
{title}
{publish}
{head}
Là một trong số gần 50 vị Trạng nguyên của nước ta, Vũ Duệ sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây, nay là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao. Ông là tấm gương sáng về truyền thống hiếu học, thương dân, ái quốc, vì nghĩa lớn quên thân, là bậc công thần tiết nghĩa thời Lê. Tên tuổi Trạng nguyên Vũ Duệ được khắc ghi trên bia đá của Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Từ nhỏ, Trạng nguyên Vũ Duệ đã nổi danh bởi sự cần cù, thông minh, hiếu học, năm lên 7 tuổi đã thông thạo các sách Nho, Y, Lý, Số, làm thơ Đường luật, làm câu đối... nên người dân quanh vùng gọi ông là “Thất tuế thần đồng”. Năm 22 tuổi ông thi đỗ Trạng nguyên, khoa Canh Tuất, năm 1490, tức năm thứ 21 đời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông.
Sau khi đỗ đại khoa, ông làm quan một thời gian ngắn rồi sau đó cáo quan về quê ở ẩn mở trường dạy học tại đầu làng, như bao vị Nho gia cùng thời “Tiến vi quan, thoái vi sư”. Học trò của ông là người dân quanh vùng thuộc phủ Sơn Vi, phủ Hạc Trì, trấn Sơn Tây, trấn Hưng Hóa... và con cháu của các gia đình có mối quen biết với ông trong những năm ông còn làm việc ở chốn quan trường.
Học sinh thăm quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Vũ Duệ.
Trong hơn 28 năm dạy học tại quê nhà có nhiều lớp học trò được thầy Vũ Duệ dạy dỗ tham gia thi cử và đỗ đạt, tiêu biểu trong số học trò ấy có hai người đỗ đại khoa và một người đỗ Tiến sĩ, cả ba người đều là người cùng phủ Sơn Vi cũ, trấn Sơn Tây với ông. Đó là Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc người làng Dòng, xã Xuân Lũng; Thám hoa Nguyễn Như Thức người làng Mạc, xã Cao Xá và Tiến sỹ Nguyễn Trọng Đạt, người làng Mạo Phố, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba.
Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ hiện nay tọa lạc tại khu 11, làng Trình Xá, phía trước là con đê và dòng sông Hồng. Trước đây, đền thờ của ông được xây dựng vào năm 1522 (ngay sau khi ông mất) bên bờ sông Hồng. Về sau, do sạt lở bờ sông, ngôi đền được Nhân dân di chuyển vào bên trong đê. Năm 2001, đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ được UBND tỉnh cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Hằng năm, Nhân dân làng Trình Xá và hậu duệ của Trạng nguyên Vũ Duệ đều tổ chức lễ hội đền quan trạng (lễ tế tại đền Trạng nguyên Vũ Duệ) và tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ ngày mất của ông.
Con cháu đời sau của Trạng nguyên Vũ Duệ luôn dâng hương hoa, lễ vật tưởng nhớ ông vào các dịp quan trọng trọng năm.
Đồng chí Nguyễn Đình Luận – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại cho biết: Di tích đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ không chỉ là sự tôn vinh danh nhân mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích. Tiếp nối truyền thống hiếu học của danh nhân Vũ Duệ, những thế hệ sau này đã luôn nỗ lực học tập, lao động. Nhiều người thành đạt, có cuộc sống khá giả, luôn tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các hoạt động, phong trào của địa phương, chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, giàu đẹp, văn minh.
Phát huy truyền thống hiếu học của Trạng nguyên Vũ Duệ, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại các gia đình, dòng họ và trong toàn xã ngày càng phát triển. Các trường học trên địa bàn huyện cũng thường xuyên lựa chọn đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ là điểm đến cho học sinh thăm quan, tìm hiểu về lịch sử, tìm hiểu sâu hơn về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời và thời đại của ông cũng như lan tỏa tinh thần hiếu học của ông cho học sinh.
Cô giáo Đào Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Lại (xã Vĩnh Lại) chia sẻ: Hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện trong đó có đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ là một phần trong chương trình giáo dục của nhà trường. Qua đó, giúp cho học sinh hiểu thêm về các di tích lịch sử nơi mình sinh sống, bồi đắp niềm tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Quỹ khuyến học, khuyến tài Trạng nguyên Vũ Duệ trao thưởng cho giáo viên, học sinh có thành tích cao trong học tập, giảng dạy huyện Lâm Thao năm học 2023-2024.
Luôn ghi nhớ công ơn và tự hào về vị Trạng nguyên, những năm qua, huyện Lâm Thao và đầu tư mở rộng, cải tạo nâng cấp toàn bộ khuôn viên xung quanh, đồng thời xây dựng một số hạng mục phụ trợ khác của đền thờ nhờ sự chung tay góp sức của con cháu trong dòng họ và các doanh nghiệp, cá nhân... Trên địa bàn huyện cũng đã có ngôi trường mang tên ông – Trường THCS Vũ Duệ (trước đây là Trường THCS Lâm Thao) với bề dày truyền thống và thành tích học tập đáng tự hào của các thế hệ học sinh nơi đây.
Đồng thời, với niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của huyện - mảnh đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhiều nhà khoa bảng, chí sĩ yêu nước huyện cũng đã thành lập Quỹ khuyến học, khuyến tài Trạng nguyên Vũ Duệ nhằm động viên, khen thưởng kịp thời học sinh, sinh viên là con em của huyện đạt thành tích xuất sắc trong học tập, có tài năng trên các lĩnh vực thể dục thể thao, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và trao học bổng cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, động viên, giúp đỡ các em về vật chất và tinh thần để các em phát huy tài năng của mình trên các lĩnh vực.
Trạng nguyên Vũ Duệ chính là tấm gương sáng, là niềm tự hào không chỉ của hậu duệ dòng họ Vũ tại làng Trình Xá mà còn là niềm tự hào của Nhân dân trong vùng với địa danh Lâm Thao - đất lúa, đất văn.
Thu Hương
baophutho.vn Sở hữu tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn cùng nền văn hóa bản địa đa dạng, huyện Yên Lập đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch với...
baophutho.vn Vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, khi tiết trời chuyển sang oi nóng cũng là lúc người nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao bước vào mùa...
baophutho.vn Được ví là vùng đất sở hữu du lịch 4 mùa, huyện Thanh Thủy được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt, là điểm giao thoa, cầu nối giữa đồng bằng sông...
baophutho.vn Cây Thị ngàn năm tuổi - Chứng nhân sống của một làng quê
baophutho.vn Hè 2025 được xác định là thời điểm quan trọng để ngành du lịch Phú Thọ tăng tốc. Với tinh thần chủ động, linh hoạt và sáng tạo, tỉnh đã và đang...
baophutho.vn Chợ quê
baophutho.vn Với 36 di tích lịch sử văn hóa mang nhiều nét độc đáo, cổ kính được xếp hạng, trong đó có 5 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, huyện Thanh...
baophutho.vn Bánh sắn từ lâu đã là món ăn nổi tiếng của người dân Đất Tổ. Mỗi vùng quê, mỗi gia đình đều có cách làm bánh sắn riêng. Tuy nhiên, để bánh...
baophutho.vn Độc đáo bánh trứng kiến Mỹ Lung
baophutho.vn Nằm nép mình giữa những đồi vải bạt ngàn và rừng keo xanh mướt, xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa từ lâu đã nổi danh với nghề nuôi ong lấy mật. Trong...