Cập nhật:  GMT+7

Quản lý dạy thêm, học thêm: Vấn đề cũ - biện pháp mới

Kỳ I: Hiểu đúng để thực hiện đúng

Dạy thêm, học thêm là một vấn đề xã hội. Nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của một bộ phận học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, bên cạnh sự tự nguyện, xuất hiện hành vi tiêu cực là ép buộc học thêm với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều năm qua, việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan thậm chí đã bị lạm dụng và làm xấu đi hoạt động này, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Kỳ I: Hiểu đúng để thực hiện đúng

Trường THPT Công nghiệp Việt Trì tổ chức ôn luyện kiến thức cho học sinh lớp 12.

Nhu cầu thực tế

Nhìn nhận một cách khách quan, bản chất của hoạt động dạy thêm, học thêm là tốt. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững để theo kịp với các bạn học của mình; khi các em học giỏi muốn rèn luyện, trau dồi kiến thức để đạt được trình độ cao hơn sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi... thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để các em tìm đến. Việc dạy thêm, học thêm là hoạt động mang nhiều giá trị tích cực nếu được thực hiện đúng cách và đúng mục đích; hoạt động này sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Chị Hồ Thị Phương Thảo, khu 7, phường Minh Nông, TP Việt Trì chia sẻ: Tôi đi làm 8 tiếng một ngày, đôi khi lại phải tăng ca, chồng tôi cũng bận rộn không kém nên không có thời gian để chăm chút cho việc học của con. Vì vậy chúng tôi thống nhất nhờ cậy vào thầy cô. Cá nhân tôi cho rằng việc học thêm không xấu mà ngược lại còn mang đến hiệu quả tích cực, nếu phù hợp và đúng mục đích của phụ huynh và học sinh. Trong thời điểm thay sách giáo khoa, đổi mới chương trình giáo dục như hiện nay, phụ huynh chúng tôi dù muốn kèm cặp, hướng dẫn cho con học cũng thật sự khó khăn. Hơn nữa, việc học tập, thi cử hiện nay vẫn nặng nề, có tính cạnh tranh cao. Điều này biểu hiện rõ nhất trong kỳ thi vượt cấp lên lớp 10 THPT công lập.

Là giáo viên cốt cán cấp tỉnh, thầy Nguyễn Hữu Dương, giáo viên môn Toán, Trường THCS Hạ Hòa thông tin: Việc dạy thêm, học thêm sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và phụ đạo học sinh yếu kém, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018... Một khi các kỳ thi vẫn còn nhiều áp lực thì việc học thêm là nhu cầu tất yếu, là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, học sinh.

Những năm gần đây, ngành giáo dục thường xuyên tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo phương thức thi tuyển. Và kỳ thi này được coi là “khốc liệt” nhất trong các cấp học vì chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập luôn thấp hơn so với số đăng ký dự tuyển.

Cụ thể, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 toàn tỉnh có 16.534 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, trong đó có 12.207 chỉ tiêu tuyển sinh công lập, chiếm 51,8% so với học sinh tốt nghiệp lớp 9; có 4.327 chỉ tiêu tư thục, bằng 18,2%. Ngoài ra có 3.105 chỉ tiêu tuyển sinh Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, bằng 13,2%. Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 18.481 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10; trong đó có 13.562 chỉ tiêu tuyển sinh công lập, bằng 52,1% so với số học sinh tốt nghiệp lớp 9; có 4.919 chỉ tiêu tư thục, đạt 18,5%. Ngoài ra có 3.735 chỉ tiêu tuyển sinh Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, chiếm 14,0%. Để có thể đặt chân vào khối công lập trong cuộc đua này, nhiều gia đình đã bắt buộc phải chọn giải pháp cho con em đi học thêm; các nhà trường cũng phải tăng cường thêm nhiều tiết ôn luyện với các môn đầu vào cho học sinh...

Đối với những học sinh có học lực khá, giỏi, nếu đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Hùng Vương thì áp lực học hành càng nặng nề hơn, vì tỷ lệ chọi rất cao. Qua các kỳ tuyển sinh, Trường THPT Chuyên Hùng Vương hằng năm đều có số lượng đăng ký thi vào đông nhất với tỷ lệ trung bình 1 chọi 2. Do đó, việc tìm giáo viên dạy thêm là điều hiển nhiên đối với nhiều học sinh và phụ huynh. Còn với cấp tiểu học, hiện đang giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên hệ kiến thức khá nặng.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không có thời gian dạy thêm các con ở nhà; một số thì thừa nhận không đủ kỹ năng khi kèm con học nên có nhu cầu gửi thầy, cô kèm cặp thêm. Với các học sinh cuối cấp như khối 12 việc học thêm cũng là mong muốn của cả phụ huynh và học sinh. Do đó, nhu cầu học thêm và dạy thêm là tất yếu, diễn ra từ nhiều phía.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Liễu, chủ nhiệm lớp 12H Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ cho biết: Lớp tôi có 45 học sinh thì 100% đều tham gia các lớp học thêm tại trường. Qua tìm hiểu, các phụ huynh đều có nhu cầu cho con học thêm để củng cố và nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, năm nay môn Ngữ Văn đề thi sẽ không sử dụng các ngữ liệu trong sách giáo khoa, do đó việc học thêm là nhu cầu thực tế để bồi dưỡng kiến thức cho các em vững tin trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Là học sinh cuối cấp, em Nguyễn Hồng Tâm, học sinh lớp 12H, Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ bày tỏ: Năm học 2024-2025 rất đặc biệt khi chúng em là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện tại đang là giai đoạn chạy đà để ôn thi tốt nghiệp, nếu nhà trường không dạy thêm thì em e rằng rất dễ “đứt mạch” kiến thức (do trước đó các trường đã tổ chức ôn luyện từ đầu năm) và chúng em sẽ khó để ôn tập, nâng cao kiến thức, đảm bảo thi đỗ tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thật may mắn cho chúng em, sau ngày 14/2, các thầy cô giáo vẫn tổ chức dạy thêm không thu tiền cho học sinh cuối cấp.

