Cập nhật:  GMT+7

Làm theo lời Bác, nỗ lực thực hành tiết kiệm

Huyện vùng sâu M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) là một huyện nghèo, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi phát động mô hình “Tiết kiệm làm theo lời Bác” đã được cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện nhiệt tình hưởng ứng. Từ nguồn kinh phí tiết kiệm đã xây dựng được các phòng học, nhà công vụ cho giáo viên các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo đảm nơi học tập cho học sinh và giúp giáo viên gắn bó lâu dài với vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Làm theo lời Bác, nỗ lực thực hành tiết kiệm

Nhà ở công vụ cho giáo viên Trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, xã Ea H'Mlay được Huyện ủy M'Đrắk hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn tiết kiệm.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy M’Đrắk Phạm Thị Hải Yến cho biết, là một huyện nghèo, đời sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở và nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện. Đáng chú ý, với quyết tâm chuyển từ học tập sang làm theo Bác gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, ở các đoàn thể, địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm có hiệu quả. Điều đó không chỉ thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hằng năm mà còn góp phần quan trọng giúp huyện giải quyết những việc khó khăn mà ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được, cũng như hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt.

Nổi bật nhất trong việc làm theo Bác là mô hình “Tiết kiệm làm theo lời Bác” được Ban Thường vụ Huyện ủy M’Đrắk triển khai trong toàn Đảng bộ huyện từ năm 2013 đến nay, để hỗ trợ xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên các trường học, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, ý nghĩa và phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên về thực hành tiết kiệm, việc tiết kiệm được thực hiện với hình thức: Đối với cán bộ, đảng viên được hưởng lương thì trích mỗi tháng một ngày lương, còn những đảng viên không có lương thì mỗi tháng đóng góp ít nhất là 20.000 đồng.

Từ năm 2013 đến nay, việc thực hiện tiết kiệm làm theo lời Bác trên địa bàn huyện đã tiết kiệm được hơn 4,5 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 phòng học và 15 phòng công vụ cho giáo viên các trường học trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Cư San, Cư Prao, Ea H’Mlay, Cư Róa. Các phòng học và phòng công vụ này đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc ở địa phương học tập và các giáo viên thuận lợi trong ăn ở, sinh hoạt, yên tâm công tác lâu dài.

Theo Bí thư Huyện ủy M’Đrắk Ra Lan Von Ga, việc tiết kiệm làm theo lời Bác thì nhiều địa phương trong tỉnh cũng làm, nhưng cách làm của huyện M’Đrắk khác hơn, đó là thực hành tiết kiệm để xây dựng phòng học cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. M’Đrắk là huyện có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, hằng năm số lượng học sinh tăng nhanh nhưng cơ sở vật chất trường lớp, nhất là các trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng; một số nơi vẫn còn phòng học tạm bợ và mượn hội trường thôn để học. Bên cạnh đó, nhà công vụ cho giáo viên ở nhiều trường học còn tạm bợ khiến giáo viên chưa yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với địa phương.

Cùng với lãnh đạo Huyện ủy M’Đrắk, chúng tôi đến Thôn 7, xã Cư Róa, tại đây có một Phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sim gồm 3 phòng học với 112 cháu và một Phân hiệu Trường Tiểu học Lê Quý Đôn gồm 7 lớp với 227 học sinh đang theo học. Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Róa Nguyễn Thị Liên cho biết, Thôn 7 nằm cách trung tâm xã gần 10km, giao thông đi lại khó khăn. Hầu hết nhân dân ở đây là đồng bào dân tộc H’Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào sinh sống, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn cho nên không có điều kiện đưa con em ra trung tâm xã để học.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào được học tập, huyện M’Đrắk đã đầu tư xây dựng phân hiệu trường mầm non và trường tiểu học. Tuy nhiên, do số học sinh tăng nhanh dẫn tới thiếu phòng học. Năm 2021, Huyện ủy M’Đrắk đã hỗ trợ xây dựng hai phòng học cho Phân hiệu Trường Tiểu học Lê Quý Đôn với kinh phí hơn 600 triệu đồng. Năm 2023, có 38 cháu của Phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sim phải mượn hội trường Thôn 7 để học cho nên Huyện ủy M’Đrắk tiếp tục hỗ trợ xây dựng một phòng học với kinh phí hơn 590 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm làm theo lời Bác, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong những ngày đầu tháng 4 này. “Khi biết các phòng học này được xây dựng từ nguồn vốn tiết kiệm làm theo lời Bác của cán bộ, đảng viên trong huyện để bảo đảm việc học tập của con em mình khiến người dân địa phương hết sức cảm động. Vì vậy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ đều cho con em đến trường đầy đủ, không còn tình trạng trẻ em không được đến trường như trước đây. Hy vọng rằng, các em được học hành đầy đủ, sau này cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước”, đồng chí Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Đến xã Ea H’Mlay, chúng tôi ghé thăm Trường THCS Hoàng Văn Thụ nằm ngay trung tâm xã. Năm học 2023-2024, nhà trường có 21 cán bộ, giáo viên và hơn 300 học sinh. Dù là xã vùng sâu nhưng cơ sở vật chất trường lớp, phòng công vụ cho giáo viên được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Thầy giáo Hoàng Văn Lĩnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để bám trụ được đến ngày hôm nay, các giáo viên nhà trường đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Phần lớn giáo viên của nhà trường đều từ các địa phương khác đến giảng dạy. Trước đây, phòng công vụ của nhà trường do giáo viên và phụ huynh tự chặt cây rừng về làm để ở, dạy học nên tạm bợ. Do điều kiện quá khó khăn, một số giáo viên đã xin chuyển đi nơi khác.

