Cập nhật: Chủ nhật, 18/09/2022 | 07:25 GMT+7

Bạo lực học đường - nỗi trăn trở của xã hội

baophutho.vnSố liệu thống kê thời gian trước khi COVID-19 xảy ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Trung bình cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ chín trường có một trường có học sinh đánh nhau. Bạo lực học đường diễn ra từ những trường vùng sâu, vùng xa đến các trường ở các thành phố lớn, thậm chí cả ở trường quốc tế. Dù vấn đề bạo lực học đường không mới, nhưng đây vẫn là nỗi trăn trở của xã hội.

Bạo lực học đường - nỗi trăn trở của xã hộiTrường THPT Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường năm học 2022-2023”. Ảnh Thu Hà

Trên các phương tiện thông tin truyền thông đã phản ánh rất nhiều vụ các em học sinh có hành vi dùng vũ lực đánh nhau, có nhiều trường hợp dùng vũ khí cũng như đánh nhau tập thể ở trong và ngoài nhà trường đến mức công an phải vào cuộc. Hiện nay, bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở hình thức đơn giản như chửi nhau, đánh nhau trong lớp… mà đáng lo ngại hơn là việc đánh nhau còn nguy hiểm đến tính mạng. Bạo lực học đường cũng không chỉ xảy ra ở các học sinh nam mà hiện xu hướng các học sinh nữ đánh nhau đang ngày càng gia tăng ở mức độ khó lường.

Mới bước vào năm học 2022-2023 được một tuần, ngày 12/9 trên mạng xã hội lan truyền nhiều đoạn clip ghi lại cảnh hai nữ sinh bị một nhóm nữ sinh đánh bằng mũ bảo hiểm. Trong đó, một nữ sinh còn bị lột đồ trong tiếng cười đùa của những người đứng xem. Vụ việc xảy ra vào chiều chủ nhật 11/9 giữa một số học sinh của Trường THCS - THPT Tây Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Trước thềm năm học mới 2022-2023, ngày 19/8 trên mạng xã hội cũng lan truyền đoạn clip một nữ sinh bị nhóm bạn đánh, đạp dã man bên ngoài nhà trường. Trong video này, nữ sinh bị đánh vừa khóc vừa quỳ, chắp tay xin lỗi nhưng các bạn vẫn chửi bới và lao vào đánh, đạp, xé áo nữ sinh. Được biết nhóm học sinh này học ở Trường THCS Biên Giang, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Trước đó, ngày 28/6, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh hai thiếu nữ xông vào đánh một nữ sinh trong nhà vệ sinh. Mặc dù liên tục khóc lóc, van xin nhưng nạn nhân vẫn bị đánh liên tiếp. Sự việc này xảy ra tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; nữ sinh bị đánh đang học tại một trường THCS trên địa bàn huyện…

Các vụ bạo lực học đường thường xảy ra với những nguyên nhân như: Sự ganh ghét, đố kỵ về những điều mà người khác có được; những cử chỉ và nhận xét mang nội dung hạ nhục… Một nguyên nhân khác cũng có ảnh hưởng sâu sắc tới hành vi bạo lực của học sinh, đó là trên mạng xã hội các em có thể dễ dàng xem phim ảnh bạo lực, những clip đánh nhau, những hình ảnh mang tính bạo lực, hoặc chơi game hành động… Khi chưa nhận thức được hoặc có nhận thức sai lệch về động cơ của hành động, sẽ dẫn tới việc các em có những hành vi sai lệch trong môi trường học tập.

Bạo lực học đường - nỗi trăn trở của xã hộiMột vụ bạo lực học đường lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Qua các clip, ai cũng bày tỏ sự phẫn nộ vì thời điểm xảy ra sự việc mặc dù có nhiều học sinh đứng xung quanh theo dõi nhưng không có người nào vào can ngăn, mà chỉ hò reo cổ vũ, thậm chí có em còn dùng điện thoại ghi hình, quay phim để tung lên mạng xã hội. Mà những đoạn clip đó cũng chỉ là một góc rất nhỏ trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay, ngoài xã hội thực chất vẫn còn các vụ bạo lực mà có thể chưa được công khai. Đối tượng trong các clip đánh nhau đó đa phần là những học sinh trung học cơ sở hay trung học phổ thông, là lứa tuổi mà các em có những biến đổi về tâm sinh lý, suy nghĩ bồng bột và thích thể hiện bản thân. Qua nhiều sự việc bạo lực học đường, khi các cơ quan chức năng và nhà trường vào cuộc cho thấy, những học sinh đánh bạn không hiểu biết pháp luật, không ý thức được việc làm sai và phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình như thế nào. Các em đánh bạn và có thể là cả những em chứng kiến, quay clip đều không lường được hết hậu quả xảy ra với bạn và với mình.

Trước những sự việc đau lòng ấy, chúng ta đều có chung một băn khoăn là các trường đều có nội quy học đường, có những quy tắc ứng xử, có những biện pháp kỷ luật tích cực nhưng bạo lực học đường không hề thuyên giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng. Trong nhiều vụ việc, mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng, người đánh bạn dã man lại là nữ sinh. Vậy câu hỏi đặt ra: Phải chăng hình thức kỷ luật cao nhất hiện nay chưa đủ sức răn đe? (nhiều vụ việc học sinh đánh nhau được xử lý kỷ luật với những hình thức như: Viết bản kiểm điểm, tường trình, nghỉ học có thời hạn, hạ hạnh kiểm...). Phải chăng đây là hậu quả tất yếu của việc giáo dục đạo đức ở học đường bị xem nhẹ? Phải chăng nhà trường, giáo viên không còn được học sinh tin tưởng?... Dư luận xã hội mong mỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp nghiêm khắc, đủ mạnh để chấm dứt bạo lực học đường. Rất cần sự nghiêm minh của pháp luật cũng như việc sửa đổi tăng nặng hình thức kỷ luật học đường để bạo lực không còn xảy ra và trở thành nỗi lo lắng của gia đình, nỗi xót xa của xã hội.Mới đây ngày 8/9, quyết định khởi tố bị can của Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đối với nữ sinh Chu Thị Thu Hiền là học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác, huyện Hương Sơn vì lột đồ, túm tóc đánh một bạn lớp 9 giữa đường (vụ việc xảy ra vào ngày 25/8) đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân. Chưa thấy ý kiến nào cho rằng nữ sinh này còn nhỏ tuổi, nông cạn trong suy nghĩ và hành động nên cần được tha thứ… Hầu hết các ý kiến đều đồng ý với việc khởi tố, vì hành vi bạo lực không dừng ở mức độ hành hung mà còn làm nhục người khác (lột hết quần áo, đánh đập nạn nhân khi không còn mảnh vải che thân...), việc này còn là để cảnh báo cho các học sinh khác biết suy nghĩ khi hành động và biết chịu trách nhiệm, trả giá cho hành động của bản thân. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng cho rằng xử lý nghiêm những người có liên quan là cần thiết, nhưng việc quan trọng là tìm giải pháp nào để không còn những vụ tương tự xảy ra, để bạo lực học đường không còn là vấn đề đáng lo ngại, gây nhức nhối và là mối quan tâm của mỗi gia đình có con em trong giai đoạn cắp sách đến trường.

Ngày 1/6/2022 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường. Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương, các địa phương. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập. Bởi văn hóa học đường là một bộ phận quan trọng, nền tảng trong xây dựng văn hóa và hình thành nhân cách tốt đẹp của con người.

Phạm Kim


Phạm Kim

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

18°C - 23°C
Nhiều mây, không mưa
  • 18°C - 22°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 18°C - 26°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long