{title}
{publish}
{head}
Giáo dục hòa nhập là chủ trương tiến bộ khi mang tới cho học sinh khuyết tật sự bình đẳng và cơ hội học tập. Thực tế, nhiều học sinh khuyết tật khi được trao động lực, sự khích lệ và tình yêu thương đã đạt được thành tích học tập tốt. Các em không chỉ được thắp lên niềm tin về tương lai tươi sáng, mà còn khẳng định hiệu quả của phương pháp giáo dục hòa nhập đang áp dụng trong nhà trường hiện nay.
Em Vũ Hoàng Quân (học sinh lớp 11A9, Trường THPT Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) vượt khó học giỏi.
Những tấm gương sáng
Về Trường THPT Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động của Vũ Hoàng Quân, hiện đang học lớp 11A9. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Cự Thắng, năm 2008 Quân chào đời với hình hài lành lặn như bao đứa trẻ khác. Năm 2013, một tai nạn thương tâm đã khiến Quân mất đi đôi tay. Những tưởng biến cố ấy khiến tương lai của cậu bé vụt tắt nhưng em đã vượt lên nỗi đau và sự mất mát để nỗ lực thực hiện ước mơ cháy bỏng được đi học bằng hành trình khổ luyện tập viết bằng đôi chân.
Vũ Hoàng Quân không nhớ đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu mới có thể viết ra những nét chữ tròn trịa trên trang giấy trắng. Bố mẹ em đóng cho con trai bộ bàn ghế có cấu trúc đặc biệt để Quân có thể ngồi viết, học tập và để sách vở một cách thoải mái. Trong mắt thầy cô và bạn bè, Quân luôn là tấm gương sáng về nghị lực và ý chí vươn lên chiến thắng số phận.
11 năm, cậu học sinh khuyết tật đạt được nhiều thành tích xuất sắc khiến bạn bè nể phục. Lớp 5, Quân đạt giải Nhất Ngày hội viết chữ đẹp, thiếu nhi vui khỏe tỉnh Phú Thọ. Năm lớp 10, em xếp học lực khá - điều mà chỉ 15/45 học sinh lớp 10A9 đạt được. Vũ Hoàng Quân là học sinh khuyết tật nên theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, em được đánh giá giảm nhẹ hoặc miễn kiểm tra, đánh giá bằng điểm số. Tuy nhiên, Quân đã làm đơn đề nghị được kiểm tra, đánh giá bằng điểm số như những học sinh bình thường khác. “Con biết là sẽ rất khó khăn nhưng con sẽ cố gắng hết sức. Con mong muốn sau này sẽ có cơ hội được xét tuyển lên đại học” - Vũ Hoàng Quân đã tâm sự với cô giáo chủ nhiệm của mình như vậy.
Năm 2022, ngành Giáo dục- Đào tạo Phú Thọ đón nhận tin vui khi học sinh Hà Đức Mạnh (Trường Tiểu học Mỹ Thuận 1, huyện Tân Sơn) đạt giải Nhất Cuộc thi Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp Quốc gia. Cậu bé sinh ra tại xã miền núi khó khăn, được chẩn đoán mắc chứng bại não từ nhỏ đã vượt lên số phận éo le để làm nên kỳ tích, không chỉ khẳng định ý chí của mình mà cậu học trò nhỏ còn mang thành tích về cho quê hương.
Hằng ngày, Mạnh đều đặn đến trường bằng xe lăn. Mạnh đam mê máy tính nên dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ em vẫn dành dụm mua cho con chiếc máy tính cũ phục vụ cho việc học. Cơ duyên với những cuộc thi trên mạng đến với em từ lúc đó. Ngoài giờ học chính khóa, Mạnh lại lên mạng say sưa tìm hiểu kiến thức. Giờ đây, Hà Đức Mạnh đang học lớp 7, Trường THCS Mỹ Thuận. Cậu học sinh vượt khó học giỏi ấy vẫn đang miệt mài thực hiện ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho các bạn cùng hoàn cảnh với mình.
Cùng tấm gương sáng Vũ Hoàng Quân hay Hà Đức Mạnh, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hai học sinh khuyết tật bẩm sinh là Nguyễn Thị Bích Hồng và Nguyễn Thúy Hiền (Trường THPT Phù Ninh, huyện Phù Ninh) đạt được thành tích tốt. Nguyễn Thị Bích Hồng đạt 28 điểm và chỉ kém thủ khoa khối C toàn tỉnh 1,25 điểm. Nguyễn Thúy Hiền đạt 21,2 điểm.
