Cập nhật:  GMT+7

Mở hướng tương lai

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, cung cấp nguồn lao động cho xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo và cân đối nguồn nhân lực. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh cũng như đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp (GDHN) đã giúp nhiều học sinh THCS, THPT nhận thức đúng đắn, chủ động định hướng nghề nghiệp tương lai.

Mở hướng tương lai

Giờ thực hành của lớp Kỹ thuật lạnh K37C, Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.

Chủ động phân luồng, tuyển sinh

Nhằm tạo bước đột phá về chất lượng GDHN, góp phần phân luồng học sinh sau THCS, thời gian qua, ngành GD&ĐT huyện Phù Ninh đã thực hiện tốt Đề án GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, trong đó Trường THCS Vĩnh Phú là điểm sáng. Năm học 2023-2024, Trường THCS Vĩnh Phú có 329 học sinh, trong đó 67 học sinh khối lớp 9 chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Công tác định hướng phân luồng đối với học sinh cuối cấp được nhà trường thực hiện thường xuyên với hình thức, phương pháp đổi mới mang hiệu quả tích cực.

Thầy giáo Cao Hữu Tài - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Với đặc thù 100% học sinh là con em thuần nông, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nên chúng tôi xác định công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS rất quan trọng, giúp các em nắm bắt cơ hội phát triển năng lực của mình, lựa chọn hướng đi phù hợp cho tương lai”.

Năm nay, em Nguyễn Trung Kiên - học sinh lớp 9A quyết định không đăng ký dự thi vào THPT như các bạn trong khối mà lựa chọn sẽ học nghề do năng lực và hoàn cảnh gia đình. Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Cháu nhận thức rằng với lực học trung bình của mình mà tiếp tục học lên THPT thì rất khó. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình cháu khó khăn. Bố đi làm ăn xa, mẹ cháu làm công nhân nuôi ba anh em ăn học. Cháu nghĩ rằng, nếu mình chăm chỉ rèn luyện theo đuổi ước mơ trở thành thợ lành nghề thì chỉ sau 3 năm học, sẽ vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có bằng văn hóa giúp cháu yên tâm tìm cho mình việc làm phù hợp để đỡ đần bố mẹ”.

Khi các trường đại học “nới” rộng chỉ tiêu với điều kiện xét tuyển tạo thuận lợi cho người học thời gian qua lại chính là những trở ngại khiến công tác tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm GDNN gặp khó. Từ thực trạng đó, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực chủ động đổi mới trong công tác tuyển sinh và liên kết đào tạo nhằm mang lại kết quả cao nhất. Là cơ sở đào tạo đa ngành nghề và bậc học, Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ hiện đào tạo 10 nghề cao đẳng, 12 nghề trung cấp và 18 nghề sơ cấp.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Toàn - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay, các cơ sở GDNN phải tự thân vận động, thay vì chọn giải pháp giảm chỉ tiêu, nhà trường phải tìm lối đi mới trong công tác tuyển sinh. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trường còn cử cán bộ, nhân viên đến trực tiếp các trường phổ thông, địa phương, gia đình để truyền thông tuyển sinh. Chúng tôi quan tâm đến đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, ưu tiên đào tạo cho người dân vùng sâu vùng xa. Không chỉ trực tiếp đến các địa bàn vùng cao trong tỉnh như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, cán bộ tuyển sinh của trường còn lên các tỉnh Lai Châu, Sơn La để đón học sinh về trường”. Nhờ đó, vài năm gần đây, Trường liên tục tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành và các đơn vị có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2799/KH-UBND ngày 25/6/2019 về việc thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường THCS phối hợp với các cơ sở GDNN trên địa bàn tổ chức dạy nghề phổ thông, trong đó khuyến khích dạy nghề truyền thống của địa phương, dạy nghề gắn liền với nhu cầu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh và các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện tăng cường liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh để tổ chức cho học sinh học bổ túc THPT kết hợp với học trung cấp, học nghề. Cùng với việc giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường và trung tâm, Sở còn thường xuyên theo dõi, đánh giá chất lượng GDHN, định hướng phân luồng học sinh sau THCS trên toàn tỉnh, từ đó rút kinh nghiệm để có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Mở hướng tương lai

Giáo viên Trường THCS Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Đáp ứng nhu cầu người học

Xã hội phát triển kéo theo sự đa dạng về lựa chọn ngành nghề. Vì vậy, xu hướng chọn việc làm của giới trẻ hiện nay cũng có sự thay đổi rõ rệt so với thế hệ trước.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Trần Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Theo xu hướng phát triển hiện nay, nghề nghiệp ngày càng trở nên đa dạng với nhiều ngành nghề ở các lĩnh vực mới. Nếu như trước đây, các bạn trẻ vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ cha mẹ và bạn bè trong việc lựa chọn ngành học hoặc nhiều bạn trẻ chạy theo ngành nghề “hot” - những ngành nghề có lượng người lựa chọn nhiều, chưa tìm hiểu rõ ràng và gắn với năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội, dẫn đến hiện tượng dư thừa nhân lực, nhiều người không có việc làm trong khi có ngành nghề lại thiếu nhân lực. Thì ngày nay, giới trẻ đã có sự thay đổi theo nhiều hướng tích cực hơn. Họ biết tìm hiểu kỹ càng về ngành nghề qua các phương tiện công nghệ, tham khảo và biết tìm công việc theo nhu cầu xã hội, phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân, xác định được ngành nghề phù hợp và dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn cũng như có tương lai phát triển sau này”.

Sau nhiều năm thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, công tác phân luồng học sinh sau THCS đã có bước chuyển biến tích cực. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở GDNN chiếm trên 18% và đạt gần 9% đối với học sinh sau tốt nghiệp THPT. Quy mô học sinh học văn hóa cấp THPT kết hợp học trung cấp cũng có xu hướng tăng. Các cơ sở giáo dục được cấp phép thực hiện mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề đã tích cực tuyên truyền thu hút người học ngay sau khi tốt nghiệp THCS vào học văn hóa cấp THPT, kết hợp học trình độ trung cấp tại các cơ sở GDNN. Việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế, tránh tình trạng lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề nghiệp. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”. Màng lưới cơ sở GDNN được phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được tăng cường đầu tư; chương trình, giáo trình đào tạo được chỉnh sửa bổ sung theo quy định phù hợp nhu cầu thực tiễn. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo các cơ sở GDNN được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Chất lượng đào tạo được nâng lên. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm ngày càng tăng.

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phân luồng học sinh phổ thông cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, giúp học sinh có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương.

Với những giải pháp cụ thể, mục tiêu đảm bảo phân luồng học sinh sẽ tạo bước đột phá về chất lượng GDHN trong giáo dục phổ thông, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Hồng Nhung


Hồng Nhung

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Điểm khảo sát lớp 9 trung bình đạt 5,64

Điểm khảo sát lớp 9 trung bình đạt 5,64
2024-05-08 14:07:00

baophutho.vn Sở GD&ĐT vừa tổ chức khảo sát chất lượng đối với học sinh lớp 9 THCS năm học 2023-2024. Trong đó điểm trung bình 3 môn (Toán, Ngữ văn,...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long