Cập nhật:  GMT+7

Tháng Bảy ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Trong âm hưởng hào hùng, lòng thành kính tri ân của những ngày tháng Bảy, từ quê hương Đất Tổ Vua Hùng, vượt gần 700 km, chúng tôi về viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị - nơi an nghỉ của hơn một vạn Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Tháng Bảy ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Thế hệ trẻ thắp nến tri ân những Anh hùng liệt sĩ yên nghỉ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt - vị trí xưa kia là tuyến đầu của chiến trường miền Nam, cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, đại bản doanh của bộ đội Trường Sơn cũng đóng tại khu vực đồi Bến Tắt. Vì vậy, đây được chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977, là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ, phần lớn là những thanh niên tuổi đôi mươi, đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nghĩa trang có tổng diện tích 140.000m2, được phân thành 10 khu vực, sắp xếp theo địa phương, quê quán của các liệt sĩ, bao gồm Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn,... Ngoài ra, nghĩa trang còn có một khu riêng dành cho 68 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Tháng Bảy ở Trường Sơn, trời mưa nắng bất chợt. Mới nắng chói chang đấy mà mưa rừng ập đến, hối hả, sầm sập rồi bất ngờ ngưng đọng, tinh khôi. Những vòng hoa tươi thắm cùng những nén hương thơm được dâng lên tượng đài trung tâm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thể hiện sự biết ơn vô hạn trước anh linh của những người con Anh hùng, ưu tú của Tổ quốc đã không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương ngã xuống để có được nền hòa bình, độc lập, tự do cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tháng Bảy ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại khu mộ liệt sĩ quê hương Phú Thọ trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Nghĩa trang được chia thành nhiều khu, trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại những hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Ở giữa sân có Đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi được xây theo kiểu hình thế chân kiềng, tượng trưng cho tình đoàn kết của 3 nước: Lào, Việt Nam và Campuchia. Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm được xây dựng theo phong tục tập quán, bản sắc, biểu tượng đặc trưng riêng của mỗi địa phương. Các phần mộ được xây dựng kiên cố, đường đi lát đá hoặc tráng xi măng sạch sẽ, nhiều cây xanh. Đại hồng chung đặt tại tháp chuông ngay sau Đài tưởng niệm để khi đến viếng, mỗi người đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông và gửi gắm tâm nguyện của mình. Trên thân chuông có khắc lời đề: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/Dạt dào Đông Hải khí anh linh/Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

Linh thiêng và xúc động là cảm giác của mỗi người khi đến đây, anh Nguyễn Việt Dũng, chuyên viên Phòng Người có công, Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Mặc dù đây không phải lần đầu đến nghĩa trang nhưng mỗi lần đến đây cảm xúc của tôi lại dâng trào trước công lao to lớn và sự hi sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Với vai trò là cán bộ làm công tác Thương binh, Xã hội tôi luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Nằm dưới khu Tượng đài trung tâm khoảng 400 m ở phía Bắc - Tây Bắc là khu mộ liệt sĩ tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc (cũ) có diện tích gần 2.000 m2, nơi yên nghỉ của 544 liệt sĩ là những người con ưu tú của quê hương Trung du. Cách khu mộ liệt sĩ tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc khoảng 500m, phía sau Đài tưởng niệm theo bình độ dốc đi xuống là khu 2- nơi có khu mộ liệt sĩ tỉnh Hòa Bình (cũ) với 84 phần mộ. Những năm qua, các khu mộ được đầu tư tôn tạo với nhiều nét đặc trưng của văn hóa quê hương, từ hình ảnh chiếc mũ lông chim của các chiến binh thời Hùng Vương dựng nước, Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, Lăng Hùng Vương, trống đồng Đông Sơn, biểu tượng mặt trời và hoa văn trang trí trong văn hóa Mường ... được cách điệu, tạo nên dấu ấn riêng biệt, minh chứng về tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình trước đây, nay là tỉnh Phú Thọ đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ.

Trong hành trình tri ân về vùng đất lửa Quảng Trị, chúng tôi đã gặp nhiều gia đình ở tỉnh Phú Thọ vào dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Anh Tạ Quốc Dương hiện ở phường Việt Trì cho biết, nhiều năm nay, năm nào anh cũng vào Quảng Trị tri ân các Anh hùng liệt sĩ mỗi dịp tháng Bảy. Nay là lần đầu tiên, đưa con gái về làm dâu ở xã Triệu Trạch, tỉnh Quảng Trị, anh tổ chức cho gia đình mình, gồm cả hai bên nội ngoại và các gia đình khác là láng giềng, bạn bè thân thiết đi dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, bến sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương. “ Con gái lấy chồng xa, gia đình lại có hành trình tri ân về “địa chỉ đỏ” đầy ý nghĩa. Trên đường trở về Phú Thọ, gia đình chúng tôi cũng sẽ vào đặt hoa viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dâng hương tưởng niệm 10 nữ Thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc và về thăm Làng Sen quê Bác”- anh Dương cho biết.

Tháng Bảy ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Toàn cảnh Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Dâng nén hương thơm lên từng phần mộ các liệt sĩ quê Phú Thọ, chị Nguyễn Hồng Vân, vợ anh Dương xúc động: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Nghĩa trang Trường Sơn, nhìn những hàng mộ chạy dài tôi vô cùng xúc động và càng cảm thấy biết ơn, trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do mà những Anh hùng liệt sĩ ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đã chung sức, đồng lòng lấy tuổi trẻ đổi lại. Giờ đây, đất nước đã thanh bình nhưng các anh, các chị mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn thông reo và gió thoảng. Trường Sơn - ngôi nhà chung của những Anh hùng liệt sĩ, linh hồn các anh, các chị luôn được nâng niu, trân trọng trong trái tim hàng triệu người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc”.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn không chỉ là nơi hơn một vạn người con ưu tú của dân tộc yên nghỉ mà còn là nơi thế hệ hôm nay, mai sau tìm về để tưởng vọng các Anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì hoà bình Tổ quốc; những người bạn cùng chung chiến hào năm xưa tìm về thắp nén tâm nhang tưởng niệm đồng đội; những du khách phương xa dừng lại để ngưỡng vọng về một dân tộc Anh hùng. Đây đã trở thành chốn linh thiêng của dân tộc.

Rời Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn khi cơn mưa rừng vừa dứt, chúng tôi càng cảm nhận đầy đủ hơn cái giá của cuộc sống hôm nay, cuộc sống trong hòa bình phải đổi bằng biết bao xương máu của các Anh hùng liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc...

Đinh Vũ


Đinh Vũ

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Về thăm vựa nhãn xứ Mường

Về thăm vựa nhãn xứ Mường
2025-07-22 06:14:00

baophutho.vn Cách đây gần 30 năm, những cây nhãn Hương Chi đầu tiên được đưa về trồng ở đồng đất xã Sơn Thủy (nay là xã Nật Sơn). Khí hậu thổ nhưỡng phù hợp...

Khát vọng vùng Tam Cửu

Khát vọng vùng Tam Cửu
2025-07-21 05:24:00

baophutho.vn “Tam Cửu” - cách gọi thân thuộc của người dân dành cho 3 xã Khả Cửu, Thượng Cửu và Đông Cửu (thuộc huyện Thanh Sơn cũ) nay đã hợp nhất thành...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long