Em Hà Đức Mạnh đạt giải Nhất Cuộc thi Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp Quốc gia khi học lớp 5. (Ảnh chụp năm 2022)
Viết tiếp ước mơ
Dù đã và đang tích cực thực hiện quyền tiếp cận giáo dục, nhưng giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo Hội bảo trợ người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có trên 30.000 trường hợp NKT, trong đó có khoảng 8.500 trẻ em. Trẻ khuyết tật (TKT) được phân thành các nhóm: Trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khó khăn về học, trẻ khó khăn về vận động, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác.
Số lượng TKT đông, nhưng toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt là Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì và 3 trung tâm giáo dục hòa nhập được cấp phép trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao, với số lượng học sinh khuyết tật được vào học rất ít so với nhu cầu đi học của trẻ.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có trường đào tạo về ngành giáo dục đặc biệt. Trường Đại học Hùng Vương là đơn vị duy nhất trên địa bàn mở mã ngành Công tác xã hội trong đó có các môn: Tâm lý giáo dục, Chăm sóc sức khỏe tâm thần... nhưng mỗi năm số lượng học sinh đăng ký thi vào mã ngành này rất thấp, có những thời gian phải dừng tuyển sinh do không có học sinh đăng ký.
Dù khó khăn, thử thách, ngành Giáo dục nói chung và các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn luôn có nhiều biện pháp khuyến khích, tăng tỷ lệ học sinh khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận với giáo dục. Đơn cử, Trường THPT Thanh Sơn đã tổ chức đa dạng các hoạt động giúp học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt tập thể.
Thầy Bùi Vĩnh Tuy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh luôn được nhà trường quan tâm bằng nhiều hình thức như: Đôi bạn học tập, nhóm cùng bạn đến trường, trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, biểu dương các cá nhân, tập thể có việc làm tốt giúp học sinh khuyết tật trong trường, lớp. Đồng thời, quan tâm xây dựng quy trình giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật theo các bước: Tìm hiểu khả năng và nhu cầu của mỗi học sinh, xác định mục tiêu và lập kế hoạch học tập cụ thể, thực hiện điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi học sinh, đánh giá kết quả học tập”.
Những học sinh khuyết tật được chắp cánh bởi gia đình, nhà trường và xã hội sẽ trở thành công dân có ích, tự tin viết nên “cuốn sách” cuộc đời mình, tô điểm cho bức tranh nhiều màu sắc của Giáo dục Đất Tổ.
Thùy Trang
baophutho.vn Thời gian vừa qua, phóng viên Báo Phú Thọ nhận được phản ánh của người dân xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê về việc bãi tập kết rác thải của xã...
baophutho.vn Trong các lớp học miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thường gặp nhiều khó khăn khi học tiếng Anh. Các em không chỉ...
baophutho.vn Nếu như cách đây hơn chục năm, Phú Thọ vẫn trong tốp các tỉnh khó khăn, còn tồn tại các vùng lõm, “vùng trắng” về sóng điện thoại di động cũng...
baophutho.vn Không như các bác sĩ điều trị bệnh nhân bình thường, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần luôn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp dở khóc dở...
baophutho.vn Vốn là vùng quê thuần nông, nhưng những năm gần đây huyện Cẩm Khê phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,...
baophutho.vn Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được học tập, vui chơi và lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào...
baophutho.vn Như bao đứa trẻ khác, trẻ tự kỷ cũng có tình cảm, nhận thức, cảm xúc... nhưng khó hoặc không thể bộc lộ một cách bình thường. Hiện chưa xác...
baophutho.vn Hàng năm, cứ vào tầm tháng 9, tháng 10, hai em Bùi Văn Thọ, xã Xuân Đài và Hà Văn Toàn, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn lại chuẩn bị dụng cụ, đồ...
baophutho.vn Chúng tôi về xóm Liệm, xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn, mới hơn 9 giờ sáng đã gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Khanh lao động trên đồi sắn về. Chưa...
baophutho.vn Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, trong 2 ngày 16 và 17/9, trên địa bàn tỉnh nhiều nơi có mưa rào và dông, cục...
baophutho.vn Con đường từ Chiềng 2 đi vào xóm Nhàng (xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn) đang dần hoàn thiện dài hơn 2km, nhìn từ xa như dải lụa nhỏ, chạy quanh...