Kỳ I: Hiểu đúng để thực hiện đúng

Giờ học môn Toán của học sinh lớp 9, Trường THCS Chương Xá, huyện Cẩm Khê.

Tránh lạm dụng

Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm có lúc, có nơi bị xã hội nhìn nhận và đánh giá sai lệch, do một bộ phận giáo viên lạm dụng việc dạy thêm để kiếm tiền. Thực tiễn đã xảy ra tình trạng giáo viên ép buộc học sinh phải đi học thêm mặc dù họ không có nhu cầu. Để học sinh phải đi học thêm, giáo viên đã cắt xén chương trình, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa. Do vậy, học sinh không thể đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra nếu không tham gia học thêm. Thường ngày trên lớp, một số giáo viên có cách phân biệt đối xử với những học sinh có tham gia lớp học thêm và học sinh không tham gia lớp học thêm một cách thiếu khách quan. Nếu như học sinh có tham gia lớp học thêm sẽ được giáo viên quan tâm, thân thiện. Ngược lại, học sinh không tham gia lớp học thêm sẽ không được quan tâm đầy đủ, giáo dục đến nơi đến chốn. Cá biệt có những trường hợp giáo viên có hành động đe dọa, trù dập khiến học sinh và gia đình dù không muốn nhưng vẫn phải tham gia học thêm một cách miễn cưỡng.

Thực tế, tâm lý chung của các phụ huynh là mong muốn con em mình học hành tiến bộ, có đủ năng lực để có thể tham gia học tập ở các bậc học cao hơn. Đây là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Nhưng, vấn đề đáng bàn là phụ huynh không xác định rõ được lực học, sở trường của con mình như thế nào, trong khi đó lại đặt rất nhiều kỳ vọng và không muốn con mình thua kém bạn bè, muốn con mình phải xuất sắc hơn nữa. Do vậy đã tạo ra áp lực cho con cái và chính bản thân họ về kết quả học tập. Điều này dẫn đến tình trạng cho con học thêm quá nhiều.

Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Xuân Thu - Trưởng khoa Chính trị và Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hùng Vương cho rằng: Tâm lý chung của xã hội ta, đặc biệt là ở các thành phố lớn vẫn còn nặng nề “chạy theo thành tích” khi cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, vào trường chuyên, lớp chọn... Học thêm vì thế trở thành một “cuộc đua” ngầm, ai cũng sợ con mình thua kém bạn bè. Chính tâm lý này đã “đẩy” cả học sinh và giáo viên đến chỗ phải dạy thêm, học thêm, dù đôi khi nhu cầu thực sự không cao đến vậy.

Chị Nguyễn Thị Phương Linh ở xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh cho biết: Đôi khi bố mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng quá nhiều vào các con, muốn con học tập tốt hơn hoặc trở thành một người giỏi hơn. Các bậc phụ huynh thường nghĩ, với lịch học “dày đặc” như vậy, các con sẽ phát triển toàn diện, được như “con nhà người ta”. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, việc đi học liên tục, không có thời gian nghỉ, khiến học sinh kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất, bên cạnh đó, gây áp lực cho các con.

“Theo tâm lý chung, nhiều phụ huynh có con đang chuẩn bị bước vào lớp 1 đều muốn con biết đọc, biết viết trước khi vào năm học mới. Nhưng thực tế, theo tôi, điều này không cần thiết, bởi vì khi vào năm học mới, giáo viên sẽ truyền thụ đầy đủ kiến thức cho các cháu. Bằng chứng là tôi không cho con đi học thêm, nhưng hiện con trai tôi đang học lớp 1, Trường Tiểu học Minh Nông, về lực học, cháu cũng cập kiến thức như các bạn”- anh Hồ Anh Tuấn, phường Minh Nông, TP Việt Trì cho biết.

Không thể phủ nhận dạy thêm, học thêm xét về bản chất là một hoạt động tích cực, giúp những người có nhu cầu mở mang kiến thức. Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của giáo viên và học sinh, tuy nhiên, làm thế nào để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục... cần sự phối hợp thực hiện từ nhiều phía.

Kỳ II: Đồng lòng thực hiện

Nhóm PV Chính trị - Xã hội


Nhóm PV Chính trị - Xã hội

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Đề nghị thành lập Trường THPT Quang Trung

Đề nghị thành lập Trường THPT Quang Trung
2025-02-20 19:16:00

baophutho.vn Ngày 20/2, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã có Tờ trình số 11/TTr-SGD&ĐT đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định thành lập Trường Trung học phổ...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long