Cập nhật: Thứ 7, 07/03/2015 | 07:34 GMT+7

Những ngày nóng bỏng ở Tây Nguyên tháng 3-1975

PTo- Quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đập tan chế độ ngụy quyền tay sai bán nước, thời điểm này bốn mươi năm trước, trên khắp chiến trường miền Nam, các đơn vị Giải phóng quân hừng hực khí thế tiến công hướng về Sài Gòn trong chiến dịch mang tên Bác. Chỉ hơn tháng sau, trưa ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Miền Nam vỡ òa trong niềm vui giải phóng. Lịch sử dân tộc Việt Nam Anh hùng bước sang trang mới… Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), Phú Thọ Cuối tuần trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tư liệu lịch sử quý giá tái hiện bước tiến thần tốc, chiến công vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Năm 1973, trước khi rút quân khỏi Việt Nam theo Hiệp định Pa-ri, đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ cho quân ngụy Sài Gòn trên 1 tỷ đô la, gần 2 triệu tấn vật tư chiến tranh. Cuối năm 1974, lực lượng địch với 1 triệu quân chủ lực và 70 vạn phòng vệ dân sự bị căng ra trên hai đầu chiến trường miền Nam, sức chiến đấu đã giảm nhiều. Ở Tây Nguyên, vùng giải phóng của ta mở rộng. Đông Xuân năm 1974-1975, cuộc chiến đấu của quân, dân ta bước vào giai đoạn cuối. Tháng 1-1975, Phước Long - thị xã đầu tiên ở Đông Nam bộ được giải phóng.

Để chi viện chiến trường miền Nam, ngoài việc tuyển 15 nghìn quân, gấp đôi số lượng năm 1974, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) được lệnh đưa một trung đoàn bộ đội của tỉnh do đồng chí Trần Thể, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Việt Trì phụ trách vào cắm chốt ở Ngã ba Đông Dương làm nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Tôi khi ấy là Phó Chủ tịch Thường trực UBHC tỉnh được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ dẫn đầu đội tiền trạm gồm 11 kỹ sư, cán bộ quy hoạch sản xuất, thủy lợi, thổ nhưỡng, trồng trọt, chăn nuôi cùng 1 sĩ quan Tỉnh Đội vào khảo sát, chuẩn bị địa bàn hoạt động cho trung đoàn đồng chí Trần Thể. Đồng chí Lê Tu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chính ủy Tỉnh Đội là phó đoàn. Chúng tôi được trang bị trang phục quân đội vải Tô Châu, ba lô, súng ngắn, AK 47 đi theo đường giao liên quân sự trên 2 xe Rumani.

Vượt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Sau Tết Ất Mão, ngày 7 tháng Giêng âm lịch, chúng tôi xuất phát từ Việt Trì nhập trạm giao liên đường Hồ Chí Minh, con đường của ý chí quyết thắng đưa 2 triệu lượt quân ta cùng 22 vạn tấn vật tư hàng hóa cho chiến trường miền Nam, Lào và Cam-pu-chia. Hành trình bắt đầu từ trạm Thường Tín vào Khe Ve (Tây Quảng Bình) rồi theo đường Tây Trường Sơn đi 600km, qua 6 trạm trên đất bạn Lào thuộc các huyện Ăng Kham, Mường Nọn, Sê pôn tỉnh Khăm Muộn. Tuyến đường uốn lượn chon von trên núi cao, luồn qua các cánh rừng nguyên sinh, các thung lũng lỗ chỗ hố bom, ngổn ngang xác xe pháo, vương vãi vũ khí điện tử của Mỹ đã rỉ sét cùng vô số vỏ bom, vỏ đạn, lốp xe, khung xe tải bị phá hủy. Dọc các sông, suối chảy xiết từ thượng nguồn Sê pôn tới Sê Ca Máng, gặp rất nhiều phong lan tuyệt đẹp trên cây săng lẻ điểm xuyết cho cây xanh tầm thấp với các bông hoa chuối, hoa rừng đỏ tươi. Rải rác các bãi trú quân có giá mắc võng, có lán cho người ốm, hố vệ sinh, bếp Hoàng Cầm, hầm tránh bom pháo. Ở một vài trạm, chúng tôi được bổ sung đường, sữa, thuốc phòng chống sốt rét. Ít khi phải dùng lương khô 702 mà chúng tôi được ăn cơm nóng với mắm kem, ruốc khô, thịt hộp, rau hộp của nước ngoài viện trợ, đôi khi còn có món rau tươi, măng rừng, cá suối. Ở trạm Sê Sụ, nhà bếp nuôi được cả lợn gà, thuần dưỡng cả một chú gấu khoảng 80kg rất lành, luôn đi theo các cô cấp dưỡng.

