{title}
{publish}
{head}
Trước năm 8 tuổi, khi còn ở phố, tôi chỉ biết có loài hến. Mẹ đi chợ về, đổ hến ra cái thau, hến nằm ngổn ngang màu vàng vàng đen đen, tròn tròn, to bằng ngón tay cái. Ngâm một buổi thì những con hến thè cái lưỡi màu sáng xanh ra ngoài, như nếm thử cái thứ nước trong thau có uống được không, mà cũng có thể là nó đang thở. Những cái lưỡi mảnh mai ấy, có thể xem miệt mài không dứt, như thể chúng đang vẽ những bức tranh bí mật.
Ảnh minh họa
Nhiều khi tò mò, tôi thò cả ngón tay chạm vào cái lưỡi mảnh mai ấy, lũ hến lập tức rụt cổ, khép chặt miệng lại... Cũng nhiều khi tôi thử nhưng cũng có những con không chịu khép, phải đứng dậy giơ chân đá cái thau một phát, chúng mới chịu khép miệng lại, như thể vừa có một trận động đất mù khơi...
Nhưng sau tám tuổi, sau 1975, cả nhà tôi rời phố về làng, chiều chiều tôi đi theo lũ bạn chăn trâu, mới biết trong bãi trâu nẹp tắm táp buổi chiều, có thêm một loài nhuyễn thể rất lớn, lớn có khi bằng cả bàn tay con nít, đó là con bọp bọp. Thuở ấy không ai ăn bọp bọp, vì thế chúng sinh sôi rất nhiều, cứ dẫm chân xuống bùn là bắt được. Từng chiều lẽo đẽo đi theo đuôi trâu dưới bãi sông, tôi bắt được hàng chục con, hình dài dài, màu đen đen. Vỏ ngoài xù xì xấu xí tàn tệ, nhưng tách đôi thân chúng ra, bên trong lại óng ánh long lanh mang một thế giới sắc màu khác hẳn. Như thể nó đang vẽ một bức tranh lạ lùng, hay tạo hóa bí mật giao bức tranh kỳ lạ cho chúng cất giữ.
Vài năm sau lớn lên, tôi đã thử tìm dọc bờ sông, nhưng không hề thấy chúng ở đâu khác, cơ hồ như cả con sông, chỉ có bãi trâu nẹp từng chiều mới có loài bọp bọp ấy. Có lẽ ở bến trâu mẹp ấy, mới có loài bọp bọp, và chúng đã ăn bùn phân trâu mà lớn.
Cũng từ khi biết đến nhà hàng ở phố, lại biết thêm loài nhuyễn thể có tên là trìa, trìa hấp sả, trìa nướng, trìa xáo rau răm, trìa nấu canh kiểu Thái Lan... Độ nhậu nào tôi cũng thích gọi món trìa, thơm tho mùi sả chanh, húp muỗng nước thấy lòng dạ nở nang như chính con trìa nó hiểu được thấu ruột gan mình. Rồi là bao nhiêu thứ sò, sò lụa, sò lông, sò huyết... Ăn sò, đừng dại đổ tất tật vào nồi. Cứ lấy một cái xoong đặt lên bếp lửa, cho chai bia vào, thêm ít ớt gừng tỏi, ăn con nào nhúng vào nước sôi con ấy, chín vừa tới gắp ra, ăn ngọt và nóng bỏng lưỡi, hết cuộc nhậu nhiều khi vẫn còn vài con sò sống trên dĩa, mà miệng mồm đã ca hát tung trời...
Nhưng vì sao lại là hến ám ảnh chứ không là những loài hai mảnh đắt tiền khác? Không phải vì Huế có món cơm hến được coi là món ăn dưỡng sinh số một rau nhiều thịt ít, đến mức nó đã được làm khô như mì ăn liền, gọi là cơm hến ăn liền. Cơm hến ăn ngon chủ yếu nhờ cái nước ngọt lừ, cơm hến ăn liền dù cố công lọc ruốc nhiều chi đi nữa, cũng nhạt thếch vô hồi, như là thứ để người xa Huế có chút hương vị để đỡ nhớ quê xưa...
