{title}
{publish}
{head}
Ngay sát biên giới nước bạn Lào, dưới chân núi Pù Tút, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bao đời nép mình bên dòng suối. Đồng bào Dao đã định cư ở nơi đây gần một thế kỷ và thể hiện tình yêu quê hương, bản làng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất thông qua gìn giữ từng tấc đất biên giới thiêng liêng...
Ông Phan Văn Cấu và con trai Phan Văn San bên cột mốc 286 được ba thế hệ trong gia đình đứng ra nhận bảo vệ.
Trong ngôi nhà sàn giản đơn, cái vị thơm dẻo của nếp nương quyện cùng hơi men rượu cần khiến câu chuyện giữa chúng tôi và Bí thư chi bộ bản Suối Tút Phan Văn Cấu càng thêm thân tình, ấm áp. Anh Phan Văn San, con trai đầu Bí thư Cấu nhắc đến người ông với niềm tự hào: “Ông nội tôi - già làng Phan Văn Xiết là người đi đầu trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi tôi còn là một cậu bé 6 tuổi đã quen thuộc với hình ảnh người ông cần mẫn đến hẹn lại khăn gói ngược dòng suối Tút lên thăm cột mốc. Trước mỗi chuyến băng rừng, ông vẫn thường dặn tôi: Cháu ngoan ở nhà để ông với cha đi rừng làm rẫy và bảo vệ biên giới để giữ cho nơi mình sinh sống luôn đẹp đẽ và bình yên nhé! Lúc ấy tôi chưa hiểu hết những ý nghĩa lời ông dặn, nhưng sau gần 20 năm, tất cả những lời nói sâu sắc ấy dần sáng tỏ trong tôi”.
Thiếu tá Chu Đình Giáp, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu tiếp lời: “Già làng Phan Văn Xiết mất năm 2016. Trước khi mất, ông vẫn nắm chặt tay cán bộ biên phòng dặn dò: Tôi không ở lâu được nữa, việc trông coi cột mốc tôi đã nhắn gửi cho con, cháu tiếp tục thay tôi đảm nhận việc này. Cháu yên tâm về báo cáo cho chỉ huy đơn vị được biết. Và giờ đây, ông Phan Văn Cấu thay cha gìn giữ, bảo vệ cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới, 22 mốc quốc giới. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đạt được những kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong địa bàn đơn vị quản lý.
Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, bản Suối Tút tự hào có gia đình già làng Phan Văn Xiết 3 đời tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc bằng tinh thần tự nguyện. Còn ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát có gia đình anh Lâu Văn Lâu, người dân tộc Mông tự nguyện đứng ra nhận nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc mốc 304 đã hơn 5 năm nay. Đây cũng chính là cột mốc mà cha anh - già làng Lâu Văn Hự, năm nay đã gần 100 tuổi tình nguyện bảo vệ trong nhiều năm qua. Năm 2018, biết mình tuổi cao, sức yếu, già làng Hự đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho người con trai thứ 5 của ông là anh Lâu Văn Lâu tiếp tục đảm nhận trọng trách lớn lao này.
Bản Suối Tút những ngày này ngập tràn sắc Xuân. Hương Xuân nồng đượm hơn bởi sương mù che phủ. Hai cha con Phan Văn Cấu và Phan Văn San nhanh chóng trở mình khỏi chiếc chăn ấm, chuẩn bị cho chuyến đi rừng kiếm tra cột mốc cùng cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu. Trong ánh sáng mờ tỏ, bà Phan Thị Náy, vợ ông Cấu đã vào bếp từ lúc nào. Từ năm 2016 đến nay, cứ trước đêm trăng 16, bà đều chuẩn bị cơm nắm, sắn luộc, muối ớt, nước uống cho chồng con và cán bộ biên phòng trước khi lên đường.
Ông Phan Văn Cấu trao đổi với cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu về công tác tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc trong bản Suối Tút.
Khi ánh trăng vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong những vạt rừng, chúng tôi theo chân bố con ông Phan Văn Cấu lên đường kiểm tra cột mốc 286. Cột mốc 286 phân định giữa xã Quang Chiểu với bản Suối Tung, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, nằm ở độ cao 2.000m trên đỉnh núi Pù Tát. Đây là cột mốc xa nhất và cao nhất của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, đường lên mốc hiểm trở, trước đây thời gian cả đi và về phải mất 11, 12 tiếng đồng hồ, bây giờ vào ngày nắng ráo, thuận lợi cũng phải ngót nghét 8, 9 tiếng.
Dọc đường đi, ông Cấu kể lại: “Năm 1980, khi cột mốc G6 (sau này tăng dày thêm các cột mốc 285, 286, 287 và 288) được xây dựng, người bác họ của bố tôi là ông Tặng Phú Minh được giao nhiệm vụ trông coi. Tuy nhiên, đến năm 1985, ông Minh ốm nặng rồi qua đời, không còn ai canh giữ cột mốc G6 nên bố tôi xung phong thay bác đảm nhận công việc này cho đến năm 2016.
Trước đó, thời điểm khó khăn nhất với bản Suối Tút là khi đất nước vừa thống nhất, bọn phản động lợi dụng việc tuyên truyền, lôi kéo bà con bỏ bản, theo chúng sang bên kia biên giới sinh sống để có một cuộc sống giàu sang, không phải lao động vất vả, cực nhọc. Nhiều người lúc đó tin theo, đốt nương, dỡ nhà cửa, giết trâu bò ăn khao rồi kéo nhau vượt biên. Cả bản ngày ấy mới có 37 hộ thì mất 30 hộ đi vượt biên. Những hộ còn lại rất nao núng và định đi theo... Nhưng lúc bấy giờ, bố tôi kiên định lắm.
