Cập nhật:  GMT+7

“Lênh đênh” nghề cá lồng

Với lợi thế về diện tích mặt nước khi có nhiều sông lớn chảy qua, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đã tận dụng được thế mạnh này để phát triển, đem lại nguồn lợi thuỷ sản, giá trị kinh tế cao... cho hàng trăm hộ dân ven sông Lô, sông Đà... Nhưng thiên tai, sự biến đổi khí hậu... liên tục diễn ra đã khiến cho nghề nuôi cá lồng ở nhiều khu vực đang lâm vào cảnh “niềm vui ngắn chẳng tày gang” với muôn vàn khó khăn cần tháo gỡ đang chờ ở phía trước...

“Lênh đênh” nghề cá lồng

Sau bão số 3, hàng chục lồng cá của các hộ trên sông Lô, địa bàn xã Hùng Lô, TP Việt Trì bị thiệt hại nặng nề, đến giờ nhiều lồng vẫn còn chưa được sửa chữa.

Tiếng thở dài của...“vua cá”

Sông Lô có nguồn lợi thuỷ sản vô cùng dồi dào và diện tích mặt nước lớn, đủ điều kiện phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Nắm bắt cơ hội, nhiều xã dọc sông như Hữu Đô, Hùng Long (Đoan Hùng); Tiên Du, Tử Đà, Bình Bộ (Phù Ninh); Hùng Lô (TP Việt Trì)... người dân mạnh dạn xuống lồng, vào giống; có nhà vay ngân hàng, vào bìa đỏ... nhân ra hàng chục thậm chí hàng trăm lồng cá, hình thành các HTX nuôi cá lồng, quy tụ hàng trăm thành viên.

Nhiều khu vực, nghề nuôi cá lồng trên sông Lô đã “định danh” được thương hiệu như Hữu Đô, Hùng Long (Đoan Hùng), Hùng Lô (TP Việt Trì)... với nhiều giống cá đặc sản như cá chiên, cá lăng, cá ngạnh, cá bỗng... được nuôi thành công, mang lại giá trị kinh tế rất cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giầu và trở thành nghề sinh sống chính của họ. Nhưng, hai ba năm trở lại đây nghề cá lắm lúc “lênh đênh” trong hành trình giúp người dân tìm lối mưu sinh trên mặt nước dòng Lô...

Thở dài khi nói về nghề, anh Lã Tiến Boong, xã Hùng Lô (TP Việt Trì) - một người nuôi cá lồng trên sông Lô, trăn trở: Nghề này càng ngày càng khó khăn anh ạ. Năm thì lũ, năm thì thuỷ điện xả nước... Việc không chủ động nguồn nước làm ảnh hưởng cực lớn đến nghề, có thể chỉ trong một đêm là mất trắng như chơi vì không kịp trở tay...

“Lênh đênh” nghề cá lồng

Cá Ngạnh- một loại đặc sản, được nuôi thả và khai thác trên sông Lô bởi nhiều nhà bè.

Từng được gọi là “vua cá ngạnh” khi cái tên Boong cá ngạnh được lưu trong danh bạ điện thoại của các nhà hàng, quán chuyên cá, Boong cho biết: Em nuôi và buôn cá từ năm 2005 nên không quán cá nào ở Việt Trì là em không biết. Hết đi buôn, Boong chuyển sang nuôi cá ngạnh lồng ở sông Lô. Giờ chỉ còn hơn chục lồng bè còn sót lại sau bão số 3 vừa qua, nhớ về thời hoàng kim, Boong thông tin: Nếu nói về cá ngạnh, thì có thời kỳ, em nuôi nhiều nhất tỉnh luôn, một năm xuất bán hàng tấn cá đi các nơi, thương lái tìm về nhiều vô kể. Không phải là giống cá đắt, nhưng ngạnh được ưa chuộng vì dễ chế biến và nấu được nhiều món ngon, đầu ra có, dễ bán nên nhà em vào cá, ra lồng liên tục.

Cũng đã từng nuôi cá chiên từ nguồn giống nhân tạo chứ không phải đánh bắt giống tự nhiên, Boong thông tin thêm: Không hiểu sao năm ngoái (năm 2023) cá chiên nuôi bỗng nhiên chết sạch, có nhà trắng lồng kể cả cá to mà không tìm ra nguyên nhân... Xót ruột lắm nhưng cũng đành... bó tay, vì con cá trên sông càng ngày nuôi càng thêm khó. Thử nghiệm nuôi đủ các loài đặc sản như chiên, bỗng, ngạnh... nhưng nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Lô đang gặp những khó khăn khó chống đỡ do thiên tai, thời tiết, sự khan cạn của các dòng sông mang đến...

