Cập nhật:  GMT+7

Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng - 80 năm dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng

Lịch sử xây dựng và chiến đấu của quân đội ta trước hết là lịch sử Đảng ta xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang. Hồ Chủ tịch nói “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội Nhân dân do Đảng ta xây dựng. Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Đường lối cách mạng, đường lối quân sự của Đảng là nguồn gốc quyết định sự ra đời, trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta. trong suốt 80 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn xứng đáng là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.

Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng - 80 năm dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng

Duyệt đội ngũ tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2024 của Bộ CHQS tỉnh.

Lịch sử đã minh chứng: Ngay từ Đại hội lần thứ Nhất của Đảng (tháng 9/1935) đã có Nghị quyết xác định bản chất giai cấp, bản chất cách mạng của đội tự vệ và khẳng định “công nông cách mạng tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương quân ủy, của Đảng cộng sản”. Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì xác định trên cơ sở các tổ chức chính trị rộng rãi vững chắc của quần chúng cách mạng mà tổ chức ra lực lượng vũ trang vững mạnh. Sau khi kiểm tra đánh giá tình hình hoạt động đấu tranh vũ trang của Nhân dân Cao- Bắc- Lạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Theo đó ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Bác Hồ ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, tuyên bố thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) và giao nhiệm vụ cho Đội đối với Tổ quốc và Nhân dân.

Chấp hành Chỉ thị “Phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập đội VNTTGPQ đã mưu trí táo bạo bất ngờ tiêu diệt gọn 2 đồn Phai Khắt (17h ngày 25/12/1944) và đồn Nà Ngần (7 giờ ngày 26/12/1944) bắt toàn bộ binh lính trong đồn và thu toàn bộ vũ khí. Thắng lợi này đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta. Sau chiến thắng, Đội VNTTGPQ vừa củng cố xây dựng lực lượng vừa tiến công địch giải phóng nhiều vòng rộng lớn, cổ vũ Nhân dân tin tưởng vào Đảng xây dựng căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Từ ngày 15 đến 20/4/1945 Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ quyết định thống nhất Cứu quốc quân và VNTTGPQ cùng các tổ chức vũ trang khác thành lập Việt Nam giải phóng quân. Ngày 15/5/1945 Lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân được tổ chức tại Định Biên Thượng (Chợ Chu Thái Nguyên). Theo Lệnh tổng Khởi nghĩa của Trung ương Đảng, của Tổng bộ Việt Minh và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả nước đứng dậy, toàn dân vùng lên triệu người như một cùng với Việt Nam giải phóng quân và tự vệ du kích các địa phương tạo thành bão táp cách mạng cuồn cuộn nổi lên khắp cả nước, chỉ trong vòng 12 ngày (từ 14 đến 25/8/1945) Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi trong cả nước. Chính quyền cách mạng được thành lập từ Trung ương đến khắp các thôn, xã.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ra đời. Cũng từ đó giải phóng quân Việt Nam trở thành quân đội của Nhà nước VNDCCH với tên gọi Vệ quốc đoàn.

Ngày 23/9/1945, Thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Được lực lượng vũ trang làm nòng cốt, cuộc đấu tranh và nổi dậy của Nhân dân ta ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã làm thay đổi cục diện chính trị quân sự đưa cuộc kháng chiến ở miền Nam sang một thời kỳ mới.

