được thành lập trên địa bàn 7 xã của huyện Thanh Sơn (tỉnh Vĩnh Phú) gồm: Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông, Long Cốc, Tam Thanh và Văn Miếu, trong đó lấy xã Minh Đài là trung tâm. Đồng chí Nguyễn Công Tạn - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ làm Giám đốc và đồng chí Nguyễn Văn Quỳ - nguyên Trưởng ban TNXP Trung ương Đoàn làm Bí thư Đảng ủy KKTTN.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, tháng 3/1972 đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh bằng không quân trở lại miền Bắc và đến trưa 20/9/1972, máy bay Mỹ bất ngờ trút 126 quả bom và nhiều rocket xuống khu vực xóm Vinh Quang và toàn bộ trung tâm KKTTN tại xã Minh Đài. Sau sự hy sinh, mất mát của đồng đội; tập thể cán bộ, công nhân KKTTN đã biến đau thương thành hành động cách mạng, không ngại nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất xây dựng khu kinh tế, học tập, rèn luyện chính trị, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt quá trình lịch sử từ khi thành lập đến năm 1988, KKTTN đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đề ra, tạo nên những thành quả quan trọng. Nơi đây đã thu hút hàng nghìn thanh niên của 41 tỉnh, thành trong cả nước tham gia, hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng kinh tế mới, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Đồng thời trở thành trường học cộng sản, là trung tâm đào tạo và rèn luyện chính trị, văn hóa của thanh niên.
Tháng 6/1988, do nhu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế, KKTTN được tách thành hai đơn vị: Xí nghiệp nông công nghiệp Chè Thanh niên (sau gọi là Xí nghiệp Chè Thanh niên đóng trên địa bàn xã Minh Đài) và Nông trường Thanh niên 2 (sau gọi là Xí nghiệp Chè Tân Phú đóng trên địa bàn xã Tân Phú). Năm 2000, do nhu cầu phát triển ngành chè Việt Nam, Xí nghiệp Chè Thanh niên và Xí nghiệp chè Tân Phú, Phong Long, Phú Sơn đã vào liên doanh với nước bạn I-rắc dưới tên gọi Công ty chè Phú Đa.
Tuổi trẻ xã Minh Đài dọn vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ - nơi an nghỉ của 45 TNXP thuộc KKTTN.
Địa chỉ đỏ cách mạng
Trung tâm KKTTN xã Minh Đài được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2012 có tổng diện tích hơn 2ha, gồm phân khu nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ. Nhà tưởng niệm được xây dựng trong khuôn viên của Xí nghiệp Chè Thanh niên (nay là Công ty Chè Phú Đa). Đây là nơi làm việc của KKTTN (đã bị giặc Mỹ ném bom hủy diệt vào trưa 20/9/1972). Hai hố bom lớn đã được UBND xã Minh Đài san lấp để xây dựng nhà tưởng niệm. Nhà tưởng niệm còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuông đồng, đỉnh đồng, lư hương... Phía bên ngoài nhà tưởng niệm có dựng một tấm bia hình trụ khắc chữ: “Nơi đây ngày 20/9/1972 máy bay Mỹ đã ném bom, bắn tên lửa, đạn rốc két dữ dội có tính chất hủy diệt, giết hại nhiều người trong đó có 45 cán bộ, chiến sĩ TNXP và thiêu hủy toàn bộ trung tâm KKTTN”. Sau khi các cán bộ, chiến sĩ TNXP hy sinh, Ban lãnh đạo KKTTN đã cho xây dựng nghĩa trang dưới chân núi Bụt thuộc khu Minh Tâm, xã Minh Đài là nơi an nghỉ của 45 liệt sĩ TNXP. Đây hiện cũng là khu nghĩa trang an táng cho các liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.
