Cập nhật:  GMT+7

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Nền an ninh nhân dân “là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Xe mô hình chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tiến qua lễ đài tại Tổng duyệt ngày 5/5/2024 Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

1. Trong lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, nguyên tắc gắn bó mật thiết với nhân dân được Đảng cụ thể hóa thành định hướng chiến lược: Xây dựng nền an ninh nhân dân trở thành nghệ thuật huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng xây dựng nền an ninh nhân dân được thể hiện trong đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng, bắt đầu từ huy động sức mạnh quần chúng trong phong trào “ba không”, “phòng gian bảo mật” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào “bảo vệ trị an” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” sau này. Tư tưởng ấy còn được thể hiện qua việc xây dựng, giáo dục, rèn luyện lực lượng công an để “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”(2). Trên cơ sở đó, tư tưởng xây dựng và phát huy sức mạnh của nền an ninh nhân dân tiếp tục được khẳng định, bổ sung, phát triển, hoàn thiện qua các kỳ đại hội của Đảng, có tính lịch sử, hệ thống, tính cách mạng, khoa học sâu sắc và được đặt trong tổng thể tư duy lý luận về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

2. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân, vai trò nòng cốt của quân đội nhân dân và công an nhân dân. 70 năm trôi qua, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn luôn hiện hữu, khẳng định là thắng lợi của thế trận chiến tranh nhân dân. Trong đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng là sự gắn kết chặt chẽ giữa “thế trận lòng dân” với thế trận quốc phòng-an ninh trên nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.

Thắng lợi của một chiến dịch quân sự, trước hết là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng, phương châm tác chiến. Bên cạnh đó, điều không kém phần quan trọng là việc giữ được bí mật và chủ động chuẩn bị mọi tiềm lực vật chất, tinh thần cho trận đánh. Hai yếu tố này liên quan mật thiết đến nhau. Giữ bí mật sẽ giành được thế chủ động chiến lược, đặt ta vào thế hiểu địch, địch không hiểu ta. Giữ bí mật cũng là để ta chủ động chuẩn bị huy động mọi điều kiện vật chất và tinh thần. Ngược lại, chủ động chuẩn bị mọi tiềm lực cũng phải được tiến hành một cách bí mật và là điều kiện bảo đảm chiến dịch đi đến thắng lợi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hai yếu tố này được thực hiện chủ động, tích cực, đem lại hiệu quả. Chính việc xây dựng nền an ninh nhân dân có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm bí mật chiến dịch và chủ động chuẩn bị mọi điều kiện phục vụ chiến dịch.

Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở xây dựng và phát huy sức mạnh của quần chúng trong nền an ninh nhân dân, lực lượng công an đã làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng, chống các hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch và xác định rõ đây là yếu tố bảo đảm bí mật, an toàn cho chiến dịch. Lực lượng công an tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, làm rõ những vấn đề nghi vấn, đưa ra khỏi nội bộ những người không đủ tiêu chuẩn chính trị. Phát huy hiệu quả công tác dân vận trong đấu tranh chống gián điệp, biệt kích; phát triển sâu rộng, thiết thực phong trào “phòng gian bảo mật”, “ba không”, góp phần giữ bí mật, bảo vệ an toàn cho chiến dịch. Trước những khó khăn trong công tác hậu cần phục vụ chiến dịch do tuyến vận tải qua nhiều tỉnh, địa hình phức tạp, địch vừa tập trung thu thập thông tin về ta, vừa đánh phá ác liệt, Ban Công an tiền phương đặt các đồn, trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại, tổ chức các đội tuần tra vũ trang kiểm soát trên các tuyến đường lên Điện Biên Phủ.