Nhắc đến hến vì như thể nó đã di cư vào trí óc tôi và nhiều người trong làng, nằm lì ở đó, lập khu tự trị, từ những ngày ấu thơ. Đơn giản bởi hến là loài cứu đói. Những năm làng đói, trước sau 1980, mấy nghìn cái miệng háu đói của làng nằm trên những thân xác xơ rơ, như thể giơ cả xương ra nắng mặt trời, lòi hết cả sắc màu tím tái trong mưa lạnh mùa Đông. Mấy nghìn cái miệng ăn hết cả đồng lúa vặt vẹo, ăn hết cả đồng khoai đồng sắn, ăn hết cả bao nhiêu rặng măng tre, ăn hết cả rau dại, củ chuối, bắp ngô xay hạt cứng hầm đến ba ngày ba đêm không nhừ... Kể lúa bắp khoai sắn cho nhiều, chứ hồi đó làm hợp tác xã, làm tập đoàn, hết mùa là hết lúa hết bắp, lấy đâu ra mà ăn. Thuở đó trong cơn đói, làng ăn như một cơn lốc, đi tới đâu sạch sành sanh thức ăn đến đó. Đến mức tới bữa ăn, chỉ còn một nồi nước sôi lõng bõng, rau tập tàng xắt nhuyễn thả vào, rồi rưới bột sắn vào khuấy lên, nhà có điều kiện còn thêm tí ruốc tí mỡ cho thơm, nhà con đông nghèo kiết xác chỉ việc vậy thôi, dắt xoong xuống bếp, cả chục cái mông kê đòn tre lết lại ngồi quanh, giơ chén chờ người phụ nữ đảm đang múc lưng bát mà húp xì xà xì xoạch... Nhớ lại những cảnh này, không khi nào tôi không khóc, người bồn chồn đứng lên ngồi xuống như mình vừa xem xong cuốn phim chưa bao giờ thấy chiếu trên màn hình, mà đạo diễn đã vứt nó đi đâu.
Một Hè nọ, ăn sạch sành sanh các thứ, mấy nghìn cái miệng trong làng ngơ ngác. Chợt một người nhớ ra, dưới sông có hến rất nhiều, cả một mỏ hến âm thầm nằm ở đáy sông chưa được khai quật. Thế là nhà nhà mang rổ rá xuống sông lặn hụp. Hít một hơi lặn xuống, dí vành rổ vào đáy sông, lùa bùn vào, bưng cả cái rổ bùn lên đảo sách, trơ ra những con hến nón hến tra, đổ cả lũ vào thau vào nồi. Sông Bồ dạo ấy trong vắt, từng sáng từng chiều bỗng đục ngầu vì người ta thi nhau lặn hến. Nhiều khi chỉ lặn có một tiếng đồng hồ, thằng con nít mười hai tuổi như tôi mà cũng lấy được một thau hến đầy. Không chỉ đàn ông, đàn bà cũng đi lặn hến, nước sông đánh lật cả mấy tà áo và đám tóc dài xõa lòa xòa dưới sông như rong cỏ nước lùa...
Hến đem về nấu canh rau muống, canh dưa chuối, xào rau bí, xào môn, xào mướp đắng mướp ngọt... Qua ngày qua ngày qua ngày. Làng như tươi lại, mấy cái miệng câm nín như hến bỗng nhiên nở được nụ cười tưởng đã bị nỗi sầu ảm đạm cơm áo cuốn đi. Thức ăn từ đó cơ hồ cái gì cũng cho hến vào. Nhưng ngon nhất có lẽ món cháo hến nấu sắn. Sắn củ vừa nhổ xong, lấy bàn mài mài thành sợi, rồi nấu cháo hến như nấu cháo hến với gạo, xắt thêm mấy cọng lá sân, lá lốt, có hành ngò là thành món ngon vĩ đại. Thơm nưng nức, thơm nở nang, thơm như ai nông cả cái mũi mình ra để mà thốc cái mùi thơm vào, tha hồ hít hà. Sắn thường khi ăn nghẹn đến mấy tầng mây, giờ trôi vào cổ họng như uống cốc nước chanh mùa Hè, có khi còn hơn thế nữa...