Tiếng thở dài của ông “vua cá” Hùng Lô một thời buông chìm trên mặt nước đỏ ráng chiều của dòng Lô cùng những trăn trở: Nghề nuôi cá lồng vất vả lắm anh ạ. Năm thì nước cạn, năm thì bão lũ. Bão số 3 vừa qua tưởng không ảnh hưởng gì nhưng sau bão mới là thiệt hại. Xã em nhiều hộ thiệt hại nặng nề, sợ không gượng dậy được luôn. Ngay như nhà em cũng thế, may mà còn được chục lồng để duy trì nghề của nhà đã làm từ lâu.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lã Thị Tuyết Mai- Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Sau cơn bão số 3 vừa qua, 4 hộ nuôi cá lồng còn lại trên địa bàn bị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Nhiều lồng bị cuốn trôi, nhiều lồng mất trắng vì nước lũ trên sông Lô dâng cao bất ngờ. Do đó, sản lượng cá lồng thương phẩm trên địa bàn năm 2024 giảm rất mạnh và gây ra nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi khi tái đầu tư sau bão.

Anh Sơn - cán bộ Chi cục thuỷ sản (Sở NN&PTNT) thông tin thêm: Sau bão số 3, khoảng 30 lồng cá của các hộ trên địa bàn TP Việt Trì cơ bản bị thiệt hại nặng nề do nước sông dâng cao, lũ về bất ngờ.

Thông tin từ Chi cục thuỷ sản (Sở NN&PTNT), sau cơn bão số 3, toàn tỉnh có 456 lồng cá bị ảnh hưởng và thiệt hại. Chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh và TP Việt Trì. Nhiều hộ mất trắng và không có cơ hội hồi phục. Thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với nghề nuôi cá lồng toàn tỉnh lên đến hàng chục tỷ đồng và là thiệt hại lớn nhất trong vòng nhiều năm qua.

Mưu sinh cùng nỗi... bấp bênh!

Thong thả quẩy mái chèo con thuyền đánh cá trên dòng sông Đà nước xanh ngắt khi lũ đi qua gần một tháng, anh Dũng, khu 5, xã Xuân Lộc (Thanh Thuỷ) vừa liên tục rải tay lưới bóng, vừa than thở: Khó khăn lắm rồi. Trước nói đến cá lồng Thanh Thuỷ là nói đến Xuân Lộc, nhưng giờ nghề teo tóp hết cả. Mang tiếng là còn HTX nghề cá, nhưng cũng không còn nhiều hộ nuôi như dăm năm trước đâu nhà báo ạ.

Điểm lại những hộ từng mạnh dạn xuống lồng và chăn nuôi tấp nập thủa nào, anh Dũng nhẩm tính: Ngay như anh Luyện hàng xóm bè nhà tôi đây, trước có hàng chục lồng, làm ăn khấm khá lắm, nhưng sau vài năm lúc sông cạn, lúc thuỷ điện xả nước... giờ còn đúng 1 lồng, mà cũng chả chăn nuôi gì nữa đâu, cá giống cũng không vào thêm. Vì có vào thì cũng lỗ mà nghề thì ngày càng khó khăn thêm. Anh Luyện thì giờ đi làm thuê, trông công trình lấy lương tháng bên Việt Trì, lâu lắm không thấy về.

“Lênh đênh” nghề cá lồng

Ngoài làm nghề đánh cá sông để mưu sinh, anh Dũng còn chuyển đổi làm kinh tế bằng cách chế biến cá sông cho khách có nhu cầu đặt trước.

Sau các đợt khan cạn, mưa lũ và do thuỷ điện Hoà Bình xả liên tục vào các năm 2018, 2020, 2024... nghề nuôi cá lồng ở sông Đà liên tục đối mặt với nhiều khó khăn... khó khắc phục, khiến cho lồng bè giảm, người nuôi hạn chế vào cá. Vẫn anh Dũng trăn trở: Trước tôi có hơn chục lồng, làm ăn cũng được, nhưng qua nhiều năm nào thì lũ, rồi thuỷ điện xả đáy... mất nhiều nên giờ còn có 2 lồng, mà cũng hạn chế vào giống và mở rộng. Nghề nó “kiệt” rồi nên cứ ngóng xem thế nào đã rồi tính. Các hộ quanh đây và ngay cả HTX cá lồng Thanh Thuỷ cũng ít lồng bè rồi, nghề cá lồng giờ không còn thịnh như xưa. Nhiều hộ qua các đợt còn đang nợ vốn và tiền cám chưa trả hết đâu.

