Cử tạ là môn trọng điểm được nhắm mục tiêu giành huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam. Ảnh: IWF
Thể thao Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện các nội dung nhằm hoàn tất trình Tờ trình về việc phê duyệt Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Sau Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 được Bộ VH-TT-DL tổ chức và Cục TDTT Việt Nam thực hiện cuối tháng 3 mới đây, nhà quản lý đã thu nhận nhiều ý kiến đóng góp.
Trong đó, vấn đề cần giải quyết cốt lõi là chúng ta sẽ tập trung đầu tư đối với môn trọng điểm như thế nào vì thể thao thành tích cao phải đảm bảo đạt chỉ tiêu huy chương và chất lượng huy chương (yêu cầu là giành HCV trong các kỳ Đại hội quan trọng).
Trước đó, ngành thể thao xây dựng kế hoạch chọn 17 môn là nòng cốt trọng điểm. Các môn được tính toán gồm điền kinh, bắn súng, bắn cung, taekwondo, cử tạ, boxing (quyền Anh), đấu kiếm, TDDC, xe đạp, judo, vật, bơi, cầu lông, đua thuyền, karate, wushu, cầu mây.
Từ Hội thảo đã tổ chức, bây giờ Cục TDTT Việt Nam tính toán kỹ và xây dựng chọn nội dung, chương trình tập trung vào 8 môn đúng ý nghĩa của sự trọng điểm, thay vì 17.
Môn nào và nhóm nội dung nào sẽ là trọng điểm đầu tư khi rút gọn số lượng xuống 8 môn phụ thuộc trong dự báo khả năng môn đó, nội dung của thể thao Việt Nam phải giành được HCV tại ASIAD hoặc đạt huy chương tại Olympic. Hiện tại, thể thao Việt Nam dự báo được khả năng chuyên môn dựa trên con người thực tế của môn cử tạ có thể tranh chấp huy chương Olympic. Đây sẽ là môn trọng điểm được sự đầu tư ưu tiên hàng đầu của thể thao nước nhà.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam giành được huy chương Olympic ở 1 số nội dung của các môn gồm cử tạ (1 HCB – Olympic năm 2008, 1 HCĐ – Olympic năm 2012), taekwondo (1 HCB – Olympic năm 2000), bắn súng (1 HCV, 1 HCB – Olympic năm 2016). Với Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), sau khi chúng ta hội nhập trở lại các cuộc đấu khu vực châu lục và quốc tế, thể thao Việt Nam đã giành 19 HCV qua các kỳ ASIAD. Tại kỳ ASIAD 19 (kỳ thi đấu gần nhất), chúng ta đạt 3 HCV ở môn karate, cầu lông, bắn súng. Trước đó, những tấm HCV ASIAD của thể thao Việt Nam từng có trong môn taekwondo, billiards, thể hình, karate, cầu mây, wushu, điền kinh, đua thuyền rowing, pencak silat. Tuy nhiên, thể thao hiện đại đã thay đổi qua từng giai đoạn vì thế mỗi quốc gia phải xây dựng kế hoạch đầu tư theo chu kỳ phù hợp nhất.
Nhiều ý kiến đã đưa ra và khi tổng hợp, ngành thể thao sẽ có chuyển hướng đối với số lượng môn trọng điểm để đầu tư. Ảnh: CỤCTDTTVN
Theo báo cáo của Phòng thể thao thành tích cao (Cục TDTT) để chuẩn bị đầu tư môn trọng điểm, bộ phận chuyên môn phân 2 nhóm trong sự đầu tư với nhóm 1 (tranh chấp huy chương Olympic) gồm môn bắn súng, bắn cung, cử tạ, cầu lông, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền còn nhóm 2 (tranh chấp huy chương ASIAD) sẽ có môn điền kinh, judo, karate, wushu, TDDC, vật, bơi, cầu mây, xe đạp.
Bây giờ, khi số môn trọng điểm có thể được rút gọn hơn, thể thao Việt Nam sẽ phải giải bài toán hoàn thành mục tiêu cụ thể ở môn nhận trọng trách chủ lực.
Cục TDTT Việt Nam đề ra mục tiêu cụ thể ở giai đoạn 2026-2030 là duy trì tốp 3 tại các kỳ SEA Games và tốp 20 trong các kỳ ASIAD. Trong đó, tại ASIAD 20 sẽ phấn đấu giành 5 HCV trong môn bắn súng, karate, đua thuyền, cầu mây; ASIAD 21 sẽ đạt 6 HCV ở môn bắn súng, bắn cung, karate, đua thuyền, cầu mây; Olympic năm 2028 sẽ giành 2 HCĐ trong môn bắn cung, cử tạ và Olympic năm 2034 sẽ giành 2 HCĐ môn bắn cung, cử tạ...
Theo Sài Gòn Giải Phóng