Đối chiếu với Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009 đồng thời đối chiếu với các quy định, hướng dẫn hiện hành, Trung tâm KKTTN xã Minh Đài, huyện Tân Sơn đảm bảo điều kiện để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đồng chí Trần Khắc Thăng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: “Để có cơ sở nâng cấp, tôn tạo, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử - văn hóa của địa phương gắn với mục tiêu phát triển du lịch tuyến Đền Hùng - Khu kinh tế Thanh niên - Đồi chè Long Cốc - Vườn Quốc gia Xuân Sơn, hiện nay UBND huyện Tân Sơn đang thực hiện quy trình lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Trung tâm Khu Kinh tế Thanh niên - xã Minh Đài” là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia”.
Đối với người dân xã Minh Đài, KKTTN từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, kỷ niệm các ngày truyền thống, Tết âm lịch..., chính quyền và Nhân dân địa phương đều tổ chức lễ viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ và Nhà tưởng niệm. Đặc biệt vào ngày 20/9 hàng năm, xã tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ- những người bị sát hại trong đợt ném bom của đế quốc Mỹ năm xưa; đồng thời tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống. Thông qua các hoạt động thiết thực này đã giúp nhân dân địa phương hiểu rõ giá trị của di tích, hiểu được những mất mát hy sinh của các liệt sĩ và tội ác của Đế quốc Mỹ. Qua đó, nêu cao tinh thần cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước, động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Chủ tịch UBND xã Minh Đài chia sẻ: “Với chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của KKTTN từ năm 1972 đến nay, nguyện vọng của chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng khuôn viên của di tích lịch sử xứng tầm, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu niên thêm tự hào, tiếp bước cha anh. Địa phương sẽ phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng tầm di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thành cấp Quốc gia”.
Những hố bom chiến tranh hằn sâu trên mảnh đất Minh Đài - Trung tâm KKTTN năm xưa giờ đã được thay thế bằng nương chè xanh ngút ngát, nhà cao tầng, trường học khang trang, đường bê tông chạy thẳng tắp. Phát huy truyền thống cách mạng, noi gương thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi thanh xuân xây dựng KKTTN, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hồng Nhung
baophutho.vn Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của đồng bào Mông tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cũng ngày càng được nâng cao. Song...
baophutho.vn Không như các bác sĩ điều trị bệnh nhân bình thường, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần luôn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp dở khóc dở...
baophutho.vn Từ trung tâm xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn đến khu Ngả Hải phía bên kia đèo Cón. Vực sâu hun hút, đồi núi trập trùng. Đây được coi là cửa ngõ phía...
baophutho.vn Sóng biển ầm ào vỗ vào bờ đá, gió núi xào xạc trên những tán cây rừng vùng biên... mang theo nỗi nhớ thương nơi quê nhà vượt ngàn dặm xa gửi...
baophutho.vn Trong những ngày đầu Xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn có thêm niềm vui, phấn...
baophutho.vn Sinh ra nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, lớn lên cùng sỏi đá và những bữa cơm đạm bạc, lắm khi chưa đủ no, nhiều thanh niên người...
baophutho.vn Nghe đến ớt nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị cay nồng của loại trái cây được dùng làm gia vị hay ớt chuông có mùi hăng dùng để xào nấu chứ ít ai...
baophutho.vn Khu Đâng, xã Trung Sơn trước kia được biết đến là một trong những bản vùng cao khó khăn nhất của huyện Yên Lập. Được sự quan tâm của Đảng và...
baophutho.vn Với người Dị Nậu (huyện Tam Nông), “văn hoá làng” là sự khởi nguồn đạo lý sống muôn người, “sợi dây” bền chặt gắn kết tình làng nghĩa xóm, tiền...
baophutho.vn Không ai biết chính xác năm cây Lụ cổ thụ, lừng lững tọa lạc nơi Miếu Phường, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao có từ khi nào, nhưng đối với người dân...
baophutho.vn Kỳ II: “Điểm tựa” bền vững
baophutho.vn Danh hiệu cao quý (Kỳ I)