Cập nhật:  GMT+7

Lễ mừng lúa mới của người Cơ Tu

Lễ mừng lúa mới phản ánh chân thực nét đẹp văn hóa truyền thống, nói lên những ước mơ bình dị của dân tộc Cơ Tu.

Lễ mừng lúa mới, trong tiếng Cơ Tu gọi là “Cha ha roo tamêê”, là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống của dân tộc Cơ Tu. Lễ hội nhằm thể hiện sự biết ơn đối với đất trời và các thần linh đã cho dân làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ mừng lúa mới được dân tộc Cơ Tu tổ chức hằng năm.

Lễ mừng lúa mới của người Cơ Tu

Quang cảnh Tết mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh do Công an tỉnh Quảng Nam cung cấp.

Từ xưa đến nay, dân tộc Cơ Tu gắn bó với nương rẫy và gắn kết với cây lúa. Do họ sống chủ yếu ở núi rừng khiến việc canh tác nông nghiệp gặp khó khăn, nên người Cơ Tu luôn mong ước mùa màng tươi tốt, lúa về trĩu hạt, bắp thì đầy kho. Vì thế, sau khi thu hoạch lúa, họ tổ chức lễ mừng lúa mới, kết thúc một chu kỳ trồng trọt để bước vào một vụ mùa mới. Ông Bríu Pố, già làng xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Tháng 10 âm lịch là lúa mùa mới chín. Mỗi làng tổ chức lễ mừng lúa mới vào tháng 10 âm lịch, không nhất thiết cùng ngày. Trước đây, 1 năm chỉ có 1 mùa lúa, cho nên người Cơ Tu rất phấn khởi qua 1 năm lao động vất vả, nhưng được mùa nên họ phải cúng thần linh. Thông qua lễ mừng lúa mới, họ cầu mong thần linh, đất trời phù hộ cho họ mưa thuận gió hòa, thu hoạch được thật nhiều lúa, lâu hết lúa, thu hoạch lúa càng lâu thì càng tốt, kho lúa thật là đầy. Dân làng cũng mong được thần linh phù hộ không bị ốm đau, mạnh khỏe”.

Lễ mừng lúa mới của người Cơ Tu

Quang cảnh múa tung tung da dá của dân tộc Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh do Công an tỉnh Quảng Nam cung cấp.

Cũng giống như các lễ khác, lễ mừng lúa mới bao gồm phần lễ và phần hội. Để chuẩn bị cho lễ hội, người Cơ Tu dựng cây nêu trong làng. Mọi người già trẻ, gái trai bận rộn làm khá nhiều việc. Trong phần lễ, đặc biệt nhất là nghi lễ đâm trâu. Theo quan niệm của người Cơ Tu, trâu là vật nuôi gần gũi với đời sống thường ngày và cũng là loài vật quan trọng, là vật tế thần linh trong những ngày trọng đại. Sau nghi lễ đâm trâu, các chàng trai cô gái chia nhau làm các món ăn để bày trong mâm cúng lễ. Nam giới sẽ nướng cá, hấp cá, gùi cá ống, nướng thịt, luộc thịt, gùi ống thịt lợn, nướng gà, luộc gà, thui ống ếch, làm cơm lam, rót rượu cần, rượu trắng. Nữ giới làm tất cả gia vị, bóp gia vị cho các món ăn theo từng loại, ngâm gạo, nấu xôi, luộc sắn, luộc ngô, luộc khoai, nấu canh, xào rau; chuẩn bị chu đáo các loại món ăn cho mọi người. Anh Bh’ling Phát, Trưởng thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Lễ mừng lúa mới người ta làm lớn nhỏ tùy theo điều kiện, khả năng từng thôn, từng bản, từng xã. Làm lễ bắt buộc phải có con trâu hoặc con bò, con dê. Đó là phong tục ở đây. Họ dựng cây nêu làm chỗ cúng bái. Những già làng uy tín, người già trong thôn, bản chủ trì lễ cúng thần linh, thay mặt dân làng khấn xin trời đất phù hộ được mùa bội thu”.

Kết thúc phần lễ là tới phần hội. Mọi người cùng thưởng thức các món ăn, cùng nhau múa tung tung da dá, điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, hát vang những bài ca truyền thống, vui mừng chào đón một vụ mùa mới.

Việc tổ chức lễ mừng lúa mới tùy theo khả năng của từng làng. Nếu như năm nào vụ mùa đạt sản lượng cao thì làng tổ chức lễ quy mô lớn và ngược lại, mất mùa thì chỉ tổ chức nhỏ. Tuy nhiên, Lễ mừng lúa mới đều có sự tham gia đóng góp của dân làng, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Dịp này, dân làng tưng bừng nhảy múa, hát hò vui nhộn. Ông Bríu Pố, già làng xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Phần hội có múa tung tung da dá. Họ thay nhau đánh trống, đánh chiêng, phụ nữ mặc áo đẹp. Dân làng tổ chức các trò chơi dân gian, đâm vòng, ai đâm chính giữa vòng đang quay thì thắng. Hoặc tổ chức nhảy cao, thi phóng lao trúng đích”.

Lễ mừng lúa mới phản ánh chân thực nét đẹp văn hóa truyền thống, nói lên những ước mơ bình dị của dân tộc Cơ Tu. Đây cũng là dịp để dân làng tề tựu, giao lưu, gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ niềm vui sau những ngày tháng vất vả làm nương rẫy.

Ngọc Anh (VOV5)


Ngọc Anh (VOV5)

 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Thêm hướng thoát nghèo

Thêm hướng thoát nghèo
2023-12-13 14:14:00

baophutho.vn Những năm gần đây, người lao động tìm hướng thoát nghèo bằng con đường xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Thực tế nhiều gia đình thoát nghèo từ...

Làng homestay “giữ lửa” nghề thổ cẩm

Làng homestay “giữ lửa” nghề thổ cẩm
2023-12-13 09:17:00

Nghề dệt thổ cẩm đang phát triển khá sôi động tại các bản làng ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Nghề dệt thổ cẩm được khôi phục không chỉ giúp người dân bản...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long