
{title}
{publish}
{head}
Tương truyền, 5 loài: Anh vũ, cá lăng, cá dầm xanh, cá chiên và cá bỗng thuộc các loài cá quý dùng để tiến Vua, đã được ghi nhận trong sử sách, được dân gian xưng tụng “ngũ quý hà thủy” của các dòng sông phía Bắc. Là “mỹ vị nhân gian” trên đời, nên không phải ai cũng có cơ hội được thấy, được ăn dù chỉ một lần...Và vì quá quý hiếm, dù có mong muốn nhân nuôi diện rộng, nhưng con cá bỗng những năm qua cũng trải nhiều lận đận, thăng trầm...
Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà nhiều năm qua đã tạo việc làm và mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân dọc tuyến sông.
Nỗi niềm “vua” cá bỗng
Từng nổi chìm cùng nghề cá lồng, nhắc đến ông Thiều Minh Thế ở khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy dân nuôi cá lồng dọc sông Đà chắc không ai còn lạ gì nữa. Với kinh nghiệm dày dặn trong nghề, ông còn làm Chủ nhiệm HTX cá lồng Thanh Thủy, nhiều năm liên tục ở “ngôi vương” khi trong tay có hàng trăm lồng cá các loại, doanh thu nhiều tỷ đồng từ nghề cá, là hình mẫu cho các hộ nuôi cá lồng dọc sông Đà và trên các sông địa bàn Phú Thọ đến học tập, làm theo...
Từng trải qua những thăng trầm trong nghề nuôi cá lồng, từng lao đao vì thiên tai, vì thủy điện... nhưng giờ đây, ông vẫn là hộ đứng đầu với trên 30 lồng. Một chiều đầu tháng 4, ngay bên tốp thợ đang hàn lồng mới để chuẩn bị vào cá, trong tiếng sóng ọc ạch của nước sông Đà vỗ bờ, chúng tôi cùng trò chuyện với ông về con cá bỗng- loài đặc sản đã được ông nuôi trên chính những chiếc lồng của mình...
Hộ ông Thiều Minh Thế (áo trắng) khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy làm lồng mới để xuống nước và vào thêm cá.
Ông nhớ lại: Năm 2014, tôi có vài chục lồng cá và là hộ đi đầu trong nhân nuôi, vào giống, ra lồng với vốn đầu tư khá “khủng” từ tiền vay mượn và vốn tự có. Thấy tôi có tiềm năng và kinh nghiệm, khi đó Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã bàn bạc và cùng tiến hành nuôi thử nghiệm cá bỗng, giống cá đặc sản trên sông Đà - việc chưa từng có từ trước đến nay với loài này.
Khoát tay xuống dòng Đà giang xanh ngắt, ông kể: Lứa đầu tiên, chúng tôi thả 1.000 con cá bỗng giống và chăn nuôi theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản. Sau một thời gian theo dõi, thấy chúng cũng dễ chăm sóc, ăn tạp, chủ yếu là cỏ, cám... Cũng từ mô hình của gia đình, nhiều hộ nuôi cá lồng hăng hái vào giống với mong muốn có một cuộc “lột xác” về cá nuôi và đầu ra cho một loài cá đặc sản lần đầu tiên được nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Sau 3-4 năm nuôi, những con đầu tiên chúng tôi thu hoạch lên đến 3-4kg, giá khá tốt. Thậm chí, con to nhất lên đến 6kg. Nhiều hộ cũng cho biết như thế về con cá này. Nhưng thời gian nuôi quá lâu so với các giống cá khác đang có đầu ra mạnh như lăng, diêu hồng, rô phi... nên chúng tôi đã không vào thêm giống mà duy trì đàn. Ông Thế nhấn mạnh: Đúng là cá quý thật, giá lại cao hơn tất cả các loại đang nuôi thương phẩm nhưng thú thực là đầu ra kém, khách ăn kén, nhiều nhà hàng không tiêu thụ, còn bán đại trà thì không mấy ai mua, nên con bỗng cứ teo tóp dần... Đến giờ thì không còn ai nuôi thêm nữa!
Cá bỗng tiến Vua được nuôi nhốt gần 5 năm trong môi trường bán tự nhiên.
Cá bỗng là đặc sản bởi thịt ngon, dai và thơm. Đặc biệt, cá bỗng không có xương dăm và cực chậm lớn. Với giá hiện tại khoảng 350 nghìn đồng/1kg trên thị trường, cá bỗng đầu ra rất hẹp, khi kén khách ăn và hầu như người tiêu dùng, nhà hàng không nhập và chế biến đại trà.
