Cập nhật:  GMT+7

“Đòn bẩy” hỗ trợ giải quyết việc làm

Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi được hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả những năm qua. Thông qua nguồn vốn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có mức thu nhập cao hơn. Nguồn vốn đã góp phần hỗ trợ nhiều lao động, gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo được việc làm ổn định, thu hút một phần lao động nhàn rỗi tại địa phương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

“Đòn bẩy” hỗ trợ giải quyết việc làm

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Thao kiểm tra hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm của gia đình anh Lê Văn Phong ở khu 2, xã Cao Xá.

Hiệu quả từ vốn trao tay

Chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) là một trong những chương trình tín dụng chính sách kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau để cho vay như: Vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, vốn Ngân hàng CSXH huy động, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đã bổ sung nguồn vốn làm cơ sở để Ngân hàng CSXH trên địa bàn thực hiện hiệu quả, chất lượng chương trình tín dụng chính sách. Thông qua các nguồn vốn trên, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ cho vay đối với lao động yếu thế, người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tích cực thực hiện chương trình cho vay GQVL, tính đến hết tháng 10/2024, đã có trên 1.000 lao động trên địa bàn huyện Lâm Thao được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ưu đãi này. Nhiều lao động không chỉ vượt khó mà còn mở rộng sản xuất, vươn lên trở thành hộ khá giả ở địa phương. Trước khi quyết định chuyển sang nghề chăn nuôi gà đẻ trứng, anh Lê Văn Phong ở khu 2, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao từng có nhiều năm gắn bó với nghề tiếp thị các mặt hàng tiêu dùng. Thu nhập không ổn định, thường xuyên phải làm xa nhà khiến cho cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, anh Phong bàn với vợ thuê lại diện tích đất 5% của xã để xây chuồng nuôi gà đẻ trứng. Tuy nhiên, để đầu tư xây dãy chuồng nuôi với diện tích 600m2 đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi số tiền tích cóp của 2 vợ chồng chưa đáp ứng. Nhận thấy nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của gia đình anh là cấp thiết, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để anh Phong được vay 50 triệu đồng từ vốn vay GQVL của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH ủy thác qua tổ chức Đoàn thanh niên. Nguồn vốn trao tay đã giúp nghề chăn nuôi của gia đình anh ngày càng phát triển. Không lâu sau, anh Phong đã hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Tháng 11/2023, vợ chồng anh lại tiếp tục được vay thêm 200 triệu đồng từ nguồn vốn này để mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lên 1.200m2. Anh Phong chia sẻ: “Vốn vay đến đâu, vợ chồng tôi đầu tư và sinh lời đến đó. Đến nay, trang trại chăn nuôi với quy mô 12.000 gà đẻ trứng của gia đình mang lại lợi nhuận 350-400 triệu đồng mỗi năm. Cứ đà này, gia đình tôi sẽ cố gắng sớm hoàn trả vốn vay cho ngân hàng”.

“Đòn bẩy” hỗ trợ giải quyết việc làm

Sau khi được vay vốn GQVL, gia đình anh Bàn Văn Tỵ ở khu Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đầu tư chăn nuôi trâu, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Mới đây, gia đình anh Bàn Văn Tỵ người dân tộc Dao ở khu Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, anh Tỵ cho biết: “Cuộc sống ở vùng núi quanh năm chỉ biết dựa vào chăn nuôi, gieo trồng. Nhà 4 miệng ăn mà ruộng nương thì ít, vợ chồng tôi chỉ biết nuôi vài con vịt, con lợn để cải thiện hằng ngày. Khi được cán bộ tuyên truyền và tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất ưu đãi dành cho hộ cận nghèo, tôi mạnh dạn nuôi trâu sinh sản. Đến năm 2023, được vay thêm 100 triệu đồng từ vốn GQVL, tôi mua thêm 5 con trâu nữa. Đàn trâu con nào cũng khỏe mạnh, vợ chồng tôi không lo thất nghiệp nữa mà giờ đây quyết tâm chăm chỉ làm ăn để trả nợ và nuôi các con ăn học”.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều dự án phát triển sản xuất sau khi được tạo điều kiện vay vốn từ nguồn quỹ GQVL đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Nhằm đảm bảo vốn vay có hiệu quả, đúng quy định và mục tiêu của chương trình cho vay, hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh gồm: Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, triển khai cho vay và giám sát việc thực hiện các dự án vay vốn.

