Cập nhật:  GMT+7

Ốc đá - Lộc rừng thức giấc

Khi tiếng sấm đầu mùa vang vọng giữa thung lũng, rừng già khu vực tỉnh Hoà Bình (cũ) nay là tỉnh Phú Thọ (mới) trở mình thức dậy. Trong bóng tối ẩm lạnh, từng con ốc nhỏ, vỏ xoắn như đồng xu, rón rén trườn ra khỏi hang đá, báo hiệu mùa sinh sôi sau nhiều tháng vùi mình dưới lớp đất khô. Cũng lúc ấy, dưới chân núi, người Mường, người Thái lại lục tục đeo đèn pin, vác sọt tre, đi theo những lối mòn trơn trượt, bắt đầu mùa “săn lộc rừng” với món quà mang tên ốc đá.

Từ món ăn mùa mưa đến “túi thuốc” giữa rừng

Ốc đá hay còn gọi là ốc núi, ốc thuốc, là loài đặc hữu chỉ sinh sống ở những vùng rừng đá vôi, khe suối nhỏ, nơi có độ cao trung bình và thảm thực vật còn nguyên sinh. Vào mùa khô, chúng gần như biến mất, vùi sâu trong đất. Chỉ đến khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, độ ẩm trong rừng tăng cao, ốc mới bắt đầu thức giấc, bò ra khỏi hang đá trong đêm âm thầm, chậm rãi, ẩn mình dưới lớp lá mục ướt át.

Điều đặc biệt của loài ốc này còn ở khẩu phần ăn. Chúng sống bằng lá cây rừng, trong đó có nhiều loài cây thuốc nam như ngải cứu, lá lốt, sâm đất... Với người Mường, người Thái, ốc đá không chỉ là món ăn lót dạ mùa mưa mà còn là vị thuốc quý của rừng. Phần ruột ốc, nơi chứa chất dinh dưỡng tích tụ trong những tháng ngủ đông, được gọi là “túi thuốc”, mang theo tinh chất của cây lá rừng. Vì thế, dân bản vẫn bảo nhau: Ăn ốc thì phải ăn cả ruột, nếu bỏ đi tức là “vứt phí lộc trời”. Đó không chỉ là kinh nghiệm ẩm thực, mà còn là cách trân quý tự nhiên, trân trọng những gì núi rừng đã ban cho.

Ốc đá - Lộc rừng thức giấc

Người dân xã Phú Cường cân ốc đá sau một đêm đi rừng

Ốc đá hiện diện nhiều ở khu vực như: Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn (cũ)... - nơi còn giữ được những cánh rừng rậm rạp, khe suối trong veo, thảm lá dày ẩm và khí hậu mát lành. Cũng bởi vậy, số lượng ốc bắt được mỗi mùa không chỉ phản ánh sự khéo léo của người đi rừng, mà còn là “chỉ số sống” của rừng núi: rừng khỏe thì ốc nhiều, rừng bạc màu thì lộc rừng cũng dần khan hiếm.

Nếu ai từng ghé bản Lác (Mai Châu), ngủ nhà sàn, thưởng thức ốc đá hấp sả, hẳn sẽ không thể quên món ăn dân dã này. Ốc được luộc sơ, hấp với gừng, sả, lá chanh, thêm vài lát ớt. Chỉ chục phút là hương thơm đã lan khắp gian bếp. Khách xuýt xoa nhón từng con ốc nhỏ, chấm với mắm chanh ớt pha mắc khén, cảm nhận vị giòn sật, ngọt thanh, thơm nhẹ mùi cây thuốc và đôi chút đắng nơi đầu lưỡi. Vị của rừng, của đá, của mưa đầu mùa không thể trộn lẫn.

Giờ đây, ốc đá không chỉ có mặt trong bữa cơm thường ngày mà còn hiện diện trong thực đơn nhà hàng tại khu vực TP. Hòa Bình hay Kim Bôi (cũ), và các bản du lịch cộng đồng như Pom Coọng, Chiềng Châu (Mai Châu)... Một đĩa ốc hấp sả có giá khoảng trăm nghìn đồng, nhưng được khách từ dưới xuôi khen là “đáng tiền như gà đồi, lợn bản”. Ở homestay nhà sàn của chị Hà Thị Duyên, ở xóm Chiềng Châu (Mai Châu), du khách nước ngoài thì thấy lạ, người Hà Nội thì thấy ngon, còn chị thì nói gọn: “Dân bản mình thấy... nhớ. Mùa này, không có ốc, bữa ăn như thiếu vị.”

Đánh đổi sinh kế hay gìn giữ bền vững?

Với nhiều người dân vùng cao, ốc đá là “nguồn thu trời cho” vào thời điểm giáp hạt. Mỗi đêm mưa, người dân lại soi đèn pin vào rừng, trên vai là chiếc gùi tre. Có người khéo bắt, thu được 4-7kg một đêm, giá bán đầu vụ tới 80.000-90.000 đồng/kg. Một mùa ốc kéo dài 3-4 tháng, người siêng năng có thể kiếm 5-7 triệu đồng/tháng - một khoản không nhỏ đối với các hộ vùng sâu, vùng xa.

