{title}
{publish}
{head}
Có dịp quay lại Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) vào một ngày đầu tháng năm. Lần này không có những thửa ruộng bậc thang sóng sánh ánh vàng lúa chín, mà lại là một quang cảnh vùng non cao hoang sơ và trầm mặc.
Tả Lèng mùa nước đổ. Ảnh Công Vũ
Ở Tả Lèng, mỗi năm người ta chỉ có thể thấy ruộng bậc thang một lần xanh ngát, một lần vàng óng và một lần lấp lánh nước đổ ải. Chỉ một khoảng ruộng ấy thôi mà mỗi lần đến lại ngỡ ngàng trước những khuôn hình rất khác nhau. Như thể mỗi lần tới lại thấy sơn nữ đẹp ấy khoác bộ váy mới. Và tôi mỗi lần đến với Tả Lèng đều như biết yêu lần đầu.
Cứ mỗi độ Thu về, lúa bắt đầu mọng hạt. Đến tầm tháng chín là từng thửa ruộng bậc thang lại lần lượt đổ vàng. Mỗi bậc thang là một khuôn ruộng chạy dài theo lưng đồi, lưng núi. Ban đầu còn lẫn những ô xanh xen kẽ giữa ô vàng. Cho đến khi tất cả đều vàng óng lên giữa ánh nắng Thu ngọt ngào như mật.
Ấy là lúc mùa Thu chín. Đi qua những thửa ruộng bậc thang, dường như bao nhiêu giác quan đều được nuôi dưỡng bởi cái đẹp, cái hùng vĩ, cao cả. Từng bậc thang lên xuống tầng tầng lớp lớp như những chiếc váy Mông đơn sắc vàng xanh đang phơi trên bờ rào đá. Gió thổi qua, tất cả sóng sánh giữa một bên núi cao, một bên thung lũng. Gió mang theo hương thơm ngọt ngào của núi đi khắp không gian trong trẻo, mát lành. Đứng giữa nơi này, không chỉ thấy sự mênh mang mà còn thấy phơi phới nguồn nhựa sống đang sinh sôi từ đại ngàn đất núi, thấy sự hi vọng, niềm tin về sự no đủ. Thấy cả sự kì vĩ và sức mạnh tôn tạo thiên nhiên của người dân nơi đây.
Người Mông trên núi Tả Lèng này không sống nhanh, sống vội. Họ hài hoà, thuận theo nhịp của tự nhiên. Sau khi gặt hết mùa vàng vào khoảng tháng chín, tháng mười thì cả vùng ruộng bậc thang này sẽ để hoang. Đi ngang qua chỉ thấy rau má, hoa vỏ ốc, hoa ngũ sắc... mọc tím trải dài. Người nông dân phải chờ đến tận tháng năm, tháng sáu sang năm để đón mùa nước đổ vào ruộng và bắt đầu một vụ mùa mới.
Nếu mùa vàng ở đây vui nhộn bao nhiêu, thì mùa nước đổ Tả Lèng lại trở nên hoang sơ, trầm mặc bấy nhiêu. Những cơn mưa đầu Hè từ khoảng tháng tư giúp khơi nguồn những mạch nước, mạch sống cho những ruộng bậc thang đang trơ gốc rạ, nứt nẻ suốt nửa năm qua. Những giọt nước được chắt ra từ rừng, từ núi cao, rồi theo các khe, ống nhỏ dẫn vào ruộng bậc thang. Nước ở bậc trên tràn xuống bậc dưới. Tràn cho đến hết bậc thang thấp nhất.
Đất ruộng phải ngập nước, phải ngâm cho đủ ẩm, đủ mềm thì mới có thể cày bừa rồi bắt đầu cấy mạ non. Cái khoảng thời gian nước tràn vào từng ô ruộng bậc thang ấy ngắn thôi, nhưng người ta vẫn gọi là một “mùa”: Mùa nước đổ. Cái tên nghe đã thấy mênh mang, đầy xao xuyến.