Ngày 22/5/1946, theo Sắc lệnh 71, Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia với biên chế tổ chức thống nhất theo từng Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội, tổng quân số lên đến 8 vạn người. Tháng 11/1946, Quân sự ủy viên hội thống nhất với Bộ Quốc phòng thành Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng, đồng thời Trung ương Đảng quyết định thành lập các khu ủy, các ủy ban bảo vệ gồm các đại biểu chính được tổ chức ở các khu, tỉnh, thành phố. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đêm 19/12/1946 quân và dân ta đồng loạt nổ súng đánh quân xâm lược Pháp tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Sau gần 2 tháng chiến đấu, cán bộ chiến sỹ liên khu I đã bảo vệ Trung ương Đảng và Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội và xây dựng căn cứ địa Việt Bắc thực hiện trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Ngày 12/6/1947, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quân sự lần thứ 3 đề ra kế hoạch hoạt động để “phá sự chuẩn bị tiến công mùa đông của địch” sau hơn 2 tháng chiến đấu kiên cường, dũng cảm quân và dân ta đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược của 120.000 quân viễn chinh Pháp lên Việt Bắc. Ngày 15/1/1948, trong không khí phấn khởi của quân và dân ta sau chiến thắng Việt Bắc, Hội nghị BCH Trung ương Đảng mở rộng họp quyết nghị “thực hiện và phát triển chiến tranh Nhân dân... nâng cao trình độ kỹ thuật quân sự và nghệ thuật tác chiến cho bộ đội...”. Ngày 7/4/1949, Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương, sắc lệnh quy định rõ “Quân đội quốc gia Việt Nam có 2 phần: Quân đội chính quy và quân địa phương. Tháng 8/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân”. Bộ tổng chỉ huy ra quyết định hợp nhất các đơn vị cảnh vệ tỉnh, huyện với đội du kích tập trung để xây dựng bộ đội địa phương. Đến năm 1950, từ khu 4 trở ra đã có 45.000 người, mỗi huyện có 1 Đại đội, mỗi tỉnh có 1 Tiểu đoàn (1 số tỉnh 2 Tiểu đoàn). Thực hiện Nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 về “Xây dựng một Quân đội Nhân dân ngày càng tinh nhuệ, ngày càng chính quy hóa...”, ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121 tổ chức Bộ Tổng tư lệnh gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị và Tổng cục cung cấp. Sau khi chỉnh huấn, chỉnh quân, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở các chiến dịch: Biên giới (tháng 6/1950) tiêu diệt 2 Binh đoàn cơ động của Pháp, tiêu diệt và bắt sống 8.000 tên địch thu toàn bộ vũ khí trong bộ. Đây là chiến dịch tiến công có quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta. Từ ngày 11/2 đến 19/2/1951 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 khẳng định “Quân đội Việt Nam là Quân đội Nhân dân, từ Nhân dân tổ chức ra, được Nhân dân nuôi nấng giúp đỡ, vì Nhân dân mà chiến đấu”. Sau các chiến thắng liên tiếp như chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào..., tháng 9/1953 Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Ngày 6/12/1953 Bộ Chính trị nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngày 7/5/1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho quân đội phất cao trên Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải ký kết tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương thừa nhận tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng - 80 năm dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng

Đại đội Trinh sát - Cơ giới, Bộ CHQS tỉnh biểu diễn võ thuật. Ảnh: Huy Thắng

Tháng 3/1957, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) mở rộng đã xác định nhiệm vụ của Quân đội nhân dân (QĐND) trong giai đoạn mới là bảo vệ công cuộc củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên CNXH, sẵn sàng đập tan âm mưu xâm lược của Đế quốc Mỹ và tay sai, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ trong cả nước. Hội nghị chủ trương xây dựng QĐND hùng mạnh, từng bước tiến lên chính quy hiện đại.

Ngày 13/1/1959 BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 15 ra Nghị quyết về “Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà” chính thức phát động đấu tranh vũ trang đi đôi với đấu tranh chính trị. Ngày 15/2/1961 các lực lượng vũ trang ở miền Nam được thành lập với tên gọi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam theo Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Quân ủy Trung ương QĐND Việt Nam. Từ đó Quân giải phóng Miền Nam liên tiếp mở các cuộc tiến công với quy mô khác nhau, kết hợp đấu tranh chính trị mà cao trào là các phong trào đồng khởi đã tạo bước ngoặt Chiến lược chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công địch làm thất bại hoàn toàn Chiến lược “Chiến tranh đơn phương” buộc Đế quốc Mỹ phải chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Ngày 6/12/1962 Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam họp, khẳng định “Ta phải có khả năng kiềm chế và thắng địch trong Chiến tranh đặc biệt nhưng phải sẵn sàng đối phó với mọi hoạt động phiêu lưu mạo hiểm của Đế quốc Mỹ...”. Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương mở đợt hoạt động Đông Xuân 1964 - 1965 trên khắp chiến trường miền Nam và giành được những chiến thắng giòn giã nổi bật là Chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài... Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Trước tình hình đó, Đế quốc Mỹ phải ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam chuyển sang Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Trên miền Bắc, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với quy mô ngày càng mở rộng.

Ngày 25/3/1965, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp xác định “xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng Miền Nam”. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội nước VNDCCH thông qua Luật Tổng động viên cục bộ, đến cuối năm 1966 tổng quân số của QĐND Việt Nam có khoảng 690.000 người, trong đó 60.000 là bộ đội chủ lực. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn.

Ở miền Nam, quân giải phóng đã đánh phủ đầu quân Mỹ bằng những chiến dịch kinh điển như Núi Thành (3/1965), Vạn Tường (8/1965), Plâyme (11/1965)... cho đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, ở 37 trong tổng số 44 tỉnh, 5 trong 6 đô thị, 64 trong 242 quận lỵ và lan khắp các “ấp chiến lược” ở vùng nông thôn. Thắng lợi toàn diện của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã mở ra bước ngoặt mới của chiến tranh làm phá sản “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Bắc trong hơn 4 năm (Từ tháng 8/1964 đến tháng 11/1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.230 máy bay Mỹ bắt sống hàng nghìn giặc lái...