Không như anh Luyện còn sức khoẻ đi làm xa kiếm ăn, anh Dũng giờ quanh quẩn ở nhà, duy trì 2 lồng cá và rảnh lại làm nghề hạ bạc trên Đà giang, kiếm con cá, mớ tôm phụ thêm vào cuộc sống gia đình. Mạnh dạn hơn, anh còn chuyển đổi mô hình bằng cách nhận nấu các món cá sông từ ngay lồng bè nhà nuôi và cá đánh bắt được nên thu nhập cũng có đồng ra đồng vào, giảm bớt khó khăn trước mắt.

“Lênh đênh” nghề cá lồng

Từ có hàng chục lồng cá thời cao điểm, đến nay nhà anh Dũng, khu 5, xã Xuân Lộc chỉ còn hai lồng nhỏ duy trì cho kinh doanh hàng ăn.

“Nguy cơ mất trắng cá lồng vẫn rất cao khi không nắm bắt được kịp thời hồ thuỷ điện xả nước. Bên cạnh đó, sông ngày càng khan cạn, có nước nhưng mực nước thấp, không ổn định cùng biến đổi khí hậu mạnh mẽ đang là những khó khăn mà người nuôi cá lồng phải đối mặt, nhất là bên sông Đà mạn Thanh Thuỷ’’ - anh Boong nhẩm tính những khó khăn hiện hữu với người nuôi cá lồng và nhấn mạnh thêm về sự ổn định của thị trường. Anh cho biết: Chăn nuôi trên sông luôn cực kỳ phức tạp và tốn kém, thị trường mà không ổn định về giá và đầu ra cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà bè.

Dù vẫn muốn phát triển nghề, nhưng “thiên tai” và biến đổi khí hậu luôn là mối đe dọa thường trực với người nuôi cá lồng. Để nghề nuôi cá lồng trên sông bớt “lênh đênh”, thì bên cạnh sự hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi của các ngành liên quan, đặc biệt là ngành thuỷ sản vẫn cần có một chiến lược dài hơi, bài bản và khoa học cho nghề này. Bởi như lời anh Dũng thì: Cứ trông chờ vào tự nhiên rồi lại bị thiên nhiên đe dọa, thiệt hại liên tiếp thiệt hại, chẳng mấy chốc không còn ai dám làm nghề nuôi cá lồng trên sông nữa.

Toàn tỉnh còn hơn 1.400 lồng cá trên các sông và hồ, đập. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, nước sông khan cạn, mưa lũ cục bộ, thay đổi dòng chảy đã gây ảnh hưởng lớn đến nghề. Theo khuyến cáo của Chi cục Thuỷ sản, để duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng, các hộ nên đẩy mạnh chuyển dịch thâm canh theo mô hình cá sông trong ao, hồ, đập; tăng cường vào các giống đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; chú trọng chuỗi liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp tiêu thụ và các hộ chăn nuôi bên cạnh việc hình thành các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi để hỗ trợ về kinh nghiệm, vốn, giống từ đó tăng giá trị sản phẩm gắn với ổn định và tiến tới tìm đầu ra cho các sản phẩm.

Quốc Hội


Quốc Hội

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Kỳ I: Muôn nẻo đường vi phạm

Kỳ I: Muôn nẻo đường vi phạm
2024-12-11 08:30:00

baophutho.vn Thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ liên quan đến thanh, thiếu niên, học sinh có những diễn biến phức...

Những “nhà thiết kế” ươm mầm xanh

Những “nhà thiết kế” ươm mầm xanh
2024-11-30 14:29:00

baophutho.vn Giáo viên mầm non không chỉ là những người chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, dạy bảo lời ăn tiếng nói cho trẻ, trên hành trình ươm những mầm xanh,...

Ươm niềm hy vọng, chắp cánh ước mơ

Ươm niềm hy vọng, chắp cánh ước mơ
2024-11-30 09:03:00

baophutho.vn Giáo dục hòa nhập là chủ trương tiến bộ khi mang tới cho học sinh khuyết tật sự bình đẳng và cơ hội học tập. Thực tế, nhiều học sinh khuyết tật...

Nghề may về làng

Nghề may về làng
2024-11-09 09:28:00

baophutho.vn Vốn là vùng quê thuần nông, nhưng những năm gần đây huyện Cẩm Khê phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,...

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ
2024-10-20 08:59:00

baophutho.vn Như bao đứa trẻ khác, trẻ tự kỷ cũng có tình cảm, nhận thức, cảm xúc... nhưng khó hoặc không thể bộc lộ một cách bình thường. Hiện chưa xác...

Mùa dổi chín

Mùa dổi chín
2024-10-06 08:01:00

baophutho.vn Hàng năm, cứ vào tầm tháng 9, tháng 10, hai em Bùi Văn Thọ, xã Xuân Đài và Hà Văn Toàn, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn lại chuẩn bị dụng cụ, đồ...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long