Công tác chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng công an đã được chú trọng, triển khai đồng bộ, tạo niềm tin, động lực cho cán bộ, chiến sĩ; huy động tối đa lực lượng tham gia bảo vệ chiến dịch trên mọi lĩnh vực, với nhiều nhiệm vụ cụ thể khác nhau, từ bảo vệ lực lượng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân; bảo vệ bí mật quân sự, quá trình chuẩn bị chiến dịch; thuần khiết lực lượng tham gia phục vụ chiến dịch, thực hiện các biện pháp phản gián; bảo vệ lãnh tụ của Đảng, Nhà nước; bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, bến bãi, khu tập kết lực lượng, vũ khí, khí tài, bảo vệ hậu phương, khu vực giải phóng. Cùng với các cấp, các ngành, Ban Công an tiền phương đã vận động, huy động quần chúng tham gia góp sức tải thương, tải đạn, bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ chiến dịch, phát huy mức cao nhất yếu tố lòng dân, tạo nên thế trận “cả nước đánh giặc”, “trăm họ ai cũng là binh”, cùng với thế trận chiến tranh nhân dân trở thành phòng tuyến bảo vệ thiết yếu.

Với những biện pháp tích cực và chủ động, nền an ninh nhân dân đã được xây dựng trên cơ sở sức mạnh của quần chúng nhân dân, trong đó quân-dân đồng lòng bảo đảm bí mật và huy động tối đa mọi tiềm lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi thế, mặc dù trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có, nhưng chính “thế trận lòng dân” vững chắc trên nền an ninh nhân dân gắn chặt với nền quốc phòng toàn dân đã trở thành một trong những vũ khí sắc bén trong cuộc quyết chiến chiến lược này.

3. Công cuộc đổi mới đất nước đã trải qua gần 40 năm và giành được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; những nhân tố tác động đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đang diễn biến phức tạp. Trong mọi thời kỳ, xây dựng và phát huy sức mạnh của nền an ninh nhân dân luôn là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia. Phát huy tinh thần và ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, để tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh, cần tập trung vào một số công tác trọng tâm sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp cần nhận thức thống nhất, đầy đủ tính chất, tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, trong đó lực lượng công an làm tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện.

Hai là, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; ngăn ngừa nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp có liên quan trực tiếp đến lợi ích chính đáng của người dân, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ba là, để xây dựng, củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên cơ sở nền tảng của “thế trận lòng dân” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lực lượng công an và quân đội phải phát huy hơn nữa hiệu quả của mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng trên các lĩnh vực công tác. Trong đó, đặc biệt chú ý đến yếu tố “lòng dân”, “thế trận lòng dân”, để “thế trận lòng dân” trở thành sức mạnh nội sinh từ bên trong, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân; trên cơ sở đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trọng tâm là các địa bàn chiến lược; tuyến biên giới, biển đảo; vùng dân tộc, tôn giáo; các khu kinh tế tập trung, các đô thị lớn. Đổi mới nội dung và phương pháp, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận; lấy suy nghĩ, việc làm, hành động trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ làm cơ sở, nền tảng; phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân để vận động, thuyết phục, hướng dẫn nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.

Năm là, tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng người cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân; hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “mốc vàng” chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn chặt với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân để tạo thành thế trận tổng hợp vững mạnh đem đến thắng lợi trong chiến dịch này có giá trị hết sức to lớn và có ý nghĩa trường tồn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

(1) Điều 3, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005, tr8.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.498.

Nguồn nhandan.vn


Nguồn nhandan.vn

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Phát huy vai trò đảng viên nơi cư trú

Phát huy vai trò đảng viên nơi cư trú
2024-11-21 09:21:00

baophutho.vn Thực hiện Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ...

Nữ quân nhân bản lĩnh, sáng tạo

Nữ quân nhân bản lĩnh, sáng tạo
2024-05-05 18:35:00

baophutho.vn Không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực cố gắng, vượt qua chính mình để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Thiếu tá, quân...

Kiên định niềm tin

Kiên định niềm tin
2024-05-04 15:29:00

baophutho.vn Liên tiếp các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử với nhiều quan chức, cựu quan chức “nhúng chàm”, vướng vòng lao lý. Danh sách cán bộ, đảng...

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long