Tính đến hết tháng 10/2024, doanh số cho vay GQVL toàn tỉnh đạt trên 146 tỷ đồng, cho 2.326 lượt khách hàng vay vốn. Từ đó, tạo việc làm cho 2.422 lao động, trong đó gần 1.300 lao động nữ và 86 lao động là người dân tộc thiểu số. Các dự án cho vay chủ yếu phục vụ nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, nghề mộc, đan lát, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL đến nay đạt gần 739 tỷ đồng, tăng trên 48 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Hiện có 12.379 khách hàng dư nợ.

Tháo gỡ khó khăn

Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần hỗ trợ người lao động và cơ sở sản xuất kinh doanh tăng thu nhập, mở ra những mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, GQVL cho một bộ phận người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần giảm nghèo. Sau khi Nghị định 61/2015/NĐ-CP và Nghị định 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã tạo điều kiện và mở ra nhiều cơ hội hơn để các đối tượng chính sách được vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nhất là đối với người lao động tại các địa phương xây dựng nông thôn mới, khu vực thành thị.

“Đòn bẩy” hỗ trợ giải quyết việc làm

Các dự án cho vay GQVL ở huyện Cẩm Khê chủ yếu được đầu tư vào chăn nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm mang lại thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình cho vay này hiện gặp phải một số khó khăn: Nguồn vốn cho vay hiện nay chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân; nguồn vốn bổ sung từ Quỹ quốc gia về việc làm hàng năm còn thấp và nguồn vốn nhận ủy thác tại các địa phương chuyển sang để bổ sung cho vay còn hạn chế; nguồn vốn chủ yếu do NHCSXH huy động. Hiện nay, tỷ trọng nguồn vốn cho vay GQVL trong tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn còn khiêm tốn, chỉ chiếm trên 11,6%/tổng nguồn vốn cho vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh. Do vậy, nguồn vốn này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp.

Mặc dù nằm ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn đã tích cực thực hiện chương trình cho vay GQVL. 10 tháng năm 2024, Phòng giao dịch đã giải ngân cho vay trên 4,5 tỷ đồng tạo việc làm cho 62 lao động. Tính đến 31/10, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL đạt gần 34 tỷ đồng với 446 khách hàng dư nợ. Nhờ nguồn vốn cho vay từ chương trình tín dụng này đã góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi tại các xã: Long Cốc, Minh Đài, Văn Luông, Xuân Đài...

Đồng chí Tăng Tiến Sỹ - Giám đốc Phòng giao dịch chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất đối với đơn vị khi thực hiện cho vay GQVL là nguồn vốn được giao tăng trưởng hằng năm còn hạn chế, trong khi nhu cầu tạo việc làm của người lao động, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn rất lớn. Dư nợ nguồn vốn cho vay này chiếm tỷ trọng thấp, chỉ đạt 5,29%/tổng dư nợ các chương trình tín dụng đang triển khai trên địa bàn huyện”.

Trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình còn hữu hạn, một bộ phận người dân còn chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và cơn bão số 3 vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến Nhân dân. Ngân hàng cũng phối hợp hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, tuyên truyền người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay; lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Nhằm đồng thời triển khai tốt 20 chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân kịp thời nguồn vốn vay GQVL, bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng để đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, góp phần hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, khôi phục và phát triển kinh tế sau khi chịu tác động tiêu cực từ sau đại dịch COVID-19 và mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn ưu đãi cho vay GQVL cũng như các chương trình tín dụng chính sách khác, đồng chí Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Hằng năm, ưu tiên bố trí nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có chương trình cho vay GQVL. Từ đó, đồng vốn này thực sự trở thành “đòn bẩy” góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương”.

Hồng Nhung


Hồng Nhung

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long