Lý giải câu hỏi gặng của chúng tôi, “vua” cá bỗng cho rằng: Qua một thời gian dài nuôi thử nghiệm, con cá bỗng tự bị đào thải khỏi các lồng do chậm lớn, nguồn nước sông Đà quá trong và chảy mạnh khiến con cá chậm phát triển. Bên cạnh đó, thời gian nuôi quá dài, người nuôi không đủ lực để theo con cá trong khi các giống khác bù đắp kinh tế nhanh hơn loài này và có chu kỳ thu hoạch ngắn.
Vén tấm lưới chắn mặt lồng lên, ông Thế chỉ cho chúng tôi những con bỗng tầm 3-4kg còn lại, thân óng ánh, vây đỏ nhìn rất đẹp đang ăn mồi, bảo: Loài này nó khỏe lắm, không có lưới chắn là nhảy ra sông hết. Cả nhà tôi hiện còn khoảng 20 con này thôi, cứ nuôi đó chứ cũng không có ý định bán vì không có khách ăn và nó cũng là những con cuối cùng, giữ làm kỷ niệm.
Thở dài, ông nhấn thêm mấy câu cuối, trong buổi chuyện, khiến chúng tôi cũng bùi ngùi: Biết là cá quý đấy, cũng muốn nhân thêm loài này, nhưng thú thực chúng tôi không đủ kiên nhẫn và lực để duy trì chúng. Cơm áo gạo tiền không đùa với dân nuôi cá lồng, nên đành bất lực anh ạ. Cả tuyến sông Đà may ra còn được vài chục con nuôi rải rác trong các lồng.
Khó phát triển cá đặc sản
Đây là nhận định chung của nhiều hộ chăn nuôi cá lồng trên sông Đà, sông Lô... về nuôi các giống cá đặc sản. Trong 5 loài cá tiến Vua từng biết, gồm: Anh vũ, cá lăng, cá dầm xanh, cá chiên và cá bỗng, thì người nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đã thử nuôi được 3 loại là: Bỗng, chiên và lăng. Tuy nhiên đến nay, 3 loài cá này hầu như không còn trên hệ thống lồng bè.
Anh Lã Tiến Boong- người có nhiều lồng cá trên sông Lô, địa bàn xã Hùng Lô, TP Việt Trì khẳng định: Hiện tuyến sông Lô đã sạch giống cá chiên dù trước đó nhiều hộ đã từng nuôi và bán thương phẩm ra thị trường. Riêng cá bỗng thì không còn ai nuôi nữa. Giờ chỉ trên mạn Tuyên Quang và Hòa Bình, Hà Giang nuôi bỗng nhiều chứ Phú Thọ nhiều năm nay không ai vào giống. Nếu cần tìm cá giống thì không khó, nhưng do quá chậm lớn, hiệu quả kinh tế cao nhưng trừ chi phí đi không lãi bao nhiêu nên hầu hết không ai mặn mà.
Anh Boong thông tin thêm: Đều chậm lớn và rất khó bán anh ạ. Giá cao nên không phải khách hàng nào cũng tiếp cận được so với các giống cá phổ thông như diêu hồng, rô phi, trắm cỏ... Tôi đã từng mang bỗng đi giao ở một số nhà hàng chuyên cá tại TP Việt Trì, nhưng do không có khách ăn nên các nhà hàng cũng không nhập loại cá này.
Theo anh: Thị trường quyết định rất lớn việc vào giống của các hộ nuôi. Thường thì người nuôi sẽ tập trung vào các loại phổ thông, nhanh lớn, giá chấp nhận được. Tôi từng nuôi bỗng, nếu 3-4 năm mà xuất được là nuôi tốt, còn không phải 5-6 năm mới được tầm 3-4kg, thời gian quá dài để người nuôi đổ vốn vào đầu tư loài này. Nhưng tình trạng đầu ra cho cá bỗng và một số loài đặc sản chất lượng cao rất khó khăn và đây là câu chuyện chung của nghề ở mạn phía Bắc hiện nay.
Những con cá bỗng cuối cùng trong lồng của anh Dương Tiến Dũng, khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy.
Con cá bỗng hơn 7kg, có giá bán trên 2 triệu theo thời giá hiện tại nhưng rất khó có đầu ra và phải nuôi nhiều năm mới đạt trọng lượng như vậy.