Một mặt, ông làm công tác tư tưởng với các thành viên trong gia đình, củng cố niềm tin cho số bà con còn ở lại bản. Mặt khác, ông đã nhanh chóng báo cáo tình hình với BĐBP. Ông cùng cán bộ Biên phòng không quản khó khăn, vất vả, đối mặt với không ít hiểm nguy để tìm cách liên lạc, kết nối, giảng giải, thuyết phục bà con quay trở lại bản sinh sống. Và bố tôi được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, cùng BĐBP tuyên truyền, vận động dân bản đoàn kết, không để kẻ xấu lợi dụng. Ồng cùng cán bộ Biên phòng đến từng hộ gia đình hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, cùng nhau xây dựng bản ấm no như ngày hôm nay”.
Chúng tôi đi trên con đường đã in dấu chân của già làng Phan Văn Xiết trong suốt 30 năm. Từ chân dốc đến cột mốc 286 dài chừng khoảng 8km, phải đi bộ hơn 4 tiếng đường rừng với núi cao, suối sâu và những con dốc dựng đứng.
“Ngày trước còn chưa có lối đi, cây cối mọc um tùm, hai cha con vừa đi vừa phát cây mở đường lên cột mốc. Những ngày nắng còn đỡ vất vả chứ ngày mưa thì đường trơn trượt, không vượt suối nhanh thì nước nó cuốn mình đi trong nháy mắt” - ông Cấu xúc động hồi tưởng - “Cha tôi thường dặn dò con cháu rằng: Biên giới của Tổ quốc là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Cha ông ta bao đời đã đổ xương máu đấu tranh mới có được nên con cháu phải biết giữ gìn, bảo vệ”...
Chúng tôi đến được cột mốc 286 khi nắng đã dội xuyên qua tán rừng rậm, hắt lên gương mặt ướt đẫm mồ hôi và từng nhịp thở hổn hển. Cả đoàn chỉnh lại trang phục, đứng nghiêm trang chào cột mốc. Rồi mỗi người một việc, ông Cấu kiểm tra thân mốc; anh San phát quang xung quanh, lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ Việt Nam, Lào và con số in trên hai mặt chính của cột mốc... Xong xuôi đâu đó, ông Cấu lấy điện thoại trong túi ra chụp xung quanh cột mốc, đồng thời lấy ra cuốn sổ nhỏ ghi chép lại nội dung đã kiểm tra.
Trời nhá nhem tối, đoàn chúng tôi đã xuống đến chân dốc đầu bản. Trong căn nhà sàn lộng gió đại ngàn, bố con ông Cấu đứng trước bàn thờ già làng Phan Văn Xiết khấn: “Bố ơi hôm nay con và cháu San cùng cán bộ Biên phòng đi kiểm tra cột mốc, cột mốc vẫn còn nguyên vẹn. Trên đường đi về, con đã phát hiện một số vật dụng của đối tượng lạ, con đã kịp thời báo cáo cho đồn Biên phòng rồi”...
Chuyện về già làng Phan Văn Xiết bảo vệ cột mốc quốc gia và chứng kiến những việc con và cháu ông đang kế tục khiến chúng tôi thật sự khâm phục và trân trọng tấm lòng của một gia đình người Dao tận trung với Tổ quốc, với Đảng. Những “cột mốc sống” trên vùng biên giới được truyền đời qua ba thế hệ như gia đình già làng Phan Văn Xiết đã góp phần làm lan tỏa tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ cho nhiều thế hệ người Dao của bản Suối Tút nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng biên Xứ Thanh nói chung.
Lẽ sống, niềm tin ấy sẽ sống mãi trong tâm trí mỗi người dân vùng biên, như dòng suối Tút vẫn bền bỉ, kiên trì sức sống.
Hải Chuyền (Báo Biên phòng)
baophutho.vn Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Cẩm Khê có mưa lớn cùng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Thao dâng nhanh...
baophutho.vn Khoảng 10h ngày 9/9, do nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết đã cuốn trôi 2 nhịp cầu Phong Châu, khoảng 120m (thuộc địa phận xã Vạn Xuân,...
baophutho.vn Tối 3/9, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức giao lưu và tôn vinh điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) giai đoạn...
baophutho.vn Theo Báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến ngày 3/9/2024, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ va chạm và tai nạn giao...
Thiệt thòi khi không được bố mẹ đồng hành chuẩn bị cho năm học mới, nhưng những em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh...
baophutho.vn Bằng nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua Quyết thắng (TĐQT),...
Thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động...
baophutho.vn Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày (từ 31/8-3/9), dự báo lưu lượng giao thông sẽ tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao...
Sáng 29/8, tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và...
baophutho.vn Ngày 29/8, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về...
baophutho.vn Vừa qua, Công an xã An Đạo, huyện Phù Ninh và Quỹ tín dụng Nhân dân xã đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc giả danh công an để lừa đảo số...
Pa Tần là xã biên giới của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, có đường biên giới giáp Trung Quốc dài 12,973km. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Pa Tần luôn chắc...