
{title}
{publish}
{head}
Trong Đề án sáp nhập hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ đặt ra yêu cầu cao về tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa vùng miền. Câu chuyện giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Mường càng trở nên cấp thiết sau sáp nhập, bởi chỉ tính riêng ở Hòa Bình (cũ) tỷ lệ dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Đây không chỉ là vấn đề bản sắc, mà còn là yếu tố cốt lõi để tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững, khẳng định vị thế trong một không gian hành chính mới rộng lớn hơn.
Trang phục truyền thống dân tộc Mường được trình diễn trong các sự kiện, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hiện nay.
Văn hóa Mường - tài sản sống giữa đại ngàn
Người Mường Hòa Bình từ lâu đã kiến tạo nên một kho tàng di sản văn hoá phong phú, từ Mo Mường, chiêng Mường, sử thi Đẻ đất, đẻ nước, đến những lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghề thủ công, nhà sàn, trang phục, ẩm thực... Trong đó, Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hoá nhân loại.
Tuy nhiên, cùng với tiến trình đô thị hóa, toàn cầu hoá và ảnh hưởng của đời sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Mường đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhà sàn truyền thống chỉ còn chưa đầy 10%; tiếng nói, chữ viết, trang phục, các trò chơi dân gian cũng đang dần lùi sâu vào ký ức cộng đồng. Đáng lo ngại hơn, lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến tiếng Mường, không biết hoặc không sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt thường ngày.
Tháng 11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030”, thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống giữa bối cảnh chuyển động của thời đại. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng không gian văn hoá dân tộc Mường tại huyện Tân Lạc - một “thủ phủ văn hoá Mường” với các khu vực trình diễn, tổ chức Lễ hội Khai hạ, phục dựng làng cổ, phát triển du lịch cộng đồng... Đồng thời, tu bổ, tôn tạo các di tích như Hang Xóm Trại (xã Tân Lập) và Mái đá Làng Vành (xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản nhân loại.
Hệ thống các lễ hội truyền thống 4 Mường lớn của tỉnh như Mường Bi, Mường Thàng, Mường Động đang dần được khôi phục quy mô cấp tỉnh, tạo thành sản phẩm văn hoá - du lịch độc đáo. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023 - 2025, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức quy mô cấp tỉnh, mở ra cơ hội quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh người Mường Hòa Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025, chị Lê Thị Ngọc Mai, du khách đến từ Hà Nội lần đầu tham dự lễ hội chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với không gian văn hóa Mường tại Lễ hội Khai hạ. Từ tiếng chiêng rộn ràng, điệu múa truyền thống đến các món ẩm thực dân tộc đều mang lại cảm xúc rất đặc biệt. Đây không chỉ là chuyến du lịch, mà còn là hành trình trải nghiệm và thấu hiểu chiều sâu văn hóa của người Mường.
Đặc biệt, năm 2016, tỉnh xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng bộ chữ viết dân tộc Mường. Đây là dấu mốc quan trọng gắn với lịch sử phát triển tỉnh. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, sự ra đời của bộ chữ viết dân tộc Mường có vai trò quan trọng lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác, đầy đủ và khoa học. Từ bản ghi chính thức này, Mo Mường được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ việc lập hồ sơ khoa học. Bên cạnh đó, tiếng Mường khẳng định tính trường tồn cùng vốn văn hóa dân tộc trong các làn điệu dân ca, hát đối, thường rang, bộ mẹng...
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được duy trì tổ chức hàng năm để giới thiệu bản sắc văn hoá tới du khách trong và ngoài nước.
Nuôi dưỡng bản sắc
Là người luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến cử tri, Nhân dân tỉnh Hòa Bình (cũ) nhiều năm, đồng chí Bùi Văn Luyến - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ bày tỏ trăn trở: Cử tri mong muốn sau sáp nhập tỉnh, văn hóa dân tộc Mường tiếp tục được quan tâm đúng mức. Không thể phát triển bền vững nếu để bản sắc bị mờ nhạt. Văn hóa không chỉ để trưng bày mà phải sống trong cộng đồng. Bản sắc chính là năng lực mềm tạo nên sức mạnh nội sinh của tỉnh và văn hóa Mường là một phần hồn cốt không thể thay thế trong tổng thể ấy.
