Cập nhật:  GMT+7

Phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững

Phú Thọ là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản, tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống, hạ tầng, công tác khuyến ngư, vay vốn tín dụng, cho thuê mặt nước để khuyến khích người dân phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị. Nhờ đó, ngành Thủy sản đã có bước phát triển vượt bậc, hình thành nhiều mô hình nuôi thâm canh cho năng suất, hiệu quả cao, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh.

Phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững

Thu hoạch tôm càng xanh ở xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê.

Gia tăng năng suất

Phú Thọ có hệ thống sông, ngòi, ao, hồ đa dạng, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 10.800ha, trong đó diện tích chuyên nuôi 5.600ha, diện tích nuôi hồ chứa, ruộng 1 vụ 5.200ha, tổng số lồng nuôi thâm canh 1.337 lồng. Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều địa phương không chỉ giảm nghèo mà còn vươn lên trở thành điểm sáng phát triển kinh tế về nuôi trồng thủy sản, điển hình như xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa; xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê; xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy...

Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tăng nhanh thu nhập, mức sống của lao động nông thôn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành các chính sách phát triển thủy sản, chú trọng quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương; đồng hành cùng người nuôi thủy sản xây dựng các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ; phối hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến để xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản ổn định; tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm theo dõi, nắm bắt chặt chẽ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, khu nuôi tập trung, cơ sở nuôi cá lồng, sản xuất, kinh doanh giống, vật tư thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình thủy sản có hiệu quả kinh tế cao, tạo sức bật mới cho ngành Thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Cẩm Khê là một trong những địa phương sớm xác định lợi thế trong nuôi trồng thuỷ sản do có diện tích ao, hồ tự nhiên khá lớn. Hơn nữa, một phần không nhỏ diện tích canh tác là chân ruộng trũng cấy lúa một vụ không hiệu quả, thuận lợi cho việc nuôi cá chuyên canh hoặc mô hình lúa - cá kết hợp.

Ông Nguyễn Công Chính - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thuỷ sản, tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng các vùng nuôi thủy sản tập trung như: Vùng đồng Láng Chương, vùng đồng Mèn, vùng nuôi thủy sản Sơn Tình - Phú Khê - Tạ Xá... Đẩy mạnh đầu tư nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp; triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống; cải tạo, vệ sinh ao, hồ; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật qua việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thuỷ sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp, có khả năng nhân rộng cao. Trong giai đoạn 2021-2024, huyện đã hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm thủy sản; xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Tôm càng xanh, xây dựng quy chuẩn VietGAP cho 2ha tôm càng xanh tại xã Văn Khúc...

Nhờ đó, sản xuất thuỷ sản trên địa bàn huyện từng bước phát triển mạnh. Năm 2023, toàn huyện có diện tích 1.864ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt gần 8.300 tấn, tăng 108% so cùng kỳ. Ngoài các giống thủy sản truyền thống, các loại thủy sản giá trị cao như: Cá chép giòn, tôm càng xanh, ốc nhồi, cá trê, cá chình được người dân đưa vào nuôi, đem lại hiệu quả cao gấp 4-5 lần so với nuôi cá truyền thống.

Từ sự nỗ lực của các địa phương trong phát triển thủy sản, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định và có xu hướng đổi mới hình thức nuôi, chủng loại, chất lượng sản phẩm nuôi. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt trên 42.000 tấn, tăng 3,87%, trong đó cá các loại đạt 41.854 tấn, tăng 3,74%; sản lượng tôm đạt 91,05 tấn, tăng 7,24%. Sản lượng thủy sản khác đạt 172,67% tấn, tăng 44,82% so với cùng kỳ. Sản xuất và ương nuôi cá giống ước đạt 1.600 triệu con... Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước đạt 20.700 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững

Người dân thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi thủy sản.

Tháo gỡ khó khăn để phát triển

Mặc dù, sản lượng và năng suất nuôi trồng thủy sản của tỉnh liên tục tăng qua các năm nhưng vẫn ở mức thấp; sản phẩm thủy sản chưa đa dạng, chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống, chưa có sản phẩm chế biến, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nhiều vùng chưa được đầu tư hoặc đã xuống cấp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn ít. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sản xuất thủy sản của tỉnh liên tiếp bị ảnh hưởng do hạn hán, mưa lũ gây ra dưới tác động của biến đổi khí hậu; bệnh thủy sản diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng... làm hạn chế người dân đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng nuôi.

Để khắc phục khó khăn, hướng tới phát triển thủy sản bền vững, Chi cục Thủy sản tiếp tục tham mưu với Sở NN&PTNT kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức sản xuất, phòng, chống thiên tai, phát triển thủy sản sát với thời vụ sản xuất; hướng dẫn người dân áp dụng quy trình nuôi an toàn thực phẩm, VietGAP và các biện pháp kỹ thuật quản lý môi trường ao nuôi, phòng trị bệnh cá giai đoạn chuyển mùa. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, sơ chế, chế biến thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất thủy sản.

Đối với các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tích cực chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố mẹ, đảm bảo sản xuất và ương nuôi trên 1.500-1.600 triệu con giống các loại, trong đó tỷ lệ cá giống đặc sản, giống có giá trị chiếm hơn 60% cơ cấu giống nuôi. Triển khai các mô hình nuôi có giá trị kinh tế cao đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá, nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả, đề xuất các giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả, bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế mặt nước của tỉnh.

Để cập tới giải pháp phát triển thủy sản, ông Nguyễn Thành Chung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Thủy sản thời gian tới là tập trung chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng; giảm quy mô số lồng nuôi trên sông, tăng quy mô số lồng nuôi trong hồ chứa; nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi diện tích ruộng 1 vụ, mặt nước lớn. Mở rộng diện tích nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, chiên, nheo, ngạnh, trắm cỏ, trắm đen, chép lai, rô phi, diêu hồng, tôm càng xanh, lươn, ếch... nâng tỷ lệ giống có giá trị kinh tế cao từ 60% lên 70%, góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng hiệu quả kinh tế. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản năm 2024 đạt trên 46.000 tấn, tăng 4% so với 2023 và tới năm 2025 đạt hơn 48.000 tấn.

Hà Nhung


Hà Nhung

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng

Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng
2024-07-05 08:58:00

baophutho.vn Xã Bình Phú, huyện Phù Ninh được thành lập trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp xã là Bình Bộ, Vĩnh Phú, Tử Đà. Địa bàn tương...

Lan tỏa sản phẩm OCOP

Lan tỏa sản phẩm OCOP
2024-07-04 08:47:00

baophutho.vn Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai sâu rộng trên tất cả các địa phương trong tỉnh, tạo ra sản phẩm có chất...

Hiện đại hạ tầng thương mại

Hiện đại hạ tầng thương mại
2024-07-03 08:47:00

baophutho.vn Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ngày càng hiện đại, tạo điều kiện...

Nâng cao giá trị kinh tế thủy sản đặc sản

Nâng cao giá trị kinh tế thủy sản đặc sản
2024-07-02 08:12:00

baophutho.vn Nhằm khai thác tiềm năng từ mặt nước, các giống thủy sản đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao được người dân trên địa bàn tỉnh mở rộng quy...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long