Cập nhật:  GMT+7

Người Tày giữ kỹ thuật đóng thuyền gỗ truyền thống

Với quá trình sinh sống lâu đời dọc 2 bờ sông Lô, bà con nhiều làng, bản ở Hà Giang gắn một phần đời sống sinh hoạt, sản xuất với sông nước. Trước đây ở các làng bản, người dân tự đóng được thuyền gỗ. Cuộc sống hiện đại, có nhiều loại thuyền công nghiệp nên việc đóng thuyền ngày càng ít đi. Nhưng ở thôn Tân Tiến, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, người Tày nơi đây vẫn giữ kỹ thuật đóng thuyền gỗ cha ông truyền lại.

Chúng tôi đến thôn Tân Tiến vào một buổi sáng Hè oi ả, tiếng chim tu hú gọi bầy vang trên đồi. Xen trong không gian ấy, tại hộ ông Nguyễn Văn Chuyên, 65 tuổi, là tiếng gõ, tiếng hô của đàn ông trong thôn đến giúp ông Chuyên đóng thuyền gỗ. Ông Chuyên tâm sự, hiện nay có nhiều loại thuyền sắt rất dễ mua trên thị trường. Nhưng, bà con ở đây vẫn muốn giữ kỹ thuật đóng thuyền gỗ truyền thống làm phương tiện qua sông Lô sang bãi sản xuất, đánh cá... Cứ khi nào thuyền gỗ hỏng, nhiều hộ lại đóng thuyền thay thế. Trước đây, trong thôn lúc nhiều nhất có đến vài chục hộ có thuyền gỗ, nhưng nay do nhu cầu giảm, hoặc một số bà con mua thuyền sắt cho tiện, trong thôn còn khoảng chục chiếc thuyền gỗ sử dụng hàng ngày.

Trong tiếng hô đồng thanh ghì, uốn ván để ghép thuyền, tôi được nghe những người cao tuổi ở Tân Tiến cho biết, để làm được một chiếc thuyền gỗ truyền thống đẹp, chắc, cần có người giỏi kỹ thuật đóng thuyền. Ở thôn, nhiều người biết kỹ thuật mộc cơ bản, nhưng chỉ có vài người có kỹ thuật cao để chỉ huy từng bước đóng thuyền, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình đóng thuyền.

Người Tày giữ kỹ thuật đóng thuyền gỗ truyền thống

Quá trình đóng thuyền của người dân thôn Tân Tiến đòi hỏi sự cầu kỳ, cẩn thận.

Để đóng một chiếc thuyền gỗ, đảm bảo bơi tốt, cần phải chuẩn bị từ khâu đi tìm gỗ. Gỗ đóng thuyền thường là gỗ dâu rừng, là thứ gỗ nhẹ, chống nước tốt và bền bỉ khi tiếp xúc lâu năm với nước. Đồng thời, loại gỗ này cũng dễ uốn cong, ít bị vỡ. Gỗ được chọn mang về xẻ đúng độ dày, đảm bảo không bị nứt. Quá trình làm thuyền từ khi gỗ vẫn còn hơi tươi, tránh quá khô sẽ ảnh hưởng đến việc uốn, ép tạo hình thuyền. Trước đây, khi chưa có đinh, bà con thường phải mua sắt về rèn đinh để đóng thuyền rất cầu kỳ, nhưng nay có sẵn đinh thép, giúp thuyền chắc chắn hơn.

Quá trình đóng thuyền, gần như không thể tự các gia đình làm được, mà cần có sự trợ giúp của bà con. Vì thế trong buổi đóng thuyền, tính đoàn kết anh em làng xóm được thể hiện rất rõ. Với khoảng gần chục người đàn ông có kinh nghiệm cùng làm, chỉ mất khoảng 2 ngày sẽ đóng xong chiếc thuyền gỗ. Anh Nguyễn Văn Hải, 40 tuổi, ở Tân Tiến chia sẻ, đóng thuyền khó nhất là khâu ghép gỗ, tạo hình thuyền. Đây là khâu cần sự phối hợp nhịp nhàng, khéo léo để gắn kết các tấm ván gỗ dâu rừng, đảm bảo không bị vênh, vỡ, đồng thời sai số giữa các bên đối xứng không đáng kể; các điểm đóng, vít đinh đảm bảo giữ cho những miếng ván cố định chặt chẽ, tạo hình thuyền cân đối, chắc khỏe.

