Cập nhật:  GMT+7

Tấm gương luôn chăm lo nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Chúng ta học ở Người tấm gương và kinh nghiệm nâng cao dân trí để khơi nguồn tri thức trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay.

Tấm gương luôn chăm lo nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch.

Với truyền thống hiếu học từ gia đình, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ham học hỏi, tìm hiểu những điều mới lạ. Khi rời Tổ quốc tìm đường cứu nước vào năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã chọn các nước phương Tây với mong muốn thiết thực: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Khi trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với Người, cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức của thực dân để giành lại tự do, độc lập, giành lại quyền con người bao gồm cả việc nâng cao dân trí, nắm vững những tri thức của nhân loại.

Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Người coi nâng cao dân trí là một nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài. Người xác định: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”[1]. Trong những ngày tháng gian nan vừa kháng chiến vừa kiến quốc, việc ra sức học tập để xóa nạn mù chữ - diệt “giặc dốt”, được coi như một công tác quan trọng không kém chống giặc ngoại xâm và “giặc đói”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng trí thức - những người nắm được nhiều tri thức. Người coi đây là nguồn vốn trí tuệ quý của dân tộc, của kháng chiến.

Trước năm 1945, thực dân Pháp đã có chính sách đào tạo đội ngũ trí thức bản địa với mục đích phục vụ cho họ. Nhưng nhiều người trong số đó đã đứng về phía cách mạng, sử dụng những kiến thức của mình như một vũ khí trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Có thể kể đến những trí thức yêu nước tiêu biểu, như: Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ... rồi sau này là Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng... với sự ngưỡng mộ rất lớn của nhân dân.

Đánh giá cao vai trò của trí thức, trân trọng “tìm người tài đức”, Người nói với quốc dân trên báo Cứu quốc: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[2].

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến nhiệm vụ học tập để nâng cao trình độ nhận thức, nắm vững khoa học kỹ thuật quân sự của các cấp chỉ huy và chiến sĩ. Năm 1949, Người căn dặn: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học.

Học không bao giờ cùng.

Học mãi để tiến bộ mãi.

Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm”[3].

Từ những năm đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và cả trong những năm chiến tranh ác liệt ở miền nam, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên gửi những sinh viên xuất sắc, những cán bộ khoa học trẻ đầy triển vọng đi học tập ở nước ngoài để nắm bắt những tri thức khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ trực tiếp cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và công cuộc dựng xây đất nước sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến thăm các đơn vị bộ đội. Người khen ngợi, động viên chiến sĩ làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại để sáng tạo cách đánh của Việt Nam, làm mất ưu thế những phương tiện kỹ thuật hiện đại của địch. Thực tế lịch sử của cả hai cuộc kháng chiến chống xâm lược trong thế kỷ 20 của Việt Nam đã chứng minh rằng sức mạnh trí tuệ của dân tộc được phát huy mạnh mẽ trong điều kiện chiến trường Việt Nam đã thắng được các ưu thế chiến tranh hiện đại của hai cường quốc. Trong thế kỷ 20, bản lĩnh văn hóa của dân tộc khi hấp thụ thêm những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã tỏ rõ sức mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhận thấy rõ, đánh giá đúng và khơi nguồn mạnh mẽ sức mạnh trí tuệ của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do. Người căn dặn: “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”[4]. Người xác định rõ: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[5].

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập là công việc thường xuyên của mỗi người dù ở cương vị nào nếu muốn mình luôn tiến bộ. Học tập phải gắn liền với động cơ, mục đích đúng đắn - học để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Muốn học tập có kết quả tốt cần học tập toàn diện, học tập có phương pháp, lý luận phải gắn với thực tiễn. Người đặt câu hỏi và trả lời: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập không ngừng nghỉ, mẫu mực thực hiện phương châm học tập suốt đời. Việc học của mỗi người nhằm nâng cao trình độ tri thức, mở rộng hiểu biết của mình nhưng cũng đồng thời để hoàn thành công tác cách mạng. “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[7].

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương vĩ đại học tập không ngừng và để lại một di sản tư tưởng về giáo dục toàn diện, định hướng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Tấm gương đó, tư tưởng đó, định hướng đó là khởi nguồn để khơi dậy tinh thần tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc, văn minh như tâm nguyện của Người.

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.40.

[2]Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr.114.

[3]Hồ Chí Minh: sđd, t.6, tr.61.

[4]Hồ Chí Minh: sđd, t.12, tr.333.

[5]Hồ Chí Minh: sđd, t.10, tr.458 - 459.

[6]Hồ Chí Minh: sđd, t.6, tr.361.

[7]Hồ Chí Minh: sđd, t.6, tr.208.

Nguồn nhandan.vn


Nguồn nhandan.vn

 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Làng Sen, điểm hẹn tháng 5

Làng Sen, điểm hẹn tháng 5
2025-05-16 08:30:00

Ở miền quê xứ Nghệ, trên mảnh đất xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tháng 5 càng thêm ý nghĩa trong hương sen ngào ngạt và từng bước chân thành kính của dòng người về đây tưởng nhớ...

Về “địa chỉ đỏ” Tân Trào nhớ Bác

Về “địa chỉ đỏ” Tân Trào nhớ Bác
2025-04-16 15:23:00

baophutho.vn Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào được biết đến là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”- nơi gắn liền với những năm tháng...

Không ngừng học và làm theo Bác

Không ngừng học và làm theo Bác
2025-04-05 08:23:00

baophutho.vn Thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,...

Thiết thực học và làm theo Bác

Thiết thực học và làm theo Bác
2025-02-19 08:58:00

Những năm qua, Trường THCS Bản Nguyên, huyện Lâm Thao đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc

Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc
2025-02-16 15:46:00

baophutho.vn Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Đảng bộ...

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí
2025-02-13 08:39:00

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều lần, trong các bài viết, trong các bài nói chuyện, Người đã nhắc nhở cán bộ,...

Phát huy giá trị các “địa chỉ đỏ”

Phát huy giá trị các “địa chỉ đỏ”
2025-02-01 07:32:00

baophutho.vn Xuân về, chúng tôi ngược dòng thời gian để tìm về những miền ký ức đã trở thành huyền thoại trên vùng Đất Tổ. Mỗi địa danh, tên núi, tên làng...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long