Cập nhật: Thứ 2, 11/07/2011 | 08:13 GMT+7

Chùa Làng Dòng – Nhìn từ giá trị lịch sử - văn hóa

Chùa Làng Dòng –

Nhìn từ giá trị lịch sử - văn hóa

PTO- Chùa Làng Dòng (hay còn gọi là Phổ Quang tự) tọa lạc trên mảnh đất làng Dòng (xóm Chùa, Xuân Lũng, Lâm Thao) đến nay đã được gần 700 năm. Phía trước nhìn ra dòng sông Thao, tả, hữu có hai ngọn núi Tản Lĩnh và Cao Cương che chắn. Đến nay ngôi chùa vẫn tồn tại, trở thành chốn tâm linh cho tâm hồn những người con nơi đây. Vùng đất học thật đáng tự hào khi được Bộ Văn hóa công nhận, xếp hạng Phổ Quang tự là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào tháng 7-1980. Cùng với sự biến thiên của lịch sử, ngôi chùa hiện đang bị xuống cấp. Đó là điều mà những người tâm huyết với ngôi chùa đang ngày đêm trăn trở…

Cảnh quan Phổ Quang Tự.

Đậm nét văn hóa cuối đời Trần

Chúng tôi về thăm chùa đúng ngày mồng một âm lịch, từ ngoài cổng đã nghe tiếng chuông ngân hòa lời cầu nguyện của các phật tử đi lễ. Một không gian thanh tịnh, mát mẻ khi đứng trên khoảng sân rộng bao quanh là hàng cau cao vút, hai cây hoa đại tỏa hương phảng phất. Về chùa, lòng người thấy thanh thản.

Sự xuất hiện của ngôi chùa được nhiều sử sách ghi chép lại. Theo cuốn tạp văn “Kẻ Dòng nội truyện” của nhà văn Nguyễn Văn Toại: Chùa được xuất hiện vào cuối đời Trần (1377), cùng thời có chùa Cói, chùa Then, chùa Bồng Lai... Trước kia, Phổ Quang tự được đặt trên đỉnh núi Chùa, sau vì lý do địa thế và cả sự phát triển của đạo Phật mà chuyển về gần chợ (chợ Dòng) vì đường đi lại thuận tiện, dân cư đông đúc. Với diện tích gần 400m2, được xây dựng theo kiểu chữ Công, mái lợp ngói, chùa được chia làm hai cấp (cấp trên và cấp dưới). Bên phải có nhà bia, nhà Tổ, giữa sân có cây hương, xung quanh có tường bao lan theo kiểu hoa thị, trái trám. Kiến trúc chùa theo kiểu trồng đầu, nghệ thuật điêu khắc đơn giản…

Nơi đây còn lưu giữ được giá trị lịch sử - văn hóa từ đời Trần đó là bệ đá hoa sen. Bệ đá hoàn thành năm 1376 được ghép từ 71 phiến đá xanh, đặt ở giữa chùa cấp trên, chia làm 5 tầng, đỡ 3 Toà tam thế. Các họa tiết dân gian khắc trên bệ đá miêu tả sinh động cuộc sống nơi trần thế với cá lượn, sư tử vờn, hươu cặp cành hoa hải đường nở xòe…

Trong quần thể kiến trúc của chùa Làng Dòng còn phải kể đến gác chuông Tam quan, xây dựng năm 1628. Đi từ dưới lên trên, chúng ta cảm nhận nó giống như một minh đường (nơi sinh khí hội tụ). Tầng dưới là bộ khung đỡ vững chãi với xà gỗ ngang, dọc ăn mộng với nhau. Tầng trên có ván lát gỗ, trên thượng lương các đầu được chạm thành bông sen, có thành gỗ để treo chuông và khánh đồng. Nét đặc biệt có thể nhận thấy ở gác chuông là sự hài hòa, cân đối, mái cong uốn lượn nhẹ nhàng, mềm mại không bị gấp khúc, 4 mặt lầu chuông đều giống nhau. Hai mái trên và dưới có khoảng cách vừa phải, độ cong của gác mái tương xứng.

Uy nghi, cổ kính là vậy, các dòng họ trong xã đã ra sức bảo vệ ngôi chùa khỏi sự tàn phá của chiến tranh, sự tàn phá của những kẻ thiếu hiểu biết. Nhưng không tránh khỏi sự bào mòn của thời gian, mưa nắng. Hiện tại, ngôi chùa cần được trùng tu để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông.

Những bước thăng, trầm…

“Vào những đêm trời mưa, mái chùa bị dột, chúng tôi phải lấy cả rổ, rá, nong, nia để che mưa cho các bức tượng khỏi bị ướt nhưng chỉ đỡ được phần nào. Trong thời kỳ kháng chiến, khi giặc Pháp đòi phá gác chuông thì người dân trong làng bất chấp tính mạng để bảo vệ nó. Sau này hòa bình lặp lại, nhiều người thiếu ý thức đã bẻ tay tượng, vặt râu, khoét mắt…”. Cụ Nguyễn Minh Tín kể lại câu chuyện cho chúng tôi nghe bằng giọng trầm buồn. Cụ là một trong những người đóng góp công lao không nhỏ để gìn giữ ngôi chùa. Cách đây 4 năm, khi còn là Trưởng ban hộ tự ở ngôi chùa này thì kỷ niệm về những lần lặn lội đi tìm sư thầy cho chùa khiến cụ không thể nào quên. Tuy đã bước sang tuổi bát tuần, nhưng cụ vẫn minh mẫn kể về biết bao sự việc, con người liên quan đến sự hình thành và bước thăng, trầm của ngôi chùa.