Thắng lợi của 2 miền Nam Bắc buộc Đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom ở miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra) chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” theo học thuyết mới của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Để đánh thắng chiến lược mới của Mỹ - Ngụy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chiến dịch lớn như Chiến dịch phản công ở Đường 9 Nam Lào (1/1971), chiến dịch tiến công chiến lược năm 1972 đánh gãy xương sống của “Học thuyết Nixon” và làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thất bại ở miền Nam, Mỹ phong tỏa ném bom trở lại toàn miền Bắc và tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng B52 mang tên “Line Backer II” từ đêm 18 đến 30/12/1972 vào thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, quân và dân miền Bắc đã anh dũng kiên cường đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, bắn rơi 81 máy bay. Dư luận thế giới coi đây là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ngày 30/12/1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/2/1973.

Ngày 29/3/1973, quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Dù đã ký Hiệp định Pari nhưng chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ không hề chấm dứt với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ mà không có Mỹ. Trước tình hình trên, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp ngày 28/1/1973 đã đề ra nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, mở đường tiến lên giành toàn thắng. Thực hiện nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương chỉ đạo xây dựng các binh đoàn chiến lược, cơ sở vật chất trang bị hậu cần chiến lược trên khắp các mặt trận và mở một loạt các cuộc phản công và tiến công làm cho tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng.

Từ ngày 18/12/1973 đến ngày 7/01/1974, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng quyết định kế hoạch giải phóng miền Nam lấy Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột là chiến dịch mở màn. Vào lúc 01h55’ sáng ngày 10/3/1975, quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột; một trận đánh then chốt điểm huyệt làm cho ngụy quân, ngụy quyền choáng váng liên tục mắc những sai lầm chiến lược.

Từ ngày 21- 29/3/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã tiến hành chiến dịch Huế - Đà Nẵng đập tan căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch, cùng với thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên quân và dân ta đã giải phóng hơn nửa đất đai và dân số toàn miền Nam. Các lực lượng vũ trang giải phóng trưởng thành vượt bậc, tạo thế trận mới, thời cơ mới để Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975, đồng thời thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, chiến dịch mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Đây là chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử QĐND Việt Nam.

Đúng 17h00 ngày 26/4/1975 trận tổng công kích bắt đầu. 11h30’ ngày 30/4/1975 lá cờ cách mạng cắm lên nóc Dinh Độc lập, thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân lực Việt Nam cộng hòa với hơn 1 triệu quân, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh; đập tan bộ máy chính quyền Việt Nam cộng hòa từ trung ương đến cơ sở, xóa bỏ ách thống trị thực dân mới của Đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình thống nhất đất nước không lâu năm 1977, quân đội ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình” đã đập tan tập đoàn phản động Pônpốt Iêng Xary ngăn chặn họa diệt chủng và hồi sinh đất nước Campuchia xây dựng cuộc sống mới. Tiếp theo, tháng 2/1979, quân và dân ta lại tiến hành cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đánh thắng kẻ thù xâm lược giữ vững chủ quyền và biên cương của Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện Cương lĩnh và nghị quyết của Đảng thông qua các kỳ Đại hội từ Đại hội Đảng VI đến Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, QĐND Việt Nam đã có những bước trưởng thành lớn mạnh theo hướng cách mạng chính quy tinh nhuệ từng bước hiện đại làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó các Nghị quyết tại Đại hội XII và XIII của Đảng xác định “xây dựng QĐND cách mạng chính quy tinh nhuệ từng bước hiện đại trong đó có một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại...” đồng thời với việc xây dựng quân đội về tổ chức “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, đến nay về cơ bản tổ chức quân đội được điều chỉnh phù hợp với quyết tâm Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất trong thời kỳ mới.

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam Anh hùng, chúng ta có quyền tự hào về “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội của dân xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa

Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tự hào dưới bóng quân kỳ

Tự hào dưới bóng quân kỳ
2024-12-22 08:29:00

baophutho.vn Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam bằng tài năng, trí tuệ, lòng dũng...

Phát huy hiệu quả của chi bộ quân sự cấp xã

Phát huy hiệu quả của chi bộ quân sự cấp xã
2024-12-20 10:54:00

baophutho.vn Xây dựng chi bộ quân sự (CBQS) xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) vững mạnh toàn diện nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực...

Giúp ngư dân hiểu luật, tự tin vươn khơi

Giúp ngư dân hiểu luật, tự tin vươn khơi
2024-12-20 08:34:00

Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã bám sát mục tiêu, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), góp phần...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long