Vượt qua khâu tạo hình thuyền, những người thợ sẽ sử dụng keo bịt kín các khe, lỗ, đầu đinh, các điểm tiếp nối khung thuyền. Sau đó, thuyền sẽ được sơn một lớp sơn phủ ngoài chống ngấm nước nhằm kéo dài tuổi thuyền. Việc sử dụng đinh, keo, các kết nối gỗ khung trong thân thuyền giúp cho thuyền trở nên chắc chắn, để khi ra sông nước, thuyền an toàn vượt sông và có thể được sử dụng trong nhiều năm liên tục.

Theo bà con, thuyền gỗ là tài sản quan trọng, giá trị đóng một chiếc thuyền gỗ hiện nay khoảng 5–7 triệu đồng. Giá này cũng gần bằng việc mua một chiếc thuyền sắt với kích thước cùng loại, dài khoảng 3,5m, rộng khoảng 60-70cm. Tuy nhiên, cho dù thuyền sắt sẵn bán trên thị trường, nhưng theo bà con, thuyền gỗ dùng thích hơn, bởi khi điều khiển trên sông, thuyền lướt êm và dễ dàng hơn nhiều so với thuyền sắt.

Người Tày giữ kỹ thuật đóng thuyền gỗ truyền thống

Chiếc thuyền gỗ vẫn được truyền giữ dù hiện nay có nhiều loại thuyền công nghiệp.

Chiếc thuyền gỗ được hoàn thành, nhiều nhà chọn ngày đẹp để hạ thủy. Một chiếc thuyền dài hơn 3,5m có thể chở được 5–6 người, hộ có thuyền sẵn sàng chia sẻ 2–3 hộ cùng dùng chung khi vào mùa vụ. Trong khi chưa có cầu, hoặc cầu ở quá xa, chiếc thuyền giúp bà con trong thôn hàng ngày vượt sông Lô để sang bãi, đồi làm nương, chăn nuôi, đánh cá... Mùa thu hoạch, những chiếc thuyền nối nhau chở đầy ắp ngô, sắn, lợn, gà từ bên sông về Tân Tiến. Đến mùa khô, bà con dùng thuyền để đi đánh cá.

Anh Nguyễn Văn Trụ, Trưởng thôn Tân Tiến cho biết, trong khi ở nhiều nơi gần như không duy trì kỹ thuật đóng thuyền gỗ thì người Tày ở Tân Tiến vẫn lưu giữ kỹ thuật này. Chiếc thuyền là thứ gắn kết tình làng nghĩa xóm rất sâu sắc. Tuy nhiên, theo thời gian lớp trẻ ngày nay thích sự tiện lợi, rời nghề nông ra ngoài tìm việc, vì thế thời gian tới, kỹ thuật đóng thuyền gỗ ở đây sẽ dễ có nguy cơ mai một.

Huy Toán (Báo Hà Giang)


Huy Toán (Báo Hà Giang)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Một thập kỷ góp phần lan tỏa tiếng khèn Mông

Một thập kỷ góp phần lan tỏa tiếng khèn Mông
2025-05-07 14:53:00

Là địa phương có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mông, những năm qua, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã quyết liệt thực hiện việc bảo tồn...

“Báu vật sống” ở vùng cao Ba Chẽ

“Báu vật sống” ở vùng cao Ba Chẽ
2025-05-05 08:27:00

Nhiều giá trị văn hóa của các DTTS huyện vùng cao Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh tưởng chừng bị mai một đã được “sống lại” trong cộng đồng và truyền bá rộng rãi nhờ hành trình tìm...

Người giữ hồn văn hóa Sán Dìu

Người giữ hồn văn hóa Sán Dìu
2025-04-23 09:02:00

Đến câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Dìu thôn Hội Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tôi gặp được anh Trương Minh Quyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, người mà...

Tập trung đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS

Tập trung đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS
2025-04-22 09:23:00

Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, các cấp, ngành và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng...

Cóc Cọc gìn giữ nghề dệt vải truyền thống

Cóc Cọc gìn giữ nghề dệt vải truyền thống
2025-04-22 07:38:00

Theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cũng ngày càng mai một. Thế nhưng, bằng tình yêu với...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long