Cập nhật:  GMT+7

Kích hoạt động lực kinh tế tư nhân

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Phú Thọ đã có thêm 1.878 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 32% so với cùng kỳ; tăng trưởng kinh tế đạt 10,09% và thuộc nhóm cao nhất cả nước. Những con số ấn tượng này sẽ là nền tảng tạo nên sức bật cho nền kinh tế trong không gian phát triển mới sau sáp nhập đồng thời cũng là minh chứng cụ thể cho tinh thần “hành động quyết liệt” nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Không chỉ là chủ trương từ Trung ương, Nghị quyết 68 đang từng bước đi vào thực tiễn qua những kế hoạch hành động rõ ràng, những con số tăng trưởng cụ thể và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương. Phú Thọ, với diện mạo mới sau hợp nhất, đang nổi lên như một “vùng đất hứa” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ba vùng, một mục tiêu chung

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68- NQ/TW về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định đây là “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Khi đó, ba địa phương: Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc đã khẩn trương ban hành kế hoạch hành động cụ thể để hiện thực hóa nghị quyết, với các chỉ tiêu rõ ràng, có tầm nhìn xa đến năm 2045.

Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 19.000 doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 62- 65% GRDP; đến năm 2045 phấn đấu đạt 30.000 doanh nghiệp, chiếm 67- 70% GRDP. Hướng phát triển được xác định là xây dựng doanh nghiệp tư nhân có khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và phát triển xanh.

Kích hoạt động lực kinh tế tư nhân

Khu nghỉ dưỡng Legacy Hill Resort & Villa là điểm nhấn tiêu biểu cho mô hình phát triển du lịch xanh và bất động sản cao cấp tại địa phương.

Với Hoà Bình, kế hoạch hành động đặt mục tiêu đến năm 2030 có 7.500 doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 55% GRDP; đến năm 2045 đạt 11.300 doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GRDP, kỳ vọng hình thành được các doanh nghiệp mạnh ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và chế biến khoáng sản bền vững.

Có nền tảng công nghiệp phát triển sớm, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 có khoảng 20.000 doanh nghiệp tư nhân, 80.000 hộ kinh doanh cá thể, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 35% GRDP; đến năm 2045 sẽ có 50.000 doanh nghiệp, chiếm 45% GRDP, phát triển thành vùng kinh tế tư nhân có thương hiệu mạnh trong khu vực phía Bắc.

Điểm chung trong cả ba bản kế hoạch là tinh thần chuyển đổi mạnh mẽ từ “khuyến khích” sang “cụ thể hóa bằng chỉ tiêu, hành động và lộ trình”. Mỗi địa phương đều xác định rõ ngành ưu tiên, chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, tỷ trọng GRDP, cũng như các giải pháp hỗ trợ - chuyển đổi số, cải thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... tạo nền tảng vững chắc để khi sáp nhập về một tỉnh, các chính sách có thể được tích hợp, đồng bộ hóa và nâng tầm trên quy mô lớn hơn.

Doanh nghiệp khởi sắc, kinh tế bứt tốc

Nếu như các kế hoạch hành động cho thấy một sự thống nhất về định hướng thì các con số của 6 tháng đầu năm 2025 chứng minh điều đó đang dần thành hình trong thực tiễn. Theo Cục Thống kê, sau sáp nhập, nền kinh tế Phú Thọ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,09%, đứng thứ 9 cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,32%, dịch vụ tăng 8,2%, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau giai đoạn điều chỉnh bộ máy và địa giới hành chính.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp khởi sự đã tăng trưởng vượt kỳ vọng. 1.878 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Có thêm 818 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số vốn đăng ký mới toàn tỉnh lên hơn 17.400 tỷ đồng. Đây không chỉ là dấu hiệu tích cực về niềm tin vào môi trường đầu tư mà còn là chỉ dấu cho thấy chính sách đang đi vào thực tiễn cuộc sống.

Theo ông Hà Trung Nguyên- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Hòa Bình cũ, Nghị quyết 68 giống như một luồng gió mới thổi vào khối doanh nghiệp tư nhân nhưng để cánh buồm thực sự no gió, cần có những “bệ đỡ” vững chắc từ cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn và nâng cao chất lượng lao động tại chỗ. “Chúng tôi chờ đợi một chính sách thống nhất, đồng bộ trên toàn tỉnh mới - điều mà UBND tỉnh đang khẩn trương xây dựng”, ông nói.

Trên thực tế, từng vùng đã cho thấy những dấu hiệu bứt phá khác nhau. Theo Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ, vùng Vĩnh Phúc tiếp tục giữ lợi thế trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 410 triệu USD trong 6 tháng, chiếm gần 90% tổng vốn FDI của tỉnh sau sáp nhập (469 triệu USD). Phú Thọ thu hút được 56 triệu USD, trong khi Hòa Bình dù còn khiêm tốn (2,7 triệu USD) nhưng lại có thế mạnh về đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn đăng ký lên tới 38.006 tỷ đồng, nhờ các dự án lớn trong du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp xanh.

Những dự án như Serena Resort mở rộng tại Kim Bôi, khu đô thị mới ở Việt Trì, hay các khu công nghiệp hỗ trợ tại Bình Xuyên, Phúc Yên... không chỉ tạo ra dòng vốn đầu tư lớn mà còn mở ra kỳ vọng về việc làm, dịch vụ đi kèm và gia tăng chuỗi giá trị tại chỗ. Điều này phù hợp với định hướng của cả ba địa phương trước đây: không phát triển kinh tế tư nhân bằng mọi giá mà đi vào chiều sâu, có kiểm soát, gắn với nâng cao năng suất lao động và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Mặc dù những kết quả ban đầu là đáng ghi nhận, song để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “một động lực quan trọng” như Nghị quyết 68 kỳ vọng, Phú Thọ vẫn còn nhiều việc phải làm. Sự chênh lệch giữa các vùng về quy mô doanh nghiệp, chất lượng hạ tầng và năng lực cạnh tranh vẫn là rào cản lớn. Trong khi Vĩnh Phúc đã có hệ sinh thái công nghiệp phát triển khá hoàn chỉnh, thì nhiều khu vực thuộc Hòa Bình cũ vẫn đang thiếu mặt bằng sản xuất, hạ tầng logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.

Hơn nữa, sau sáp nhập, ba vùng kinh tế với ba hệ thống chính sách, thủ tục và ưu đãi khác nhau đang đặt ra thách thức trong việc thiết lập một môi trường đầu tư đồng bộ, minh bạch và nhất quán. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn đang “lúng túng” khi tiếp cận thông tin hỗ trợ, các chính sách khuyến khích đầu tư hay quy hoạch sử dụng đất.

Từ đó, việc xây dựng một kế hoạch hành động thống nhất cho tỉnh Phú Thọ mới được UBND tỉnh khẩn trương thực hiện ngay trong tháng 7/2025, căn cứ Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền địa phương sau sáp nhập. Kế hoạch này sẽ là cơ sở để tích hợp các chỉ tiêu phát triển, phân bố nguồn lực, cải thiện thủ tục hành chính, đồng thời xóa bỏ “rào cản vô hình” giữa ba vùng cũ.

Phú Thọ trong diện mạo mới đang có dư địa, động lực và cả kỳ vọng lớn để bứt phá. Nhưng để kinh tế tư nhân thật sự trở thành trụ cột, điều quan trọng hơn cả là những cam kết phải được cụ thể hóa trong từng chính sách, từng quy trình được tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Nguyễn Yến


Nguyễn Yến

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng

Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng
2025-07-17 06:49:00

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,52% trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam là khá cao, tạo nền tảng cho mục...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long