Từ món ăn dân dã, ốc đá đã thành hàng hóa đặc sản, mang theo kỳ vọng: Giúp dân bản có thêm bữa ăn ấm bụng, giúp homestay có món lạ để giữ chân du khách, giúp người đi rừng có thêm khoản thu nhập giữa mùa mưa. Nhưng cũng từ đây, một nỗi băn khoăn bắt đầu lớn dần khi càng nhiều người vào rừng săn ốc, liệu lộc rừng có còn đủ cho tất cả? Khi mỗi cơn mưa là một đợt gom hàng, liệu sinh kế từ thiên nhiên ấy có duy trì được lâu?

“Ngày xưa, sâu mỗi trận mưa, chỉ cần ra khe suối là “nhặt” được ốc đá, giờ thì phải đi sâu cả cây số,” ông Bùi Văn Chạo, người có hơn 20 năm soi ốc ở vùng rừng Tân Lạc chậm rãi kể. Ông không than thở. Ông đang nói về một thực tế hiển hiện: Rừng không còn nhiều ốc như trước nữa. Và nếu có, cũng đã ẩn sâu hơn, khó tìm hơn.

Ốc đá từ món ăn mùa mưa đã trở thành hàng hóa. Và rừng, từ chốn trú ngụ, dần trở thành “kho hàng”. Mỗi cơn mưa đổ xuống là một đợt gom hàng rầm rộ. Thương lái đứng chờ ở bìa rừng, thu mua theo ký. Trên mạng xã hội, các nhóm “gom ốc núi sống, không giới hạn số lượng” mọc lên liên tục. Nhiều người không còn nhặt lựa ốc trưởng thành mà vét cả ổ-cả con to, con nhỏ, cả ốc non chưa đủ tuổi sinh sản.

Không chỉ có nguy cơ cạn kiệt, việc đi soi ốc còn ẩn chứa những rủi ro chết người. Năm 2024, một phụ nữ ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc cũ) đã tử vong vì trượt chân xuống khe đá khi đang đi soi ốc ban đêm. Trước đó, hai người từ Ninh Bình vào rừng Cúc Phương bắt ốc đã bị lạc suốt ba ngày ba đêm giữa rừng... Những vụ việc như vậy không hiếm, nhưng vẫn chưa đủ để khiến dòng người ngừng lại.

Ốc đá - Lộc rừng thức giấc

Ốc đá vỏ xoắn tròn, dẹt, màu nâu sẫm hoặc pha trắng ngà.

Hiện tại, ốc đá vẫn chưa được đưa vào danh mục loài cần bảo vệ. Không có quy định về mùa khai thác, cỡ ốc tối thiểu hay vùng cấm săn bắt. Chính quyền địa phương tuy đã cảnh báo, nhưng chủ yếu vẫn là tuyên truyền, chưa có biện pháp kiểm soát cụ thể.

“Cái khó là ốc tự nhiên, sống rải rác trong rừng, chưa ai nuôi được, cũng chưa ai thống kê được số lượng,” một cán bộ kiểm lâm chia sẻ. “Nếu không kiểm soát tốt, vài năm nữa có thể phải... nhập ốc đá về làm đặc sản.”

Đó không còn là lời cảnh báo viển vông. Đó là tương lai rất gần, nếu ta cứ tiếp tục coi lộc trời là vô tận, nếu mỗi trận mưa xuống là một cuộc vét cạn không chừa lại mầm sống cho mùa sau.

Nguyễn Yến


Nguyễn Yến

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Đánh thức tiềm năng du lịch

Đánh thức tiềm năng du lịch
2025-07-01 08:34:00

baophutho.vn Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã được Chính phủ, các bộ, ngành chọn là điểm tham quan...

Từ đôi bàn tay tài hoa

Từ đôi bàn tay tài hoa
2025-06-20 08:22:00

baophutho.vn Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, những khúc gỗ vô tri hay nắm đất thô sơ bỗng thức tỉnh như có hồn cốt và hơi thở.

Sắc vàng nắng hè

Sắc vàng nắng hè
2025-05-31 18:00:00

baophutho.vn Không khó để bắt gặp sắc vàng rực rỡ của muồng hoàng yến mỗi độ hè về trên các tuyến phố của TP Việt Trì - loài hoa như mang theo cả nắng trời...

Để du lịch vươn mình trên “đất Mẫu”

Để du lịch vươn mình trên “đất Mẫu”
2025-05-30 17:12:00

baophutho.vn Hạ Hòa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước. Sự hòa quyện độc đáo giữa bề dày truyền...

Về đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ

Về đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ
2025-05-28 07:04:00

baophutho.vn Là một trong số gần 50 vị Trạng nguyên của nước ta, Vũ Duệ sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn...

Du lịch Yên Lập: Khi tiềm năng thành hiện thực

Du lịch Yên Lập: Khi tiềm năng thành hiện thực
2025-05-27 15:17:00

baophutho.vn Sở hữu tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn cùng nền văn hóa bản địa đa dạng, huyện Yên Lập đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch với...

Mùa rắn cho “vàng”

Mùa rắn cho “vàng”
2025-05-27 07:59:00

baophutho.vn Vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, khi tiết trời chuyển sang oi nóng cũng là lúc người nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao bước vào mùa...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long