Trước mái đình Xoan
Đình An Thái - ngôi đình cổ có từ thời Hùng Vương dựng nước, nay thuộc làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì - vừa là không gian sinh hoạt văn hóa, vừa là nơi khôi phục, giữ gìn và bảo vệ “Hát Xoan Phú Thọ” - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đối với các thế hệ nghệ nhân Hát Xoan, đặc biệt là những đào kép nhí của phường Xoan An Thái, Đình An Thái là nơi vui chơi, luyện tập, cũng chính là sân khấu biểu diễn, là niềm tự hào gắn liền với tuổi thơ của các em.

Sân đình vào một chiều mùa hạ, lớp Xoan nhí của phường Xoan An Thái do Trùm phường Xoan - Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch dìu dắt đang học một bài Xoan cổ. Mỗi nhịp trống, tay đưa đều được các nghệ nhân chỉ dạy tỉ mỉ.

Kép nam có hai em, một người có nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), người còn lại làm nhiệm vụ đệm trống.

Đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp và múa...

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch cho biết, lớp Xoan nhí của phường hiện có gần 20 em trong độ tuổi từ 6-15. Mỗi dịp hè, các lớp Xoan được mở để truyền dạy, nhằm đảm bảo việc học tập trong năm học của các em.

Theo lời nghệ nhân, sở dĩ lớp học được tổ chức tại sân đình bởi Hát Xoan còn có tên gọi khác là khúc môn đình (hát cửa đình). Vậy nên, đây là không gian diễn xướng lý tưởng nhất để truyền dạy và học Hát Xoan cho các thế hệ.

Có lẽ do được sinh ra trong một cái “nôi Xoan” từ nhỏ, nên các làn điệu Xoan cứ âm thầm ngấm vào các đào kép nhí, để đến khi được chỉ dạy bàn bản, tình yêu với mỗi câu Hát Xoan đã dẫn các em đến niềm say sưa múa hát nơi cửa đình.


Tình yêu ấy còn gắn kết các em với nhau, trở thành một thứ tình cảm thắm thiết.

Trước mái đình Xoan, không chỉ có hình ảnh các em say mê trong các làn điệu quả cách...


Mà còn là nơi đầy ắp tiếng cười trẻ thơ...
Phương Thúy - Anh Vân