Hành quân đường dài rất tốn sức do đường xấu, nhiều ổ trâu, ổ voi. Rất ít đoạn đường rải đá, phần lớn là đường đất, chằng chịt các nhánh rễ với vô số cọc chỉ đường mang ký hiệu, mật danh các đơn vị quân đội. Khi vượt sông suối nếu không có phà kéo tay, phải nhờ xe 3 cầu dùng tời kéo. Luôn phải chống sa lầy với lớp bụi đất dày 30 - 50 phân. Đồng chí Hồng, lái xe của tỉnh có sáng kiến chặt nhiều khúc gậy tre cho mọi người xúm vào đẩy xe khi bị pa-ti-nê. Cuối ngày quần áo, mặt mũi, chân tay ai cũng đầy bụi đỏ. Tuy mệt song chúng tôi thấy sự gian khổ của mình không thấm vào đâu so với bộ đội, thanh niên xung phong túc trực trên tuyến đường. Chúng tôi hành quân cả ban ngày, xen lẫn dòng xe pháo của bộ đội nối đuôi nhau hối hả vào chiến trường báo hiệu cuộc chiến đấu quy mô lớn sắp nổ ra. Vượt đèo Ăng Bun ở chặng cuối, ngày 23-2-1975, chúng tôi vào địa phận Kon Tum, đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại.

Cuộc chiến gian khổ của Tây Nguyên và sự tan rã của quân ngụy

Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu V và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, chúng tôi được đồng chí Trần Kiên, Thường vụ Khu ủy, Phó Tư lệnh Quân khu V trực tiếp hướng dẫn đi khảo sát các địa bàn Đắc Tô, Tân Cảnh, dọc sông Sa Thầy, vùng ngã ba Đông Dương quanh Đức Cơ.

Tây Nguyên khi ấy đất rộng người thưa. Số dân Kon Tum chỉ 15 vạn, Gia Lai 20 vạn, Đắk Lắc 25 vạn. Đồng chí Trần Kiên cho biết đồng bào các dân tộc một lòng theo cách mạng. Sau Mậu Thân 1968, bị địch phong tỏa gắt gao từ đồng bằng gây tắc nghẽn nguồn tiếp tế, bộ đội cũng lâm vào cảnh thiếu cơm, thiếu muối. Nhiều năm liền, mỗi chiến sĩ chỉ được 2 lạng gạo mỗi ngày, còn lại là ăn sắn, củ quả trên rừng. Quân khu phát cẩm nang cho bộ đội chỉ dẫn cách tìm 61 loại rau quả có thể ăn để chống đói. Muối phải chia từng nhúm nhỏ đặt trên lòng bàn tay từng người. Nhờ chi viện của miền Bắc và trồng sắn tự túc, sức chiến đấu của quân và dân được phục hồi và nâng cao, lập nhiều chiến công mở rộng vùng giải phóng. Trong chiến đấu, hàng ngàn chiến sĩ đã nằm xuống lòng đất Tây Nguyên trong đó có không ít con em Phú Thọ. Ở Tân Cảnh, bên cạnh xác xe pháo Mỹ, chúng tôi còn thấy chiếc xe tăng số hiệu 333 của ta bị cháy. Tổ 3 người bị hy sinh gồm: Lái xe Cao Trần Vinh (quê Cao Xá - Lâm Thao), pháo thủ Vũ Đình Lương (quê Khải Xuân - Thanh Ba), Nguyễn Đức Toàn (quê Phù Ninh).

Khi chúng tôi tiếp tục khảo sát vùng ven sông Sê rê pốc, nam Tây Nguyên thì ngày 10-3-1975, ta tấn công Buôn Ma Thuột, tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy, làm chủ thị xã ngày 11-3. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu hấp tấp ra lệnh chuyển Sở chỉ huy quân đoàn 2 từ Plâyku về Nha Trang, tùy nghi di tản trong sự hỗn loạn đến cực độ. Đồng chí Đinh Đức Thiện trong bộ chỉ huy chiến dịch nói: Không phải khảo sát cò con nữa mà nay mai sẽ giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, công việc sẽ khác rất nhiều. Quả thật, ngày 14-3 địch rút khỏi KonTum. Tối 15-3 chúng tôi cùng Anh hùng quân đội Đinh Núp, Tỉnh đội trưởng và đồng chí Năm Vinh, Khu ủy viên Khu V tiến vào thị xã Plâyku trong ánh hỏa châu rực sáng bầu trời. Gặp đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Sư đoàn 10 Tây Nguyên trên đường truy kích quân ngụy tháo chạy được biết người cắm cờ ở Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy ở Buôn Ma Thuột tên là Phan Văn Vị, quê Đất Tổ, Tiểu đội trưởng của Sư đoàn 10. Ngày 18-3 đồng chí Vi Văn Hợi (quê Cẩm Khê) đã chỉ huy tiểu đội chặn đánh địch tháo chạy trên đường số 7 tại Cheo Reo, bắn cháy xe tăng quay ngang lòng đường gây tắc nghẽn hàng ngàn xe cộ để quân ta kịp tới tiêu diệt. Năm 1976 đồng chí Hợi được phong danh hiệu Anh hùng quân đội. Những gương chiến đấu sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã làm vẻ vang cho con người Đất Tổ.