Sáp nhập không chỉ là bài toán về địa giới hành chính, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về định vị bản sắc vùng miền, để không bị hòa tan giữa muôn mặt văn hóa. Với Hòa Bình, văn hoá Mường giữ vai trò chủ thể thì bảo tồn văn hoá dân tộc không chỉ là bảo tồn một di sản, mà là gìn giữ “cái tôi” riêng biệt, là nền tảng để cùng đóng góp vào bản sắc chung của tỉnh mới.
Từ chính sách bảo tồn lễ hội, phục dựng nhà sàn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, tổ chức lớp dạy chữ Mường, nâng cao đãi ngộ nghệ nhân... đến việc kết hợp văn hoá với phát triển du lịch, mỗi bước đi đều cần gắn với chiến lược dài hạn. Văn hoá cần sống trong cộng đồng, không chỉ trưng bày trong bảo tàng. Những nghệ nhân nắm giữ tri thức Mo Mường cần được tôn vinh đúng mực, hỗ trợ truyền dạy. Mỗi lớp học tiếng Mường không chỉ giúp học sinh hiểu thêm cội rễ, mà còn là mạch nguồn văn hoá tiếp nối.
Trong giai đoạn tới, với nền tảng đã có, tỉnh Phú Thọ tiếp tục huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng từ việc lồng ghép các nội dung bảo tồn văn hóa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đến xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di sản. Từ tuyên truyền sâu rộng về giá trị của văn hóa Mường, đến khuyến khích người dân sáng tạo các sản phẩm văn hoá - du lịch mang dấu ấn riêng, biến di sản thành tài sản góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Văn hoá là sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai. Trong không gian hành chính mới, văn hoá Mường như một điểm tựa để phát triển hài hoà và bền vững. Bởi vậy, việc giữ lấy cội nguồn, nuôi dưỡng bản sắc là cách để giá trị văn hoá dân tộc Mường không chỉ “hội nhập” mà còn “nâng tầm”.
Hương Lan
baophutho.vn Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, vùng Mường Vang (huyện Lạc Sơn cũ) thành lập 8 xã, gồm: Ngọc Sơn, Quyết Thắng, Thượng Cốc, Lạc Sơn, Đại...
Nằm ở dải đất miền trung khắc nghiệt, Quảng Trị không chỉ là địa danh gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn là kho tàng văn hóa, di sản phong phú, đa dạng.
baophutho.vn Tối 21/6, tại khu vực công viên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, lễ khai mạc Triển lãm Liên hoan du lịch, ẩm thực, làng nghề...
baophutho.vn Trong dòng chảy hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ của đất nước, mỗi địa phương đều nỗ lực tìm kiếm hướng đi riêng, những thế mạnh đặc trưng để...
baophutho.vn Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong văn hóa đọc, đặc biệt là ở giới trẻ. Để...
baophutho.vn Tối 3/6, tại sân khấu Công viên Văn Lang đã diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập thành phố Việt Trì (4/6/1962...
baophutho.vn Từ ngày 1-8/6, tại sân Trung tâm thương mại Vincom Plaza Việt Trì (đường Hùng Vương, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) diễn ra hội sách chào...
baophutho.vn Tối 31/5, tại sân khấu Nhà Văn hoá lao động tỉnh, Trung tâm Thanh thiếu nhi Hùng Vương (Tỉnh Đoàn thanh niên) tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài...
baophutho.vn Trong bối cảnh du lịch theo xu hướng xanh, bền vững và cá nhân hóa trải nghiệm, những điểm đến gắn liền nghỉ dưỡng, chữa lành đang trở thành...
baophutho.vn Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Hiểu rõ về tầm quan trọng của di tích lịch sử văn hóa,...
baophutho.vn Tối 17/5, tại Bảo tàng Hùng Vương (TP Việt Trì), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 135 năm Ngày...