Vào mùa nước đổ, ruộng bậc thang ở Tả Lèng như một chiếc váy Mông thổ cẩm nhiều màu sắc. Buổi sáng, khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống, ánh trên mặt nước loang loáng những sắc đỏ, cam, vàng. Nhưng chỉ cần mặt trời trở về ngủ sau đỉnh núi, thì mặt nước lại mênh mang màu xám bạc, rồi chuyển qua màu lam, chàm khi chiều buông xuống. Sắc màu trầm buồn ấy hoà cùng màu khói, khiến người ta thèm cảm giác bình yên bên những bếp củi thơm mùi xôi nếp nương.
Đến Tả Lèng mùa nước đổ đêm trăng lại bị hút vào chiếc gương dịu hiền, huyền ảo như dát bạc. Mặt nước lấp loá ánh trăng vàng bé nhỏ. Giữa mênh mông đại ngàn đêm, bỗng thấy tiếng xào xạc của đồi thông Tả Lèng, tiếng nước chảy róc rách của những ống nước dẫn từ trên núi. Văng vẳng trong lòng ruộng tiếng ếch nhái vui như trẩy hội, tiếng dế mèn gọi nhau inh ỏi...; Chỉ có vào mùa nước đổ, trên ruộng bậc thang mới có những thanh âm này.
Tả Lèng hoang sơ mà giàu có, mộc mạc mà có thể làm say lòng bất cứ ai. Khung cảnh Tả Lèng quả thật cứ như một sơn nữ đẹp, thú vị mà càng tìm hiểu thì càng mê đắm. Gần đấy nhưng cũng xa đấy, không phải cứ giơ tay ra là có thể chạm vào.
Có những khi ngay trong cùng một thời khắc có sự pha trộn sắc màu kì diệu của tự nhiên. Một bức tranh ngay một lúc đồng hiện đủ các tông màu: chỗ nhuốm màu vàng phù sa của thửa ruộng nước vừa tràn xuống, chỗ lấp lánh ánh bạc của thửa ruộng dòng nước đã lặng yên, ô mang màu nắng, ô phản chiếu màu thiên thanh của bầu trời, ô chứa màu mây trắng xoá, ô lại mang màu của những khoảng mạ xanh non mới gieo, ô xanh đậm của những khoảng ruộng cấy sớm...
Nước cứ mênh mang, lấp lánh giữa những bờ nâu uốn cong mềm mại theo sườn đồi. Những ô màu cứ tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau, khiến cả triền đồi trở thành chiếc thang ngũ sắc bắc mãi lên trời. Xung quanh là mây trắng lững lờ, ấp ôm lấy núi non giữa lưng chừng thung lũng. Cảnh vật kì vĩ, nên thơ, là thật, mà quyến rũ, mơ màng.
Đường nét của những bờ ruộng cùng với màu sắc của từng ô ruộng bậc thang, tự nó đã tạo nên một bức bích hoạ khổng lồ mà người hoạ sĩ chính là người dân bản nơi đây vẽ vào cái phông nền thiên nhiên hoang sơ. Những dáng vẻ đang cần mẫn giữa ruộng cũng là một nét chấm phá làm khung cảnh miền cao thêm bản sắc.
Tôi cứ nghĩ, cha ông ta không phải một lần mà phải bao đời, bao thế hệ, bao năm tháng từ thuở hồng hoang đến giờ mới hoạ được tuyệt tác như này. Họ đã đặt những bước chân đầu tiên tới mảnh rừng biên giới, khai hoang, đắp bờ, dẫn nước vào những ô ruộng đầu tiên, làm qua bao đời để ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp đẹp đẽ, kì vĩ như bây giờ. Để cho từng bậc thang lên xuống ấy không sói mòn trước bao cơn lũ quét, có phải là tạo hoá đã ưu ái lắm không hay người Mông nơi đây đã phải sáng tạo, gìn giữ đến mức nào.