Có nhiều lời kể về sự biến mất của tượng Tam thế. Người kể rằng, trong 3 pho tượng Tam thế được đặt trên bệ đá hoa sen có 1 pho tượng bị cháy, 1 bị đánh cắp và pho tượng còn lại cháy dở dang phải mang chôn. Theo nguồn tin khác thì vào năm 2004, nhà chùa bị kẻ gian lấy cắp mất 11 pho tượng (trong đó có 3 tượng Tam thế) và 2 bát hương cổ thời Trần. Sự mất mát ấy đối với làng Dòng là vô cùng to lớn. Đến nay, hầu như không còn một pho tượng nào là giữ được nét đẹp cổ nguyên vẹn như thuở ban đầu.

Ngoài những vị trí đã được Ban chấp hành nhà chùa tiến hành tôn tạo trong thời gian gần đây (cổng và sân chùa), thì sự xuống cấp nghiêm trọng của lầu chuông Tam thế và nhà bia đang làm ảnh hưởng đến giá trị bảo tồn của cả di tích. Phần mái gác chuông đứng trước tình trạng bị sập bất cứ lúc nào với độ nghiêng chừng 40cm về phía trước; bộ khung đỡ bằng gỗ cũng đang bị nứt gãy. Chuông đồng và khánh đồng đã bị vỡ và mờ gần hết các chữ khắc trên khánh. Tấm bia được khắc hoàn thành vào năm Mậu Thìn, thời nhà Lê (1628) được ví như “trang sử đá” có giá trị văn hóa, thẩm mỹ nhất định. Nơi “khắc công, ghi tích” ấy đang bị thời gian bào mòn vì phần mái bị dột không có tác dụng che mưa che nắng.

… Và lời tâm nguyện

Đại đức Thích Nguyên Giác - Trụ trì nhà chùa bày tỏ sự lo ngại trước sự biến thiên của thời gian, không biết lầu chuông và nhà bia còn trụ vững được đến khi nào. Vì để tôn tạo lại ngôi chùa cần được sự đồng ý và giám sát của Bộ Văn hóa chứ tỉnh mình, huyện mình không thể muốn là làm được mà phải có sự cộng tác từ nhiều phía. “Để trùng tu lại ngôi chùa, vật chất thôi vẫn chưa đủ mà cần phải có cái Tâm. Nếu Nhà nước cho xây lại chùa, bất cứ giá nào cũng phải giữ lại được cái hồn của ngôi chùa để những người con xa quê mỗi khi trở về nơi “chôn rau cắt rốn” còn có chỗ tựa nương”. Nhà chùa hạn chế việc thắp hương (đặc biệt vào ngày lễ) mà chỉ thắp hương vòng, công việc vệ sinh lau chùi những bức tượng và cửa gỗ cũng phải hết sức nhẹ nhàng và tỉ mỉ.

Làng quê Xuân Lũng đã có nhiều khởi sắc. Với truyền thống của một làng khoa bảng, những người con quê hương đang từng ngày cống hiến sức lực và trí tuệ làm đẹp giàu trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương, những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần cũng cần được bảo tồn và phát huy để truyền lại cho muôn đời. Sớm mong việc trùng tu lại chùa được thực hiện theo kế hoạch để thời gian tới chúng tôi có thể xây dựng thành công chương trình “Du lịch tâm linh”. Đó là lời chia sẻ, mong mỏi của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngô Long. Hồng Nhung



 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Thanh Thủy đẩy mạnh xóa nhà tạm

Thanh Thủy đẩy mạnh xóa nhà tạm
0:40 sáng nay

baophutho.vn Gia đình anh Nguyễn Hữu Ước, khu 7, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy thuộc diện hộ nghèo. Bản thân anh bị bệnh tai biến liệt nửa người, không thể...

Trông cảnh chị tôi

Trông cảnh chị tôi
07:02 08/07/2011

PTO- 17 tuổi chị tôi lấy chồng. 20 tuổi chị đã có hai cô con gái. Tuy nhà chồng không nói ra nhưng chị biết họ bắt đầu có ác cảm với mình.

Để những giấc mơ thành hiện thực

Để những giấc mơ thành hiện thực
06:48 08/07/2011

PTO- “Tôi không biết nói gì nhiều, nhưng tôi thực sự cảm ơn những người đã giúp tôi có được ngôi nhà vững chãi mà mẹ con tôi vẫn mơ ước lâu nay.

Thành công với vở diễn “Đợi đến mùa xuân”

Thành công với vở diễn “Đợi đến mùa xuân”
03:19 08/07/2011

PTO- Với nhận thức đề tài giáo dục là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết những nảy sinh từ nền giáo dục: Giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ, cố hữu và đổi mới, giữa lý...

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

22°C - 27°C
Nhiều mây, không mưa
  • 20°C - 26°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 20°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long