Mười bốn tuổi tôi xa làng lên phố, tưởng xa được cái đói, ai ngờ bếp ăn học sinh trường chuyên còn đói hơn, bữa ăn toàn sắn lát khô cứng ngắc hầm cả tấn than đá cũng không chịu mềm cho, phải vứt hết ra bàn ăn mà liếm mấy hạt cơm, người thắt lại như sợi dây, đau ốm dặt dẹo, vậy là lại về làng, rau cỏ sang ngày mà vẫn hồi sức, chắc chắn là nhờ có hến.
O tôi nói, sau này tụi bây sinh con nhớ đặt tên là Hến. Hến Chị, Hến Em, Hến Đen, Hến Vàng..., mấy cái tên cũng hay đó chứ, hơn đứt mấy cái tên xưa: Trâu, Chó, Bẹp Chị, Bẹp Em, Đùm Anh, Đùm Em... Ấy vậy mà khi tôi sinh con, không dám đặt tên Hến cho đứa nào. Có thể tôi xấu hổ cho con vì mấy cái tên đó không còn hợp thời, cũng có thể tôi quên bẵng đi cái chuyện đặt tên Hến sau bao nhiêu ngày lang thang tang bồng cho đến khi viết mấy dòng này mới nhớ ra, mà cũng có thể tôi đành đoạn dứt bỏ quá khứ một thời ảm đạm với cái đói quay quắt. Ai mà biết được, tôi còn không biết huống hồ ai...
Phù Sinh (Theo Tạp chí Sông Hương)
“Được học”, “Bà đại sứ”, “Tro tàn của Angela”... là những tác phẩm hay về nghề giáo mà độc giả và các thầy cô nên đọc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
baophutho.vn Từ ngày 17-18/11, tại sân khấu nhà văn hóa Khu Dù, xã Xuân Sơn, UBND huyện Tân Sơn tổ chức Liên hoan Nghệ thuật quần chúng huyện Tân Sơn.
Tối 10/3, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh, Nghệ An) đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Sáng mãi lời dạy của Bác”.
Tháng 6-2011, nhân đêm thơ Tố Hữu “Theo chân Bác” kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi và nhà thơ Phạm Xuân Đương - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đến thăm bà...
Nhà ông ngoại có một cái sân rộng. Trước sân, ông trồng hai cây bưởi, tán lá bưởi xanh che kín mặt sân. Chúng tôi, những đứa trẻ nương tuổi thơ mình bên tán bưởi già như mái...
Trong 2 ngày 21-22/4/2024, hoà nhạc “Four Seasons Concert” sẽ được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm Hà Nội. Lần đầu tiên tổ khúc “Bốn mùa” của Vivaldi do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát...
Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt ấn phẩm truyện tranh Việt Nam của họa sĩ Lilywiu mang tên Tàn lửa kể lại một câu chuyện đầy sức nặng về tình cảm gia đình, lòng tham hư vinh và...
Không hiểu sao khi bước vào tháng Giêng tôi lại thường hay nghĩ về mẹ. Tháng Giêng như một cánh cửa khép lại năm cũ và bước sang năm mới với bao hồi hộp, bao ước vọng, bao khấp...
Trong đời sống âm nhạc, dường như một xu hướng đang trở thành phổ biến, cuốn hút nhiều nghệ sĩ, đó là làm mới các ca khúc của thời đã qua. Điều này mang đến cho công chúng...
“Tháng chạp là tháng trồng khoai, Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà...”
Nhà hát Tuổi trẻ mới dựng và công diễn vở kịch nói “Bến nước thời gian” của cố tác giả Tạ Xuyên, chuyển thể từ truyện ngắn “Mười ba bến nước” của nhà văn quân đội Sương Nguyệt...
Không hiểu sao mỗi khi đọc bài thơ “Nhớ mẹ và làng quan họ” tôi lại muốn khóc. Có phải vì nỗi niềm của nhà thơ đã bật lên rưng rức ngay từ câu đầu tiên. Vì sự hoài niệm, khắc...