Để “giữ chân” các giáo viên ở lại vùng đất khó khăn này, năm 2018, Huyện ủy M’Đrắk đã hỗ trợ đầu tư xây dựng bốn phòng công vụ, với kinh phí hơn 511 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm làm theo lời Bác của cán bộ, đảng viên trong huyện. Mỗi phòng công vụ có diện tích khoảng 24m2 có đầy đủ điện, nước... tạo điều kiện cho hơn 10 giáo viên của nhà trường có nơi ở, sinh hoạt ổn định. Thầy giáo Nguyễn Đình Thi, giáo viên môn Toán của nhà trường tâm sự: “Kể từ khi được Huyện ủy hỗ trợ xây dựng phòng công vụ đến nay đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho gia đình tôi cũng như các giáo viên ở xa có nơi ăn ở, sinh hoạt khang trang, sạch đẹp nên ai cũng yên tâm công tác gắn bó lâu dài với vùng đất này”...

Mô hình “Tiết kiệm làm theo lời Bác” của Huyện ủy M’Đrắk không chỉ kịp thời hỗ trợ xây dựng các phòng học, phòng công vụ bảo đảm nơi học tập cho học sinh và nơi ăn ở, sinh hoạt cho giáo viên các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà việc làm thiết thực, ý nghĩa này còn tác động, lan tỏa mạnh mẽ đến cán bộ, hội viên các đoàn thể cùng thực hành tiết kiệm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt.

Bí thư Huyện ủy M’Đrắk Ra Lan Von Ga cho biết, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của cán bộ, đảng viên trên địa bàn, đến nay hệ thống trường học trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và phòng công vụ bảo đảm nơi ăn ở, sinh hoạt của giáo viên. Vì vậy, việc tiết kiệm làm theo lời Bác trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng trong thời gian tới sẽ chuyển sang hỗ trợ cho cán bộ, đảng viên, gia đình chính sách và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Vệc làm này nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tính nhân văn, nhân ái, thắm đượm nghĩa tình đồng chí, đồng đội, tình yêu thương con người theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Nguyễn Công Lý/nhandan.vn


Nguyễn Công Lý/nhandan.vn

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Phụ nữ làng Pốt gìn giữ nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Pốt gìn giữ nghề dệt thổ cẩm
2024-04-02 08:47:00

Nhiều năm qua, phụ nữ làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài bên khung cửi tạo ra những sản phẩm váy, áo, khăn, khố đặc sắc và truyền dạy kỹ thuật nghề...

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao
2024-03-29 15:41:00

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc...

Vấn vương câu lượn Slương

Vấn vương câu lượn Slương
2024-03-28 09:21:00

Về vùng đất thơm hương hồi, hương quế, lòng người còn say thêm câu lượn Slương của đồng bào Tày xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Làn điệu dân ca xưa thổn thức, nhớ...

Những “cột mốc sống” nơi biên cương Đắk Nông

Những “cột mốc sống” nơi biên cương Đắk Nông
2024-03-27 09:00:00

Tại các bon làng dọc biên giới tỉnh Đắk Nông, các già làng người M’nông đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần giữ vững chủ...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long