Tình hình cuộc chiến diễn biến rất nhanh. Ngày 18-3 ta giải phóng Quảng Trị. Sau đó là Huế (25-3), Đà Nẵng (29-3). Trên đường về báo cáo với Khu ủy V chúng tôi đã góp sức cùng đồng bào Trà My chuyển đá lát ngầm cho xe tăng tiến về giải phóng Đà Nẵng. Trước khi về Vĩnh Phú, chúng tôi vào Huế mới giải phóng, dọc đường thấy la liệt quân trang, quân dụng của địch vứt lại khi tháo chạy.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao quân ngụy suy sụp, tan rã nhanh chóng trong chiến đấu? Ngoài sai lầm của địch về mặt chiến lược, chiến thuật, còn có nguyên nhân từ chính trị, tinh thần và văn hóa sống của con người. Khi vào tòa thị chính Plâyku, tôi hy vọng có thể tìm kiếm những gì có ích cho quy hoạch phát triển kinh tế song chỉ thu được ít tư liệu về nông trường trồng và chế biến chè Bầu Kạn. Tình cờ lượm tờ tạp chí "Không quân" của ngụy, thấy có bài thơ của Nghi Cao Uyên (bút danh của Nguyễn Cao Kỳ) viết năm 1974 dưới nhan đề "Thân phận", nội dung như sau: "Sống là một kiếp đi buôn/ Mang thân bán vốn còn hồn cho thuê/ Mỗi ngày một giấc ngủ mê/ Sáng đi ảo mộng, tối về cưu mang/ Bát cơm miếng cháy khô vàng/ Miếng chua khó nuốt, địa đàng khó lên/ Trăm năm trăm thứ tủi phiền/ Vấn vương rồi cũng vô duyên một đời...". Hoặc như bài "Sống không lý tưởng" ký tên hạ sĩ Thanh Sơn lữ dù 3: "Sự đời ta hãy vùi chôn/ Không còn lý tưởng, bước dồn trong mơ/ Ta cúi xuống cho vụt sầu rã rượi/ Năm tháng phiêu bồng, quên lãng, mê say/ Giờ mộng ước chỉ còn trong cô tịch/ Đối diện tâm hồn: Sa mạc hoang vu/ Trên nẻo trần gian độc hành viễn xứ. Tìm đâu bến bờ, vực thẳm cô liêu".

Rõ ràng là sự trống rỗng về tinh thần, lý tưởng sống đã khiến cho quân ngụy dù được quan thầy Mỹ trả lương cao, được trang bị kỹ càng mà vẫn không sao đối địch nổi với quân đội cách mạng của ta mạnh hơn hẳn về ý chí, tinh thần chiến đấu, về nghệ thuật quân sự.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trước sự tấn công mãnh liệt của Sư đoàn 312, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Chuông (quê Thượng Nông - Tam Nông), tên chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê đã tự sát. Khi đồng chí Nguyễn Chuông vào Sở chỉ huy Sư đoàn 5 thấy bên cạnh xác tên Vỹ có tờ báo "Thời cuộc" đặt trên bàn làm việc có dòng chữ viết nguệch ngoạc: "Nhục nhã, nhục nhã. Nhiều tiền quá".

Đó là sự lý giải rõ ràng nhất về sự tan rã hoàn toàn của quân ngụy.

Phạm Dụ



 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Đất nước trọn niềm vui
01:08 30/04/2023

Cách đây tròn 48 năm, vào lúc 11h30’ ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của Đế quốc Mỹ ...

Ký ức mùa Xuân lịch sử
09:09 26/04/2024

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với trận mở màn Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải ...

Đội quân ăn bám, đánh thuê
04:15 22/06/2023

Thất bại thảm hại, bị lịch sử chôn vùi nhục nhã trong nấm mồ tội lỗi phản quốc hại dân đã gần nửa thế kỷ, cái thây ma mang tên Quân lực Việt Nam Cộng hoà vẫn ...

Vang mãi bản hùng ca mùa Xuân
23:47 29/04/2023

Cách đây 48 năm, với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc ...

Tháng 3 ở Ninh Vân!
08:03 01/03/2024

Tháng 3 này ở Ninh Vân, những đóa hoa lại được thả xuống mặt biển để tưởng nhớ đến thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến bảo ...

Triển khai mạnh mẽ hợp tác Việt Nam-Hà Lan

Triển khai mạnh mẽ hợp tác Việt Nam-Hà Lan
02:00 06/03/2015

Chiều 5/3/2015, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan Catharina Trooster ...

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sắp sang thăm Việt Nam

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sắp sang thăm Việt Nam
01:36 06/03/2015

Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, chiều 4/3, tại thủ đô Moskva, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn đã tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga...

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

18°C - 21°C
Nhiều mây, không mưa
  • 14°C - 21°C
    Có mây, không mưa
  • 11°C - 21°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long