Trao đổi về con cá chiên đặc sản, anh Dương Tiến Dũng ở khu 5, xã Xuân Lộc, Thanh Thủy- một hộ có kinh nghiệm nuôi cá lồng, cho rằng: Khó nuôi lắm, chậm lớn mà giống đắt. Các anh tính, 4-5 năm mới được một con cá 4-5kg, thức ăn đắt thì làm sao người nuôi lồng theo được, do đó mạn sông Đà hầu như không có ai nuôi cá chiên đâu. Về con cá lăng (lăng đen- nheo Mỹ...) mà các lồng vẫn nuôi, anh nhấn mạnh: Cũng là cá ngon, sạch nhưng với điều kiện phải nuôi già cá (tầm 5-6 năm trở lên) còn nếu nuôi 18-24 tháng xuất bán thì chưa đủ độ ngon nhất của cá. Giờ cũng đã hết thời giống lăng đen rồi, do bão hòa và kinh tế khó khăn nên đầu ra bị thu hẹp lại dần.
Thông tin chúng tôi tìm hiểu được, cá lăng có nhiều loại, gồm: Lăng đen, lăng đuôi đỏ và lăng nghệ (lăng vàng) có thể nuôi, tuy nhiên con cá lăng chấm (cá quất) là không thể nuôi được và chỉ có ngoài tự nhiên, do đánh bắt từ nghề chài lưới. Và đây mới thực sự là con lăng tiến Vua như dân gian vẫn kể. Giá cực cao, khó đánh bắt và hầu như không phải nhà hàng nào cũng có mối để tiếp cận được, do đó con lăng chấm càng ngày càng hiếm dần vì thời tiết, thay đổi dòng chảy và biến đổi khí hậu...
Nhấc con cá bỗng nặng hơn 2kg trong lồng lên cho khách xem, anh Dũng trầm trồ: Anh nhìn con cá có đẹp không. Vẩy óng ánh, các vây như mầu cờ, đỏ rực và rất khỏe, nhưng giá cao và nuôi lâu lớn quá. Nhà còn dăm con nhưng tôi không bán mà để nuôi giữ lồng, để con cháu biết con cá bỗng tiến Vua nó như thế nào. Cũng muốn nuôi nhiều, nhân lồng... nhưng con cá đặc sản đúng là khó phát triển thật sự anh ạ.
Mong muốn nuôi cấy nhiều giống cá đặc sản để cung cấp cho thị trường và duy trì nguồn gen quý, nhưng cá bỗng cũng như lăng, chiên, anh vũ, dầm xanh đều “khó tính” với cả thị trường và quá trình chăn nuôi. Cần một chiến lược dài hơi, khoa học và có đầu tư bài bản, thành vùng, khu vực riêng... để vận động người nuôi duy trì các giống cá đặc sản là câu chuyện không phải một sớm, một chiều với nghề nuôi cá- vốn cũng đã bấp bênh cùng lắm rủi ro thường trực bao năm nay trên những dòng sông...
Quốc Hội
baophutho.vn “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10/3” - câu ca như lời nhắc nhớ mỗi người con đất Việt dù công tác, làm việc hay học tập ở bất kỳ...
baophutho.vn Từng là dự án nhà ở xã hội thuộc hàng “top” của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2020, thế nhưng, hiện nay, Khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp...
baophutho.vn Được mùa, được giá, sản phẩm nông nghiệp làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, đối chiếu công nợ cho lợi nhuận cao..., thế nhưng, nhiều nông dân,...
baophutho.vn Hơn 10 năm qua, 100% hộ dân với 60 khẩu tại tổ 44, khu 7, phường Vân Phú, TP Việt Trì vẫn mòn mỏi đợi đường. Tuy họ đã nộp tiền cơ sở hạ tầng...
baophutho.vn Đến tháng 1/2025, những nút thắt cuối cùng trong công cuộc thực hiện Dự án 513 của Phú Thọ đã từng bước được tháo gỡ. Những kinh nghiệm, bài...
baophutho.vn Trong nhiều khu vực giáp ranh xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư của Phú Thọ, đã có tiền lệ thống nhất được phương án giải quyết để làm rõ ranh...
baophutho.vn Sống gần cả đời người trên mảnh đất được định danh khu 20 – xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thuỷ, nhưng nghịch lý rằng 48 hộ dân nơi đây đến nay vẫn...
baophutho.vn Với đặc thù là xã vùng trũng, nằm ven dải đất sông Đà, nhiều năm nay, người dân xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy đã khai thác tiềm năng, thế mạnh...
baophutho.vn Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, họ rong ruổi trên chiếc xe máy gần trăm cây số mỗi ngày dọc các tuyến đường được phân công quản lý. Mỗi khi...
baophutho.vn Giơ bàn tay phải với một ngón đã mất một đốt, co quắp... lên cho tôi xem, ông Lê Văn Sử, năm nay 72 tuổi, ở “làng rắn” Tứ Xã, Lâm Thao kể lại...