Ngày mùa ở Tả Lèng. Ảnh Dũng Bùi
Đứng trước vẻ đẹp hoang sơ mà kì vĩ ấy, mới thấy người núi kiên trì, nhẫn nại, mới thấy đôi bàn tay thô ráp mà khéo léo, tài hoa; mới ngưỡng mộ những bàn chân xứ sở. Không phải cứ khó là dừng lại trên những cung đường vắt ngang lưng trời, lưng núi. Họ nhọc nhằn bám vào đất đá để mưu sinh, chọn ở lại để đánh dấu chủ quyền nơi phên giậu của tổ quốc. Bàn chân trần bám vào ruộng bậc thang là lúa lên xanh tốt, chạm vào đá cứng, đá cứng hoá mềm, nở hoa, đậu hạt... Đến lượt mình, những thửa ruộng bậc thang này đã nuôi dưỡng bao nhiêu lớp người lớn lên, gìn giữ núi.
Ruộng bậc thang Tả Lèng cũng như nhiều ruộng bậc thang khác thực sự là kì quan đặc biệt từ vùng cao của Tổ quốc. Từng khuôn ruộng là từng minh chứng cho sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người và mang theo trong đó cả giá trị tinh thần, cả tâm hồn, tình cảm và văn hoá miền cao.
Trước tuyệt tác mùa nước đổ, con người thường muốn lưu lại vẻ đẹp đó và cũng không khỏi khát khao tự mình trở nên đẹp đẽ trước thiên nhiên hồn nhiên, trong trẻo, tươi đẹp thế này. Vì trót yêu một mùa nước đổ, lại thêm một lần yêu núi thiết tha.
Theo Thuỳ Giang (Báo Dân tộc và Phát triển)
Những năm qua, huyện Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá, qua đó góp phần gìn giữ, tạo môi trường bổ ích, ý nghĩa để...
baophutho.vn Ngày 20/11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh diễn ra phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Phú Thọ lần thứ IV.
Huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá có hơn 860 người dân tộc Dao sinh sống tại các bản Suối Tút, Con Dao (Quang Chiểu), Pù Quăn, Hạ Sơn (Pù Nhi). Sự phát triển của kinh tế thị...
baophutho.vn Huyện miền núi Thanh Sơn tập trung trên 60% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở 22 xã, thị trấn, chủ yếu là người Mường, Dao... Xác...
Chiều buông xuống, cũng là lúc ánh đèn của những biển hiệu homestay, farmstay ở A Nôr bật lên rực rỡ. Điểm du lịch sinh thái A Nôr do đồng bào Bru Vân Kiều xây dựng và vận hành...
Điệu xoè Thái ở Mai Châu, tỉnh Hoà Bình đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà...
Ánh nắng đầu ngày vừa ló rạng, từng đợt mây hồng đang kết chặt trên đỉnh đồi Hích như chầm chậm tản ra, rồi như sà xuống con ngõ nhỏ dẫn vào Lập Thắng. Và khi những thanh âm...
Gửi con cho thầy Tào là một trong những phong tục được lưu giữ từ bao đời nay trong cộng đồng người Tày, Nùng tỉnh Tuyên Quang.
baophutho.vn Phú Thọ có 17,4% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống tập trung ở địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng,...
baophutho.vn Cùng với sự lớn mạnh của cơ quan dân tộc Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh không ngừng trưởng thành, cùng các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể thực...
Trong bức tranh văn hóa đa sắc của 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên, dân tộc Lào đóng góp một phần rực rỡ. Người Lào cư trú tập trung tại 9 xã của hai huyện Điện Biên và Điện...
baophutho.vn Cách trung tâm thành phố Việt Trì 70km, huyện Yên Lập có 97 nghìn người sinh sống ở 17 xã, thị trấn; trong đó có đến 80% là người dân tộc thiểu...